Nhằm tăng cường tuyên truyền, ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, hăng hái thi đua làm việc của cán bộ, công chức. Sáng ngày 18-2, Vụ Địa phương III (Ban Tổ chức Trung ương) phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức chuyến về nguồn đầy ý nghĩa tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đoàn tham dự chuyến về nguồn, về phía Vụ Địa phương III có đồng chí Nguyễn Văn Phóng – Vụ trưởng, các đồng chí phó vụ trưởng, chuyên viên, cán bộ và đoàn cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Phóng - Vụ trưởng Vụ Địa phương III (đứng thứ 11 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn tại Đài tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo (Ảnh: H.Hào).
|
Chiều ngày 18-2, Đoàn tổ chức lễ viếng tại Đài tưởng niệm của Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, thành kính trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh, yên nghỉ tại Côn Đảo và Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Đồng chí Nguyễn Văn Phóng – Vụ trưởng Vụ Địa phương III xúc động chia sẻ: Đoàn Vụ Địa phương III - Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng về đây cùng dâng nén hương thành kính tri ân các bậc tiền nhân, các Anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ trên mảnh đất Côn Đào thiêng liêng này.
Côn Đảo - Hòn Đảo ngọc thiêng liêng của Tổ quốc, suốt chặng đường lịch sử 113 năm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “Địa ngục trần gian” để giam cầm, tra tấn và giết hại hàng vạn người con ưu tú của dân tộc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, có người phải mang thương tật suốt đời. Nhưng các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước luôn giữ vững khí tiết đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng. Máu đào của các anh hùng, liệt sỹ đã tô thắm lá cờ vinh quang cùa Đảng, của Tổ quốc.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước, chúng tôi xin nguyện không ngừng học tập truyền thống chiến đấu hào hùng, vẻ vang của các vị, các đồng chí, cùng nhau đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xứng đáng với công lao to lớn của đồng bào, đồng chí cả nước đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Đoàn tổ chức lễ viếng, thắp hương tại Đài tưởng niệm của Nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo (Ảnh: H.Hào).
|
Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích 20ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đầy, kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.
Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo ngày 19-12-1992 gồm 4 khu A-B-C-D với 1.922 phần mộ, trong đó 714 mộ có tên. Khu A có 690 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể), trong đó có 91 mộ có tên và 599 mộ khuyết danh. Nơi đây có mộ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Vũ Văn Hiếu. Khu B2 gồm 485 ngôi mộ (có 3 mộ tập thể), trong đó có 218 mộ có tên và 267 mộ khuyết danh. Nơi đây có mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu…
|
Đoàn thắp hương, tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Vũ Văn Hiếu tại Khu A Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo (Ảnh: H.Hào).
|
Sáng cùng ngày, Đoàn đã tham quan Bảo tàng Côn Đảo, nơi trưng bày, lưu giữ gần 2.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh bi hùng trong cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc của những người yêu nước Việt Nam. Bảo tàng Côn Đảo được trưng bày theo 4 chủ đề: Côn Đảo - thiên nhiên con người; Địa ngục trần gian; Trận tuyến và trường học; Côn Đảo ngày nay.
|
Đoàn tham quan tại Bảo tàng Côn Đảo (Ảnh: H.Hào).
|
Đoàn tiếp tục tham quan di tích Nhà Chúa Đảo, có tổng diện tích là 18.600m2, gồm các hạng mục: nhà phụ thuộc, nhà ở dành cho nhân viên, nhà Chúa Đảo, hệ thống sân, vườn - có cổng và hàng rào bao quanh. Khu vực này từng là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa Đảo, trong khoảng thời gian hệ thống nhà tù ở Côn Đảo duy trì hoạt động. Sau ngày giải phóng (1975) đến nay, nhà Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo.
|
Đoàn tham quan di tích Nhà Chúa Đảo (Ảnh: H.Hào).
|
Điểm đến tiếp theo của Đoàn sau Nhà Chúa Đảo là trại giam Phú Hải và Phú Tường. Trại giam Phú Hải (Bagne – Banh I: còn được gọi các tên lao I, trại Cộng Hòa, trại II), trại giam Phú Hải được xây dựng 1982 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896, với tổng diện tích 12.015m2, diện tích phòng giam 2.915m2. Với bao gồm 10 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy phòng), 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim, 1 hầm xây lúa và 1 khu đập đá khổ sai. Đây là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử, nơi được ví như địa ngục trần gian tại Côn Đảo.
|
Đoàn tham quan trại giam Phú Hải và Phú Tường thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi được ví như địa ngục trần gian (Ảnh: H.Hào).
|
Hoàng Hào