Đồng chí Hồ Tùng Mậu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu bắt đầu từ năm 1920, trải qua giai đoạn hoạt động ở nước ngoài (1920-1931), hoạt động ở ngục tù trong nước (1931-1945), đảm đương nhiều trọng trách của chính quyền cách mạng (1945-1951). Với 55 tuổi đời (15-6-1896 - 23-7-1951), đồng chí có 31 năm hoạt động cách mạng (1920-1951) ở trong nước, ở Xiêm (nay là Thái Lan) và ở Trung Quốc, trong đó hơn 14 năm bị giam cầm, đày ải trong các nhà lao đế quốc (ở Hỏa Lò, Vinh, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê) và một số nhà giam của Quốc dân Đảng, nhiều lần bị địch bắt và bị kết án tử hình. Dù hoạt động trong hoàn cảnh và ở cương vị nào, đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không màng danh lợi, hy sinh tất thảy cho cách mạng và đã “bao phen đồng cam cộng khổ”, “như tay với chân”, trở thành “anh em chí thiết” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, được đồng bào Liên khu IV (cũ) gọi là “Cụ Hồ em”. Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “người lãnh đạo tân tụy”, “cán bộ lão luyện”, “đồng chí trung thành”, “anh em chí thiết” và Người đã “gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ, nghiêng mình trước linh hồn chú và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc. Tôi lại hứa với chú: Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đã tận trung với nước, tận hiếu với dân”[3].

Những hoạt động, đóng góp của đồng chí Hồ Tùng Mậu gắn với quá trình chuyển tiến từ tổ chức Tâm tâm xã sang nhóm Cộng sản đoàn tới Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang, bước vào xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, hướng theo con đường chủ nghĩa xã hội, thể hiện ở một số nét chính sau đây:

Một là, những đóng góp to lớn cho thời kỳ dựng Đảng, trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển tiến từ các tổ chức tiền thân, trở thành trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và tham dự Hội nghị thành lập Đảng.

Năm 1920, đồng chí Hồ Tùng Mậu sang Xiêm, sau đó sang Trung Quốc hoạt động nhưng đến Xuân năm 1923, đồng chí cùng với 6 thanh niên trí thức lập ra Tâm Tâm xã với mong muốn “liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”. Tâm Tâm xã có mục đích, tôn chỉ, điều lệ hoạt động theo phương hướng mới, không đi theo tổ chức Việt Nam quang phục Hội vì nhận thấy chủ trương cứu nước theo ngọn cờ của Phan Bội Châu không còn thích hợp với điều kiện mới và “từ khi nước nhà bị mất, nhiều chí sỹ chạy vạy, hô hào nhưng quốc dân vẫn mãi thống khổ vì thiếu một đoàn thể có tổ chức kiên cố, thiếu thực lực và thiếu sự quyết tâm hy sinh” [4].

Tháng 6-1924, Phạm Hồng Thái, thành viên của Tâm Tâm xã tiến hành vụ ám sát Toàn quyền Đông Dương M.Méc-lanh ở Sa Diện - Quảng Châu nhưng mục đích không thành, Phạm Hồng Thái ở tình thế bức bách phải nhảy sông Châu Giang và hy sinh anh dũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Việc đó tuy nhỏ nhưng nó bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”[5]. Khi Tâm Tâm xã rơi vào tình trạng bế tắc thì cũng là lúc Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam quang phục Hội, thành lập Việt Nam quốc dân Đảng, phỏng theo hướng đi của cách mạng Tôn Trung Sơn, nhưng đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nhận ra hạn chế của nó nên quyết đi tìm hướng mới phù hợp hơn. Đúng thời điểm này, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu, qua tìm hiểu và có một số cuộc tiếp xúc riêng, Người đã lựa chọn Hồ Tùng Mậu là một trong 9 thanh niên xuất sắc của Tâm tâm xã để thành lập nhóm Cộng sản đoàn, làm hạt nhân cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời tháng 6-1925.

Đồng chí Hồ Tùng Mậu là trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là thành viên chủ chốt của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được Người tin tưởng giao nhiều trọng trách như: tham gia dự thảo điều lệ của Hội, chuẩn bị phương tiện, tài liệu để xuất bản báo Thanh niên; thiết lập đường dây liên lạc giữa trong nước và cơ quan Tổng bộ của Hội, tham gia đưa người sang Quảng Châu huấn luyện; tham gia quản lý, phụ đạo, hướng dẫn thảo luận, hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị thuốc men, bố trí ăn ở cho các lớp huấn luyện chính trị[6]; cuối năm 1925 đồng chí được cử về Hải Phòng lập ra “Huệ quần thư quán” làm nơi liên lạc giữa Tổng bộ của Hội với các cơ sở trong nước như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… để chọn người sang Quảng Châu huấn luyện. Sau đó, đồng chí được phái sang Xiêm để tổ chức Hội trong Việt kiều ở đây. Tháng 3-1927, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn về biên giới tổ chức lớp huấn luyện ở Cống Chạp, là lớp cuối cùng của Tổng bộ Hội[7].

Đồng chí Hồ Tùng Mậu có công lao to lớn khắc phục sự phân liệt của các tổ chức cộng sản, liên tục viết thư kêu gọi sự hợp nhất, đồng thời báo cáo để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biết rõ tình hình, sớm từ Xiêm về Hương Cảng tổ chức Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn tham dự Hội nghị này với tư cách là cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại, sau đó được phân công đi Hàng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải đặt các cơ sở liên lạc và hoạt động cho Đảng ta[8].

Hai là, những hoạt động trên lĩnh vực sáng tác văn, thơ, báo chí cách mạng của Hồ Tùng Mậu đã tạo ra hình thức tuyên truyền độc đáo trong điều kiện nhà tù đế quốc thực dân, góp phần quan trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, động viên tinh thần người tù cộng sản giữ vững ý chí để tiếp tục sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cách mạng.

Khi còn hoạt động ở Quảng Châu, biết tin Phan Bội Châu bị giặc bắt ở Thượng Hải rồi bị đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí Hồ Tùng Mậu dùng bút danh Hồ Mộng Tống viết bài đăng báo ở Trung Hoa, kêu gọi thả Phan Bội Châu ra khỏi tù[9], rồi trở thành một cây bút tích cực của Báo Thanh niên. Đặc biệt, khi bị giam ở nhà lao Vinh (Nghệ An) những năm 1931-1932 và sau đó là nhà lao Kon Tum, đồng chí đóng vai trò sáng lập, “chủ bút”, “thư ký tòa soạn” của tờ “báo miệng”, mở ra phương thức tuyên truyền độc đáo. Sau khi tòa soạn họp, chọn chủ đề, đặt các chuyên mục rồi phân công mỗi người tự suy nghĩ kỹ trước khi “chắp bút”, học thuộc để chờ đến lúc trình bày. “Bài báo không viết ra giấy nhưng được nghĩ chín chắn trong đầu nên phần nhiều chẳng những nội dung súc tích mà hình thức cũng khá văn vẻ gọn gàng” nên “tờ báo tuy không cần viết, không cần in mà đến với bạn đọc rất nhanh, rất nhạy” và “đã làm được nhiệm vụ động viên tinh thần, giữ vững ý chí cách mạng của các chiến sỹ cộng sản trong lao tù”[10]. Bên cạnh đó, đồng chí còn sáng tác “tiểu thuyết miệng” có tựa đề “Giọt máu hồng” và “Tục giọt máu hồng” để đọc cho anh em tù nghe, nhằm động viên nhau giữ vững lòng trung kiên, bất khuất của người cộng sản[11]. Trong nhà lao Kon Tum, đồng chí đã dạy chính trị và tiếng Trung, chủ xướng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tác một số bài thơ giá trị như “Tin tưởng”, “Tám mồ liệt sỹ”; lập ra “Hội Tao đàn” dùng hình thức sáng tác và bình thơ để động viên, giáo dục người tù cộng sản, “góp phần làm cho ý chí của anh em tù chính trị càng cứng như thép, vững như đồng”[12].

Ba là, đồng chí Hồ Tùng Mậu không chỉ tích cực hoạt động mà còn động viên mọi người tham gia chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945 và đã có những đóng góp xây dựng nền văn hóa mới, tích cực bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.

Từ khi Đảng ta phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng một số tù chính trị vượt ngục Trà Khê về tỉnh Bình Định, được tổ chức Đảng và Việt Minh ở đây tiếp đón và tháng 3-1945 thì về tới làng Quỳnh Đôi[13]. Khi đó, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim mời ra làm cố vấn chính trị nhưng đồng chí đã từ chối. Đồng chí Hồ Tùng Mậu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau cứu đói, tham gia Hội Cứu quốc, tích cực ủng hộ cách mạng, giao cho con trai là Hồ Mỹ Xuyên tham gia Ủy ban khởi nghĩa của huyện Quỳnh Lưu. Một phần nhờ vậy, huyện Quỳnh Lưu giành được chính quyền sớm nhất của tỉnh Nghệ An trong Cách mạng tháng 8-1945. Khi Đảng ta chuẩn bị phát lệnh Tổng khởi nghĩa thì Xứ ủy Trung Kỳ vẫn chưa được củng cố nên đã điều động đồng chí cùng một số đồng chí khác tăng cường lãnh đạo cơ quan Xứ ủy, chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh miền Trung. Vì vậy có thể nói, đồng chí Hồ Tùng Mậu có đóng góp đáng kể vào thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính ở các tỉnh lỵ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta tích cực chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, hăng hái xây dựng đời sống mới nhưng ở một số địa phương mắc phải sai lầm như chặt cây cổ thụ của làng đem bán, lấy tiền rèn dao, mác, mã tấu. Có nơi ở Nghệ An còn dẹp bàn thờ ở ngôi đền, đình làng, không cho nhân dân cúng tế để làm nơi triển khai bình dân học vụ, thậm chí có nơi còn phá đền, chùa, tượng Phật… Ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đã phá chùa Phật Kệ - một ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời nhà Lý. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có ý kiến: “Cách mạng không phải thế. Không phải cái gì cũ thì cách mạng cũng phá để làm mới. Cách mạng phải bảo vệ các công trình kiến trúc, điêu khắc của cha ông để lại. Cách mạng là phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân”. Ở huyện Quỳnh Lưu phá Chùa Chợ - ngôi chùa xây dựng từ thời nhà Mạc, rước tượng Phật và các đồ tế khí đến nơi khác để lấy nơi làm trụ sở xã; nơi khác lại chặt cây gạo và cây đa to của làng được trồng từ thế kỷ XIV để lấy gỗ làm bàn ghế cho học sinh. Đồn chí biết chuyện nên đã nhắc nhở: “Sao các anh lại phá chùa. Đây là di sản văn hóa của ông cha, làm đẹp xóm làng. Các anh phá đi làm mất di sản văn hóa, sau này không làm lại được. Hơn nữa, các làng lân cận sẽ hiểu như thế nào, người ta sẽ nghi ngờ cách mạng. Làm thế này là đã phạm tội tả khuynh. Nếu bệnh dịch tả làm chết một số người thì bệnh tả khuynh giết chết cả sự nghiệp cách mạng”. Trước đó, từ trong cao trào cách mạng 1930-1931, nghe tin ở quê nhà có khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, đồng chí Hồ Tùng Mậu rất đau lòng, sau này nói: “Được tin đó, tôi lo quá, ai lại chủ trương thế, chia rẽ mất rồi. Cách mạng là phải đoàn kết. Cũng may là chủ trương đó mới tung ra trong thời gian ngắn, Đảng ta đã kịp thời uốn nắn, sửa chữa”[14].

