Hướng tới bảo đảm quyền lợi BHXH cho cán bộ hợp tác xã
Theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26-11-1995 của Chính phủ, trước ngày 1-1-2003, người quản lý hợp tác xã, người lao động làm việc tại hợp tác xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9-1-2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH và Điều 02 Luật BHXH năm 2006 ghi nhận sự thay đổi, từ ngày 1-1-2003, người quản lý, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 3 tháng trở lên trong hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định, từ ngày 1-1-2016, người quản lý và điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy là, đối tượng cán bộ hợp tác xã tham gia BHXH được quy định trong Luật BHXH (sửa đổi) nhưng từ tháng 1-2003 đến tháng 12-2015, chỉ người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trong hợp tác xã mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, người quản lý hợp tác xã do đại hội xã viên bầu thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, giai đoạn này, người quản lý và điều hành hợp tác xã đã đăng ký tham gia BHXH cơ bản đầy đủ. Hơn nữa, Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với chủ nhiệm hợp tác xã có quy mô toàn xã trong thời kỳ bao cấp chưa được hưởng chế độ của Nhà nước, quy định đối với người có thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có quy mô toàn xã trước ngày 1-7-1997 được tính là thời gian để hưởng BHXH; sau khi thôi làm chủ nhiệm HTX trực tiếp làm ít nhất một trong các công việc quy định tại Điều 01 Quyết định số 250/QĐ-TTg, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, nhưng chưa đóng BHXH bắt buộc thì được truy đóng để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định. Nhưng sau ngày 1-7-1997 đến trước ngày 1-1-2007, nhiều người vẫn tiếp tục làm chủ nhiệm hợp tác xã lại không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp có thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã được tính cộng nối với thời gian đã đóng BHXH để tính hưởng chế độ BHXH theo quy định hiện hành của pháp luật (theo Khoản 3, Điều 2 Quyết định số 250/QĐ-TTg) nhưng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí của cán bộ xã, nên gặp vướng mắc khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vừa qua, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị đối với người quản lý hợp tác xã – trường hợp không phải là người làm việc theo hợp đồng lao động - đã đóng BHXH trước năm 2016, sẽ được tính hưởng các chế độ BHXH. Cho phép người có thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã có quy mô toàn xã, từ sau ngày 1-7-1997 mà chưa đóng BHXH thì được truy đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất để cộng nối với thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã có quy mô toàn xã trước ngày 1-7-1997 để hưởng chế độ BHXH. Mức đóng bao gồm cả tiền lãi tính trên số tiền và thời gian truy đóng. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương cơ sở tại thời điểm truy đóng BHXH.

Tùng Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất