Công tác cán bộ dân tộc thiểu số ở Lào Cai
Học sinh dân tộc thiểu số ở Lào Cai đến lớp
Là một tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có trên 64% dân số là người dân tộc thiểu số với 25 thành phần dân tộc khác nhau. Trong những năm qua và nhất là sau gần 20 tái lập tỉnh (1-10-1991 - 1-1-2011), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: GDP bình quân năm tăng trên 13%; đời sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện; quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh nông thôn và biên giới được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng… Đạt được kết quả đó, có đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số…
Cán bộ, công chức, viên chức của Lào Cai hiện có 27.288 người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số là 7.274 người, chiếm 26,66%. Đội ngũ này đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh, huyện 5.066 người và cấp xã 2.148 người. Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2005-2010, Tỉnh ủy đã ban hành đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó có chuyên đề về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Là tỉnh có địa hình tự nhiên phức tạp, khó khăn, hình thức quần cư của đồng bào dân tộc thiểu số không tập trung  nên việc đào tạo học vấn cho con em dân tộc là một yêu cầu cấp bách. Mô hình trường dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi và trường bán trú được coi là một giải pháp quan trọng cho học sinh dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đào tạo về học vấn cho học sinh, cán bộ người dân tộc thiểu số tại hệ thống các trường dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện. Cụ thể là: Đào tạo tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh và Trung ương 453 người; tại trường dân tộc nội trú các huyện 4.435; đào tạo tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện 10.501 người. Cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp: 6 người. Đào tạo về lý luận chính trị: 93 cao cấp, cử nhân và 503 trung cấp. Đào tạo đại học theo địa chỉ và học tại các trường đại học tại Trung Quốc 32 người (chương trình liên kết giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).


Căn cứ chỉ tiêu, biên chế được giao và tiêu chuẩn công chức theo quy định, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã có những chính sách thu hút, ưu tiên, tạo điều kiện khi tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số công tác từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã. Do đó, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số so với tổng số cán bộ toàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Cụ thể, ở cấp tỉnh cán bộ dân tộc thiểu số có 1.371 người (18,36%), trong đó lãnh đạo, quản lý 205/1.052 người (19,49%); công chức hành chính 175/1.309 người (13,37%); viên chức sự nghiệp 991/5.106 người (19,41%). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 có 17/55 đồng chí là người dân tộc thiểu số (30,91%). Cấp huyện và thành phố: cán bộ dân tộc thiểu số 3.686 người (22,57%), trong đó lãnh đạo, quản lý có 157/598 người (26,25%); công chức hành chính 201/896 người (22,43%); viên chức sự nghiệp 3.328/14.834 người (22,43%). Ban chấp hành đảng bộ 9 huyện, thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 có 154/370 đồng chí là người dân tộc thiểu số (41,62%). Ban chấp hành đảng bộ các xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015 có 1270/2112 đồng chí là người dân tộc thiểu số (60,13%).


Kết quả trên cho thấy, những năm qua đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ của tỉnh Lào Cai nói riêng có bước trưởng thành, hầu hết đều nhiệt tình, chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành, có phẩm chất đạo đức tốt, phấn đấu, phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đảng, bộ máy chính quyền nhà nước, các đoàn thể quần chúng và phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số đều tăng qua từng năm, điển hình là cán bộ dân tộc thiểu số ở các cơ quan cấp tỉnh đã tăng từ 14% (năm 2000) lên 18,36% (năm 2011), đây là nguồn nhân lực quan trọng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lào Cai.


Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay chưa phù hợp với tỷ lệ dân số của tỉnh. Các dân tộc thiểu số toàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 64% dân số nhưng tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số mới đạt 26,66% và phân bố không đều. Cán bộ dân tộc thiểu số của Lào Cai tập trung chính ở cấp xã, các đơn vị sự nghiệp (giáo dục, y tế), khối đảng, đoàn thể, còn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các ngành khối kinh tế còn ít. Nguyên nhân do một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số; thiếu sự rèn luyện trong học tập và công tác để phấn đấu vươn lên. Việc bố trí cán bộ chưa khoa học, hợp lý về cơ cấu trong từng cơ quan, đơn vị. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành, ban, các cấp và các cơ quan làm công tác tham mưu về nhân sự chưa đầy đủ, chưa thấy hết vị trí, ý nghĩa của việc quy hoạch, tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Việc bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số hằng năm tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp (đặc biệt là sinh viên có trình độ cao đẳng, đại học) còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu cán bộ, nhất là số cán bộ dân tộc thiểu số ở các ngành của tỉnh. Số cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số được bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng còn ít và gặp khó khăn về phía gia đình, nhất là cán bộ nữ ở cấp xã.


Để khắc phục yếu kém trên, thời gian tới Lào Cai sẽ tập trung vào một số
giải pháp:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.


Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo ở các cấp, ngành, lĩnh vực đều có các đối tượng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nâng tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số thông qua công tác đào tạo, tuyển dụng để đến năm 2015, cán bộ cấp tỉnh đạt 21%, cấp huyện 25%, cấp xã 65%... tạo sự chuyển biến về cơ cấu giữa các dân tộc.


Chú ý đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cán bộ để bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp. Phấn đấu đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.


Tích cực, chủ động và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng đào tạo bồi dưỡng theo chức danh cán bộ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở.


Thực hiện chính sách thu hút đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, phường, thị trấn, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số. Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường phổ thông dân tộc nội trú.


Đối với những xã vùng cao biên giới lựa chọn những thanh niên người dân tộc thiểu số đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đưa đi đào tạo nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất