Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đội ngũ báo cáo viên gồm những chuyên gia có kinh nghiệm về công tác truyền thông đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam)... cùng đại diện lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh Lâm Đồng và hơn 180 cán bộ phụ trách công tác thông tin, truyền thông của 32 BHXH tỉnh, thành phố phía nam.
Công tác truyền thông đã từng bước đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về kết quả công tác truyền thông năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019; chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện công tác truyền thông về BHXH, BHYT tại một số địa phương; triển khai chương trình tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông với 4 chuyên đề cụ thể: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của BHXH Việt Nam, những giải pháp về truyền thông thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; Kỹ năng biên tập và sản xuất thông tin đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử; Phương pháp, kỹ năng tổ chức các sự kiện truyền thông và một số lưu ý trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tuyên truyền năm 2019.
Thời gian qua, việc phối hợp truyền thông với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được thực hiện một cách chủ động, tích cực với hơn 10.000 các cuộc đối thoại, tọa đàm, phố biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT và thu hút được sự quan tâm của xã hội. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến tích cực; nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã chủ động nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được mở rộng, tiến hành thường xuyên, liên tục với độ bao phủ các tin, bài phản ảnh về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp rộng khắp; nội dung, hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều chương trình thông tin được thực hiện sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của độc giả. Với hơn 30.000 tin, bài liên quan trực tiếp đến Ngành BHXH đã góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động và các kết quả mà Ngành BHXH đạt được, qua đó tiếp tục củng cố vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả hai chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước. Thông qua các lớp tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do Ngành tổ chức, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác truyền thông trong toàn hệ thống ngày càng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Truyền thông góp phần quan trọng đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến với nhân dân
Năm 2018, số người tham gia BHXH đạt 14,724 triệu người, bằng 102,27% kế hoạch; số người tham gia BH thất nghiệp đạt 12,68%, bằng 101,1% kế hoạch; số người tham gia BHYT đạt 83,515 triệu người, bằng 102,3% kế hoạch, tăng tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5%. Tổng số nợ BHXH phải tính lãi bằng 1,7% so với số phải thu (mức thấp nhất từ trước đến nay).
Với mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, trong năm, toàn Ngành BHXH đã rà soát, bàn giao được 13,3 triệu sổ BHXH cho người lao động, đạt 99,28% tổng số người lao động tham gia; giải quyết cho 119.747 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; khám, chữa bệnh BHYT trên 177,6 triệu lượt người với số chi khoảng 99 nghìn tỷ đồng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính về BHXH tiếp tục đạt được dấu ấn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH và được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá “thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong, ngoài nước đánh giá cao, trở thành một điểm sáng trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ”; tại Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, ngành có dịch vụ công.
Đặc biệt, năm 2018, với việc tổ chức thành công Hiệp hội An sinh xã hội các nước Đông Nam Á 35, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2018-2019 đã nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước và Ngành BHXH với bạn bè quốc tế; khẳng định BHXH Việt Nam là bạn, đối tác quan trọng của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông trong toàn Ngành cũng như những đóng góp của truyền thông đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến với nhân dân. Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận và củng cố niềm tin của người dân vào chính sách, pháp luật, từ đó tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông năm 2019, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người dân; tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương để tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao; thông tin, truyền thông phải làm tốt công tác định hướng dư luận; tập trung nhiều hơn vào nội dung người dân quan tâm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là những vấn đề dư luận đang quan tâm và các chính sách mới; chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp (tư vấn, đối thoại, tọa đàm…) tại cơ sở, nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nội dung tuyên truyền bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường công tác thông tin, truyền thông qua in-tơ-net; chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông, đặc biệt là kỹ năng tổ chức và sử dụng các hình thức truyền thông mới, trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho cán bộ, cộng tác viên truyền thông từ Trung ương đến địa phương.
Hà Linh