Bốn là, với cương vị là Chính ủy đầu tiên của Chiến khu IV, Giám đốc Trường Quân chính Trung bộ, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử quân sự Việt Nam.

Với cương vị là Chính ủy đầu tiên của Chiến khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu nhanh chóng xây dựng tổ chức Đảng trong Bộ Chỉ huy, trong các chi đội của 6 tỉnh, hình thành quy tắc hoạt động của hệ thống chính trị - tư tưởng trong lực lượng vũ trang Chiến khu IV; tích cực chăm lo mọi mặt cho các đơn vị Vệ quốc đoàn; chỉ đạo lực lượng bộ đội làm công tác dân vận với đồng bào dân tộc thiểu số và liên kết chặt chẽ với nhân dân nước bạn Lào để cùng đánh đuổi tàn quân Pháp ở vùng thượng du và biên giới Việt - Lào.

Đồng chí là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ quân sự - chính trị cấp cơ sở cho Chiến khu IV. Khi trực tiếp phụ trách Trường Quân chính của Xứ ủy Trung bộ, đồng chí chăm lo công tác đào tạo cán bộ, củng cố hệ thống lãnh đạo cấp cơ sở. Khi làm Giám đốc Trường Quân chính Chiến khu IV đóng ở Nhượng Bạn tỉnh Hà Tĩnh, Hồ Tùng Mậu chăm lo đào tạo các chỉ huy quân sự, cung cấp hàng trăm cán bộ chỉ huy và chính trị viên cấp đại đội, tiểu đoàn cho lực lượng Vệ quốc đoàn Chiến khu IV và cho các đoàn quân Nam tiến. Sau đó, ở cương vị là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, đồng chí tăng cường củng cố bộ máy, điều hành hoạt động, là người trực tiếp chuyển mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh để quân, dân  khu IV chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Thời gian lãnh đạo, hoạt động trên lĩnh vực quân sự không dài, nhưng đồng chí Hồ Tùng Mậu đã kịp thời chỉ đạo, tổ chức hệ thống công tác chính trị, trường lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, lấy công tác xây dựng đảng làm trung tâm, trở thành một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.

Năm là, với cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên, đồng chí Hồ Tùng Mậu có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần củng cố hệ thống bộ máy tổ chức, xây dựng và phát triển ngành thanh tra Việt Nam; chỉ đạo nhiều vụ việc góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nhanh đến thắng lợi.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn mới, đòi hỏi đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thành lập ban mới nhằm thống nhất các hoạt động thanh ra trong cả nước, ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí minh ký Sắc lệnh số thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra. Là người đứng đầu ngành, đồng chí đã lãnh đạo đẩy mạnh các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ “xem xét việc thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ; thanh tra các ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết; thanh tra sự khiếu nại của nhân dân”[15], đồng thời tổ chức, dẫn đầu nhiều đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực tế, làm rõ đúng, sai nhiều vụ việc như: sai trái về tín dụng sản xuất ở Liên khu III; theo đơn, thư phản ánh của quần chúng, đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; vụ biển thủ công quỹ, tham ô, ăn hối lộ, lãnh phí... trong quân đội do Đại tá Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu cùng một số nhân vật liên quan gây ra; vụ sai phạm ở Mặt trận đường V...

Sáu là, thông qua những hoạt động có tính chất quốc tế của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động của cách mạng Việt Nam.

Nhờ có Hồ Học Lãm (gọi cha của Hồ Tùng Mậu là bác ruột) giới thiệu, đồng chí Hồ Tùng Mậu từng gia nhập quân đội Chính phủ Tôn Trung Sơn, học Trường quân sự Quảng Đông, học Trường trung học An sinh ở Hàng Châu, Trường Điện tín của Công ty xe lửa Hán - Việt ở Quảng Châu[16]. Bởi vậy, đồng chí đã thiết lập được một số mối quan hệ với bạn bè quốc tế và tương đối am hiểu về cách mạng Trung Quốc để sau này thuận lợi triển khai các hoạt động. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu tích cực tham gia vận động thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” vào tháng 7-1925 gồm những người yêu nước Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Miến Điện; Hồ Tùng Mậu được cử làm Ủy viên phụ trách ngoại giao. Đến tháng 3-1926, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm việc tại Chiêu đãi sở ở Quảng Đông, đồng thời đẩy mạnh hoạt động, tạo đầu mối liên lạc với những người cộng sản các nước đang hoạt động ở đây. Khi biết tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, đồng chí liên hệ với Phái bộ phương Đông của Quốc tế Cộng sản và nhờ luật sư F. H. Lô-dơ-bai giúp đỡ.  Hội hữu nghị Việt - Trung thành lập, đồng chí Hồ Tùng Mậu được cử làm Chủ tịch đầu tiên của Hội, có nhiều đóng góp quan trọng phát triển quan hệ Việt - Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hoạt động quốc tế của đồng chí Hồ Tùng Mậu không chỉ góp phần làm cho kinh nghiệm thực tiễn, vai trò, vị thế, quan hệ của đồng chí với bạn bè quốc tế tăng lên mà trực tiếp hoặc gián tiếp đều có tác dụng tạo sự thuận lợi trong việc triển khai hoạt động của cách mạng Việt Nam; góp phần làm cầu nối giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc châu Á; thu hút sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới cho sự nghiệp chính nghĩa của cách mạng Việt Nam.

---------

(1) Tên khai sinh là Hồ Bá Cự, năm 1920 lấy tên Hồ Tùng Mậu. Trong hoạt động cách mạng còn có các

tên như: Hồ Mộng Tống, Hồ Quốc Đống, Mộc Công, Lương Tử Anh, Phan Tái…

(2) Ông nội là Hồ Bá Ôn, thân phụ là Hồ Bá Kiện, chú ruột là Hồ Bá Trị, con trai là Hồ Mỹ Xuyên đều

hy sinh vì nước. 3 cháu nội của Hồ Tùng Mậu đều là lãnh đạo cấp cao của đảng và Nhà nước: Hồ Anh

Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam; Hồ Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ

tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam; Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương

Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

(3) Thư viếng Hồ Tùng Mậu viết ngày 1-8-1951, Hồ Chí Minh toàn tập, tâp 6, Nxb Chính trị quốc gia,

HN, 2000, tr.264-265

(4) Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Các tổ chức tiền thân của Đảng, HN, 1977,

tr.319-320.

(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn Học, HN, 1970,

tr.69.

(6) Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: Hồ Tùng Mậu lịch sử và thời đại, Nghệ An, 1997, tr.100

(7) Nhiều tác giả: Danh nhân Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1998, tr.391.

(8) Nhiều tác giả: Danh nhân Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1998, tr.394.

(9) Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: Hồ Tùng Mậu lịch sử và thời đại, Nghệ An, 1997, tr.100

(10) Ninh Viết Giao: Về văn hóa xứ Nghệ, tập 1, Nxb Nghệ An, 1998, tr.665-666.

(11) Ninh Viết Giao: Địa chí Quỳnh Lưu, Nxb Nghệ An, 1998, tr.325.

(12) Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh: Hồ Tùng Mậu lịch sử và thời đại, Nghệ An, 1997, tr.83

(13) Lịch sử Đảng bộ Bình Định (1930-1945), Nxb Tổng hợp Bình Định, 1990, tr.126.

(14) Ninh Viết Giao: Về văn hóa xứ Nghệ, tập 1, Nxb Nghệ An, 1998, tr.663-667

(15) Điều 4 của Sắc lệnh số 138b-SL lập Ban Thanh tra Chính phủ ngày 18-12-1949

(1) Ninh Viêt Giao: Dư địa chí Quỳnh Lưu, Nxb Nghệ An, 1998, tr.321 và Hồ Tùng Mậu, người

cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.125

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất