Hội thảo khoa học: Hợp tác Biển Đông - Lịch sử và phát triển

Trong 2 ngày 12 và 13-12-2012, tại TP. Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Hợp tác Biển Đông - Lịch sử và phát triển”. Tham gia hội thảo có hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông.

Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung chính: (1) Vị trí chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam, Đông Nam Á và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lịch sử; (2) Tiềm năng kinh tế biển, năng lực khai thác biển, quan hệ giao thương và bang giao trên biển... của người Việt Nam trong tiến trình lịch sử; (3) Biển Đông trong quan hệ hợp tác đảm bảo an ninh, khai thác và phát triển các nguồn lợi kinh tế biển đối với sự phát triển của Việt Nam và các quốc gia khu vực hiện nay cũng như trong tương lai; (4) Cơ sở pháp lý quốc tế, lịch sử, xác lập và thực hiện chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học công bố những thành tựu nghiên cứu mới về Biển Đông, tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hoá, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông từ góc độ lịch sử và triển vọng. Trên cơ sở tiếp cận liên ngành, những tư liệu lịch sử, văn hoá trong các tham luận đã cung cấp thêm những luận cứ khoa học, nhằm làm rõ vị trí địa lý, kinh tế, cơ sở pháp lý... cho các quan hệ hợp tác phát triển của các quốc gia trong khu vực, có liên quan tới Biển Đông.

Có 55 tham luận được trình bày tại hội thảo về các vấn đề: Người Việt với Biển Đông; khai thác biển của người Việt thế kỷ XIX; Biển Đông - Trường sinh tồn của Việt Nam, điều kiện và thách thức (nhìn từ lịch sử văn hoá); Hành trình của đội Hoàng Sa trong việc xác lập và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Đại Việt thời Nguyễn; Cơ sở lịch sử khẳng định quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và chủ quyền người Việt; Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua tập hồ sơ tư liệu tiếng Anh; Giới thiệu những tư liệu và bản đồ cổ phương Tây liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trướng Sa; Kinh nghiệm tổ chức bảo vệ Biển Đông; Công cuộc bảo vệ chủ quyền Biển và Đảo của người Việt trong lịch sử; Kết hợp khai thác tiềm năng kinh tế với bảo đảm an ninh và thực thi chủ quyền đối với biển đảo - nhìn từ lịch sử... Đáng chú ý, tham luận “Thủy binh Chúa Nguyễn với việc bảo vệ chủ quyền, khai thác nguồn lợi biển đảo trên biển”; Hành trình của đội Hoàng Sa trong việc xác lập và thực thu chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Đại Việt thời Nguyễn; Cơ sở lịch sử khẳng định quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; tầm nhìn hướng biển của vua Minh Mệnh…là những tài liệu lịch sử và các chứng cứ khoa học góp phần khẳng định Biển Đông là một phần máu thịt, không thể tách rời trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. 

Nội dung thu hút đông đảo sự tham gia, thảo luận của các nhà khoa học tại Hội thảo là những vấn đề: Sự biến đổi địa chính trị Biển Đông từ sau chiến tranh lạnh đến nay; Lợi ích địa chiến lược của các cường quốc ở Biển Đông; Các yếu tố quốc tế trong vấn đề Biển Đông; Vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông; Chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (1945-1975) với việc xuất hiện những tranh chấp trên Biển Đông; Hợp tác an ninh - kinh tế giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á về Biển Đông - tiềm năng và triển vọng; Triển vọng giải quyết xung đột ở Biển Đông; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam nhìn từ góc độ quản lý và khai thác (từ năm 1975 đến nay); Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển, đảo của Việt Nam hiện nay; Hoàn thiện thể chế nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam... Đó cũng là những vấn đề thời sự của quốc tế và khu vực hiện nay.

Những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo cho thấy: Vấn đề Biển Đông đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả, hình thành mạng lưới nghiên cứu về Biển Đông giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, hướng tới xây dựng một Chương trình hợp tác, nghiên cứu về Biển Đông. Trong đó, khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam - một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Hiệp hội ASEAN đã, đang và sẽ cùng với các nước trong và ngoài khu vực phấn đấu xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và phồn vinh. Đồng thời, Việt Nam trước sau như một khẳng định: không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, mà luôn dựa trên cơ sở thoả thuận và luật pháp quốc tế, trước hết là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nguồn: TTXVN/Báo Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất