Nhân kỷ niệm 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2021) hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, chiều 20-4, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”. Tham dự chương trình có đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo lão thành, nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia làm báo trong kháng chiến chống Pháp và làm báo tại các chiến khu, như: Hà Đăng, Thái Duy, Đặng Minh Phương, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp… cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh Việt Bắc.
Trưng bày chuyên đề và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” được nghiên cứu và khai thác, tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động và sự kiện báo chí tiêu biểu, gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946 đầy bão tố, thù trong giặc ngoài, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và cuộc kháng chiến “9 năm làm một Điện Biên”. Trong giai đoạn đó báo chí cách mạng thực sự đã có một bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc, trên cơ sở những tư liệu, hiện vật là di sản báo chí vô giá gây dựng và để lại từ lao động sáng tạo, sự cống hiến, hi sinh của cả một thế hệ nhà báo - chiến sĩ.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tặng hoa tri ân các nhà báo lão thành tại buổi lễ.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Qua trưng bày và tọa đàm này có thể thấy rõ hơn những hình ảnh sinh động, trung thực về đời sống kháng chiến qua ống kính các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội gồng gánh lên chiến khu, không chỉ tạo nguồn ảnh thời sự cho báo chí chiến khu mà còn cung cấp cho chúng ta hôm nay những tư liệu ảnh vô giá. Độc đáo không đâu có chính là câu chuyện làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ, tòa soạn báo hoạt động ngay cạnh các chiến hào và sát cánh với bộ đội. 33 số báo đã ra đời giữa chiến trường chính là một huyền tích có thật của báo chí kháng chiến.
Cũng theo đồng chí Trần Kim Hoa thì tại chương trình lần này một số tư liệu ảnh quý lần đầu tiên ra mắt công chúng, như: hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp những năm từ 1946-1954; một số bức ảnh do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn chụp năm 1950, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Việt Tùng hiến tặng năm 2015 hay một số tư liệu ghi lại sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Tổ chức Nhà báo quốc tế OIJ năm 1950.
Tại buổi tọa đàm các nhà báo lão thành và nhân chứng lịch sử đã kể những câu chuyện cảm động về thời kỳ làm báo, như: nhà báo Hà Đăng kể về thời kỳ làm báo Tết ở chiến khu V; nhà báo Thái Duy kể về một số kỷ niệm làm Báo Cứu quốc; Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng kể về thời kỳ làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ…
Trưng bày chuyên đề “Báo chí Việt Nam 1946-1954: Từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc” gây xúc động với người xem.
Bày tỏ xúc động khi được xem những tư liệu quý và được nghe các nhà báo lão thành, nhân chứng lịch sử chia sẻ tại chương trình, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đó là tất cả là những câu chuyện vô cùng tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam trong một thời kỳ gian khó ở một địa bàn đặc biệt là chiến khu Việt Bắc. “Tôi mong muốn các nhà báo, đặc biệt là những nhà báo lão thành tiếp tục có những đóng góp bằng những câu chuyện xúc động để kể cho thế hệ hôm nay thêm trân trọng, tự hào về nghề của mình. Được nghe trực tiếp những câu chuyện làm báo chiến trường của các nhà báo lão thành là điều hết sức quý giá. Tôi cũng mong muốn Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục có sự kết nối, sưu tầm tư liệu dày dặn hơn về các thời kỳ làm báo khác nhau để làm dày thêm truyền thống đáng tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam”, đồng chí Hồ Quang Lợi khẳng định.
Trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 21-6-2021.
Ngô Khiêm