BHXH tỉnh Quảng Nam: doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH toàn tỉnh 24/24 giờ, 7/7 ngày
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị.

Một số kết quả đạt được

1. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN

Số người tham gia BHXH do BHXH tỉnh Quảng Nam quản lý: 210.754  người, giảm 4.887 người so với cuối năm 2022, trong đó: có 190.975 người tham gia tham gia BHXH bắt buộc, đạt 92,87% kế hoạch giao, giảm -3.092 người so cuối năm 2022; có 19.779 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 74,42% kế hoạch giao, giảm 1.795 người so cuối năm 2022; có 177.158 người tham gia BHTN, đạt 92.40% kế hoạch giao, giảm 3.036  người so với cuối năm 2022 và có 1.473.435 người tham gia BHYT, tăng 13.833 người so cuối năm 2022, đạt 100.07% kế hoạch giao. Tỷ lệ bao phủ BHYT 96,55%. Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

2. Số thu BHXH, BHTN, BHYT

Trong 7 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh thu được 2.723,877 tỷ đồng, đạt 52,19% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tăng 9,21% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT đến hết tháng 7-2023 là 303,418 tỷ đồng, chiếm 5,81% số phải thu và tăng 42,746 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

3. Giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHTN

BHXH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng chế độ BHXH, BHTN đảm bảo kịp thời và đúng đối tượng theo quy định, cụ thể:

Trong 7 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 35.653 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 123.335 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn; BHXH một lần 11.383 người; 7.766 người hưởng trợ cấp BHTN, hỗ trợ học nghề 307 người. Tổng số chi BHXH, BHTN là 1.602,413 tỷ đồng, trong đó chi BHXH nguồn NSNN đảm bảo 210,975 tỷ đồng, chi từ nguồn Quỹ BHXH là 1.293,307 tỷ đồng, chi bảo hiểm thất nghiệp 98,131 tỷ đồng.

Công tác chi chế độ BHXH, BHTN được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt, đến hết tháng 7-2023 có 55,82% người nhận các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 101,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2023; có 88,83% chi trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị đạt 104,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2023; người hưởng chế độ BHXH, BHTN hài lòng về cách thức tổ chức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất và thái độ phục vụ.

4. Thanh toán chi phí KCB BHYT

Công tác KCB BHYT trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ từ trạm y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến Trung ương để phục vụ người bệnh BHYT; 100% trạm y tế tuyến xã thực hiện KCB BHYT, tiếp tục triển khai KCB BHYT đối với các cơ sở y tế ngoài công lập có đủ điều kiện KCB BHYT theo quy định đã tạo thuận lợi cho người dân đi KCB bằng thẻ BHYT.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã cử viên chức là thành viên trong tổ tham gia đấu thầu thuốc của BHXH tỉnh (các dược sĩ) tham gia tích cực vào các hội đồng đấu thầu thuốc tại Sở Y tế, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, đảm bảo thực hiện chặt chẽ và theo đúng quy định.

Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2023, thanh toán chi phí KCB BHYT cho 2.050.448 lượt người, trong đó KCB ngoại trú 1.853.214 lượt người; KCB nội trú 197.234 lượt người với tổng số tiền chi KCB BHYT 960.145 triệu đồng, trong đó chi phí ngoại trú 358.290 triệu đồng, chi phí nội trú 601.855 triệu đồng. (số liệu được cập nhật từ Hệ thống giám sát BHYT ngày 4-8-2023).

5. Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành

BHXH tỉnh triển khai kịp thời các quy định về cải cách thủ tục hành chính theo quy định của BHXH Việt Nam. Đặc biệt để phục vụ người tham gia và thụ hưởng ngày càng tốt hơn, BHXH tỉnh đã tăng năng suất và cường độ lao động để giảm hơn 10% thời gian giải quyết các TTHC so với quy định của BHXH Việt Nam, trong đó cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất rút ngắn từ 1 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày, cấp lại thẻ BHYT do điều chỉnh thông tin rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày.

Triển khai kịp thời các quy định về chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu CSDL quốc gia về bảo hiểm; luôn sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý chung và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Ứng dụng hệ thống phần mềm liên thông để giải quyết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan BHXH. Triển khai giao dịch điện tử. Triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người tham gia BHXH, BHYT với cơ quan BHXH. Tiếp tục triển khai giám định và thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông từ trạm y tế xã. Đặc biệt từ năm 2020, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị di động; đến hết tháng 6-2023, toàn tỉnh hướng dẫn, cài đặt mới cho 341.065 trường hợp, đạt 78% tổng số người tham gia BHXH, BHYT, vượt 2% so kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã triển khai đến các cơ sở y tế thực hiện cho người dân KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy. Đến nay, toàn tỉnh đã có 267/298 (chiếm tỷ lệ 89,6% tổng cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh) thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 661.254 lượt tra cứu, trong đó có 451.921 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và ứng dụng VssID giúp tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Đến nay 100% TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH toàn tỉnh 24/24 giờ, 7/7 ngày.

6. Công tác thông tin, truyền thông

BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các nội dung, hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng tại cơ sở. Chủ động đổi mới (*) hình thức truyền thông theo hướng linh hoạt để đáp ứng kịp thời với bối cảnh thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và truyền thông theo chiến dịch; các thông tin tuyên truyền được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm ngay từ đầu năm; kết hợp giữa các hình thức truyền thống với các hình thức truyền thông mới, truyền thông số, truyền thông đa phương tiện.

Phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương bám sát thực tế đời sống, tuyên truyền kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nội dung, hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều chương trình được thực hiện một cách sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và người tham gia BHXH, BHYT như tổ chức các cuộc đối thoại chính sách trên sóng truyền hình, phát sóng Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện, xây dựng phóng sự, chuyên mục, bài viết... đã thu hút sự quan tâm của độc giả, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Chủ động phối kết hợp từ trực tuyến đến trực tiếp: tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo viết, truyền thanh cơ sở/tạp chí điện tử với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN ngày một tăng; đẩy mạnh việc sản xuất, đăng tải, phát sóng các thể loại báo chí hiện đại về BHXH, BHYT như: Đối thoại trực tuyến, Infographic, Emagazine, Podcast, bản tin điện tử, góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả.

Với những kết quả của công tác truyền thông đã góp phần giúp chính sách BHXH, BHYT thực sự lan tỏa tới mọi người dân, mọi vùng miền, đồng thời cũng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và theo dõi thông tin; nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Một số tồn tài, hạn chế và nguyên nhân

 Số người tham gia BHXH, BHTN giảm so với cuối năm 2022; số tiền chậm đóng quý II cao hơn tỷ lệ BHXH Việt Nam giao 1,02% (4,95/3,93). 

 Chi phí KCB BHYT gia tăng mạnh (tăng 23,45% về số lượt KCB và 28,93% về chí phí) so với cùng kỳ năm 2022. Một trong những nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, hoạt động của người dân trở lại bình thường, bên cạnh đó nhiều cơ sở KCB có mở rộng khoa phòng, phát triển dịch vụ kỹ thuật, tăng bàn khám và giường bệnh đã gia tăng chi phí KCB BHYT. 

 Tình hình nhận BHXH 1 lần của người lao động có chiều hướng gia tăng trở lại ở mức cao, 7 tháng đầu năm 2023 tổng số người nhận BHXH 1 lần là 11.383 người, tăng 914 người so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với nhóm tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc: Dịch Covid-19 đã được kiểm soát và đẩy lùi, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tuy có phục hồi sau đại dịch nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng nặng, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên nhiều đơn vị cắt giảm lao động, việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa kịp thời, để nợ đọng đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, tình trạng trốn tránh tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động đang làm việc tại đơn vị vẫn còn xảy ra.

Đối với công tác BHXH tự nguyện: Đây là hình thức được áp dụng đối với nhóm lao động phi chính thức, lao động tự do nên phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Một nguyên nhân khác, đối với BHXH tự nguyện, từ tháng 1-2022 mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ, giải pháp

Một là, tiếp tục tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và công tác phối hợp của các ngành, đơn vị, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt là tham mưu ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30-5-2023 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

Hai là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó trọng tâm là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID cho người tham gia BHXH, BHYT và tuyên truyền người lao động hạn chế nhận BHXH 01 lần để duy trì tham gia lưới an sinh xã hội.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện công tác thu, đôn đốc các đơn vị SDLĐ trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ, kịp thời, nhằm đảm bảo được tiến độ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định; đồng thời tích cực đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng để giảm tỷ lệ tiền chậm đóng tại các đơn vị sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện kịch bản phát triển người tham gia để triển khai đồng bộ tại các địa phương.

Bốn là, triển khai rà soát, đối chiếu, hoàn chỉnh, phê duyệt việc cập nhật các danh mục của cơ sở KCB theo quy định; Thực hiện tốt giám định theo chuyên đề và cảnh báo của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB trên toàn tỉnh; đồng thời, cảnh báo và chấn chỉnh kịp thời các cơ sở KCB có chi phí KCB gia tăng bất thường.

Năm là, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đề ra, kịp thời ban hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận đã ban hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát các Tổ chức dịch vụ thu và Nhân viên thu đảm bảo hoạt động theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện các giải pháp giám sát sử dụng thẻ BHYT của người bệnh tại các cơ sở y tế, tại nhà, nơi làm việc… nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Sáu là, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BHTN, BHYT đối với người tham gia BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, hoàn thiện dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, nhất là về cải cách thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ người dân; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử đối với hồ sơ tham gia BHXH, BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị, người lao động, giảm thời gian đi lại, chờ đợi trong giao dịch với cơ quan BHXH; Triển khai thực hiện việc giải quyết chế độ cho NLĐ ở các đơn vị chưa đóng đủ BHXH theo hướng dẫn tại Công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21-6-2023 của BHXH Việt Nam.

Bảy là, phối hợp với Công đoàn khu kinh tế, các doanh nghiệp và các KCN tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách về BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động; Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức “Đêm hội Bài chòi” tuyên truyền BHXH tự nguyện tại cơ sở; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức chương trình Khách mời trường quay với chủ đề “Đồng hành cùng BHXH vì cuộc sống chất lượng hơn”. Phối hợp Trung tâm Truyền thông tổ chức tốt Hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn báo chí.

Tám là, tổ chức sơ kết công tác phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong việc giải quyết và chi trả TCTN cho NLĐ. Bên cạnh đó, tham mưu Thành ủy Tam Kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28 -NQ/TW ngày 23-5-2018 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương trên địa bàn thành phố Tam Kỳ.

Chín là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ CCVC, người lao động; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc. Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, lao động; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.


(*) Năm 2020, BHXH tỉnh đã triển khai nhạc chờ tuyên truyền BHXH tự nguyện trên điện thoại di động với hàng ngàn lượt cài đặt và được BHXH các tỉnh, thành phố cài đặt hưởng ứng; Năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh đã phối hợp TTVH tỉnh tổ chức trên 20 Đêm hội Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 6.000 lượt người tham gia; Giai đoạn 2018-2023, BHXH tỉnh phối hợp Hội Nhà báo tỉnh tổ chức được 4 Cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT, thu hút hàng trăm phóng viên, nhà báo trong và ngoài tỉnh tham gia…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất