Trong phiên họp ngày 8-4-2011, sau khi nghe lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch báo cáo về Đề án quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (Tờ trình số 31/TTr-BCSĐ, ngày 16-6-2010), ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận như sau:
1- Những năm qua, việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã có nhiều cải tiến, đổi mới, được dư luận đồng tình, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp việc tổ chức lễ tang thủ tục rườm rà, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí, không phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc và yêu cầu xây dựng nếp sống văn hoá; nhà tang lễ chưa được quan tâm xây dựng, địa điểm an táng chưa được quy hoạch, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và vệ sinh môi trường. Đây là những vấn đề cần sớm được khắc phục, tạo nên nếp sống văn minh trong tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
2- Đồng ý tên gọi của Đề án là "Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức nhà nước".
Việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức phải đạt yêu cầu: văn minh, trang trọng, tiết kiệm, kế thừa nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; thể hiện được sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị đối với người từ trần; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí... Khuyến khích tổ chức an táng theo hình thức hoả táng, điện táng, an táng tại quê hương.
- Đồng ý có 4 hình thức lễ tang: lễ quốc tang; lễ tang cấp nhà nước; lễ tang cấp cao; lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
+ Lễ quốc tang được tổ chức đối với các đồng chí đang giữ chức vụ và thôi giữ các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khi từ trần và đối với những cán bộ cấp cao có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, có uy tín lớn trong nước và quốc tế, khi từ trần, do Bộ Chính trị quyết định.
Đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm hoạ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân. Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này.
+ Đồng ý cán bộ có cấp hàm thượng tướng lực lượng vũ trang khi từ trần tổ chức lễ tang theo hình thức lễ tang cấp cao (trừ thượng tướng lực lượng vũ trang là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 tổ chức theo hình thức lễ tang cấp nhà nước).
+ Cần có quy định cụ thể hơn việc tổ chức lễ tang đối với các chức danh cán bộ bị kỷ luật.
- Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức có phạm vi rộng, cần phân loại để có quy định phù hợp với từng đối tượng. Các yêu cầu về bảo đảm vệ sinh môi trường, không để thi hài quá 48 giờ tính từ khi khâm liệm; không lắp ô kính trên nắp quan tài, không rắc vàng mã trên đường tới nơi an táng; việc đưa tin buồn trên các phương tiện thông tin đại chúng… cần quy định thực hiện từng bước, với từng đối tượng, có tính đến tập quán của từng địa phương.
- Về nơi an táng của cán bộ cấp cao khi từ trần, cần xác định rõ, cụ thể, đầy đủ từng đối tượng; hạn chế việc bổ sung thêm đối tượng an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh.
- Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, quy hoạch hệ thống nhà tang lễ, nhà điện táng, hoả táng, khu nghĩa trang; hướng dẫn kinh phí cho việc xây mộ và chi phí tổ chức lễ tang phù hợp với điều kiện thực tế.
- Việc tổ chức lễ quốc tang, lễ tang nhà nước, lễ tang cấp cao của cán bộ, công chức giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định “Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức nhà nước" thay thế cho Nghị định số 62/2001/NĐ-CP, ngày 12-9-2001.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Trương Tấn Sang
(đã ký)