Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Với trên 90% dân số có thẻ BHYT, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống - Đây là thành quả, sự quyết tâm chính trị trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Chiều 5-12-2022, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng. Tuy nhiên, phải đến nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Luật BHYT mới quy định cụ thể: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đồng thời, là bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Qua thực tế triển khai cho thấy, chính sách BHYT đã phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Bên cạnh đó, tham gia BHYT còn mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. Bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi không có lương hưu, kinh doanh tự do chỉ đủ chi trả sinh hoạt hàng ngày. Tôi lại bị bệnh cao huyết áp, hàng tháng phải đến bệnh viện để khám định kỳ và lĩnh thuốc. Tôi đã tham gia BHYT tự nguyện hơn 10 năm nay nên khi đi khám theo chính sách BHYT đã giúp tôi giảm bớt nhiều chi phí vì BHYT đã thanh toán đến 80%, nhiều đợt ốm đau phải nằm viện tôi thấy yên tâm về tài chính. Với người lao động tự do mà còn cao tuổi như tôi thì tấm thẻ BHYT là một thứ không thể thiếu, tôi cất giữ thẻ cẩn thận và để cùng với các giấy tờ quan trọng khác”.
Anh Hoàng Lịch, 34 tuổi làm nghề sửa xe máy tại Thái Bình chia sẻ, ba năm trước anh bị tai nạn phải năm viện điều trị hơn 2 tuần, chủ quan nghĩ tuổi còn trẻ, cơ thể khỏe mạnh nên không tham gia BHYT. Khi gặp tai nạn, phải điều trị nội trú và chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đã khiến gia đình anh đối mặt với những khó khăn về tài chính. Lúc này anh mới thật sự hiểu tầm quan trọng của BHYT “nếu tham gia BHYT thì gia đình tôi sẽ bớt được nhiều chi phí điều trị”. Anh Lịch cho biết thêm, từ đó đến nay, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng anh và gia đình luôn dành ra 1 khoản tiền tham gia BHYT cho tất cả các thành viên.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi KCB BHYT. Tính riêng trong năm 2021 đến hết tháng 6-2022, có 4 người bệnh được quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng, cụ thể: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất hơn 3,9 tỷ đồng có mã thẻ BT2868621XXXXXX, sinh năm 1984, địa chỉ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền".
Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 trên 3,3 tỷ đồng: mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh tích luỹ glycogen; Rối loạn chuyển hóa khác".
Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 gần 3,09 tỷ đồng: mã thẻ BT2202020XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền".
Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 gần 3,05 tỷ đồng: Mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh tích luỹ glycogen; Rối loạn chuyển hóa pyruvat và tân tạo glucose". Trong 4 trường hợp nêu trên, có 2 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, 2 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi, đều được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB, số tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò, giá trị và lợi ích to lớn mà chính sách BHYT mang lại đối với công cuộc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cùng với đó, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng cụ thể: Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.
Có thể nói, BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Việc đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống với hơn 90% dân số tham gia BHYT khẳng định thành quả, quyết tâm trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó, có sự những đóng góp quan trọng của Ngành BHXH Việt Nam - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.
P.V