Bổ nhiệm cán bộ một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đãi ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị làm tốt việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh.
Kết quả đạt được
Việc bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh Quảng Trị được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, tính đồng bộ cũng như mối tương quan giữa trước mắt và lâu dài của đội ngũ cán bộ, có chú ý đến cơ cấu nữ (ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ trong lãnh đạo cấp ban là 13,9%, cấp phòng là 27,9%; ở cấp huyện, tỷ lệ nữ trong lãnh đạo cơ quan Đảng là 14,2%, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là 24,7%), trẻ (trong 468 cán bộ lãnh đạo cấp ban, cấp phòng cơ quan Đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh tỷ lệ trẻ chiếm 13,89%). Đồng thời được xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở cơ bản phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên trong cấp uỷ, tập thể lãnh đạo, nhất là trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu. Quá trình xem xét bổ nhiệm đều gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng tổ chức, chức trách, nhiệm vụ và tiêu chuẩn đối với từng chức danh, phẩm chất, năng lực và kết quả đánh giá đối với từng cán bộ, công chức, viên chức.
Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm cán bộ, hầu hết các cấp ủy đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các ban đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tiến hành quy trình bổ nhiệm cán bộ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Khi bổ sung các chức danh lãnh đạo cơ quan đảng đã có sự gắn kết trong việc thực hiện Điều lệ Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về cụ thể thi hành Điều lệ Đảng". Khi bổ sung các chức danh lãnh đạo mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đều gắn với thực hiện Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của mỗi đoàn thể và các văn bản có liên quan khác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của cấp uỷ và cơ quan cấp trên.
Các cán bộ được bổ nhiệm bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung của cán bộ theo quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), cơ bản đều đảm bảo tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm. Ở cấp tỉnh, 100% cán bộ lãnh đạo cấp ban có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị và đại học chuyên môn trở lên. Ở cấp huyện, cán bộ lãnh đạo cơ quan Đảng: 84,3% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, 20,9% có trình độ trung cấp chính trị, 78,3% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị; cán bộ cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân: 72,8% có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, 48,8% có trình độ trung cấp chính trị, 40,1% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Không có tình trạng điều động những cán bộ bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị này sang nhận chức vụ tương đương hoặc cao hơn ở đơn vị khác. Ở những đơn vị trì trệ, yếu kém, có biểu hiện mất đoàn kết đều được củng cố tổ chức trước khi tiến hành bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến tuổi nghỉ hưu dần đi vào nền nếp. Và nhìn chung hầu hết cán bộ sau khi được bổ nhiệm đều giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, tích cực nỗ lực phấn đấu thực hiện chương trình hành động đã đề ra và hoàn thành nhiệm vụ được giao; chưa có trường hợp nào bị miễn nhiệm chức vụ hoặc kỷ luật cách chức.
Đến khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế sau:
Một số đơn vị vẫn chưa ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với cán bộ diện cơ quan, đơn vị quản lý, mà vận dụng các quy định của cấp trên để thực hiện. Một số đơn vị, nhất là nơi có đảng đoàn, chưa làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của đảng đoàn với tập thể lãnh đạo đơn vị trong công tác cán bộ; chưa phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ.
Có địa phương, đơn vị chưa quy định số lượng cấp phó các phòng, ban. Có đơn vị khi khuyết chức danh lãnh đạo chậm kiện toàn; chưa tiến hành nhận xét đánh giá cán bộ, chưa xây dựng quy hoạch đã tiến hành bổ nhiệm; quyết định bổ nhiệm cán bộ không ghi rõ thời hạn bổ nhiệm hoặc hết thời hạn bổ nhiệm nhưng vẫn không tiến hành bổ nhiệm lại theo quy định.
Còn một số trường hợp cán bộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn cụ thể của chức danh, nhất là tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị vẫn tiến hành bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Mối quan hệ giữa cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ hàm trưởng, phó phòng với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chưa được xác định rõ, nên công tác quản lý, nắm tình hình và xử lý những bất cập nảy sinh khi bổ nhiệm cán bộ còn chậm trễ.
Số lượng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm còn ít và chưa thật sự mạnh dạn trong bổ nhiệm cán bộ trẻ. Nhiều chức danh độ tuổi cán bộ đương nhiệm liền kề nhau, chưa hình thành được ba độ tuổi để đảm bảo tính kế thừa. Việc đánh giá cán bộ trong thời gian giữ chức vụ gắn với xem xét miễn nhiệm còn hạn chế.
Bài học kinh nghiệm
Từ những kết quả đạt được trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân trong tỉnh những năm qua, có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, làm tốt công tác quán triệt đối với cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nắm vững quan điểm công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng, bổ nhiệm cán bộ giữ vai trò có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ.
Hai là, cụ thể hoá, thể chế hoá nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Văn bản hoá các quy định về công tác cán bộ; bổ sung, hoàn thiện bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác cán bộ.
Ba là, tiếp tục mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ bằng các quy chế cụ thể; nâng cao chất lượng của cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ; đẩy mạnh sự phân cấp trong quản lý cán bộ nhưng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện; kịp thời tiến hành sơ, tổng kết, đánh giá mặt được và chưa được, chỉ ra nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Trần Nhật Quang
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị