TP. Hải Phòng vừa kết thúc lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã phường, thị trấn. Đây là lớp đầu tiên đào tạo nguồn các chức danh chủ chốt theo Quyết định số 1307-QĐ/TU ngày 20-10-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ và giao cho Trường Chính trị Tô Hiệu đảm nhiệm công tác đào tạo.
Xuất phát từ nhu cầu cán bộ cấp ủy, chính quyền đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một thành phố công nghiệp trong những năm tới, Hải Phòng đã tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi để đào tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền; thời gian đào tạo 15 tháng, trong đó, 1 tháng rưỡi thực tập và viết báo cáo thực tập. Nội dung chương trình gồm 2.640 tiết học, trong đó số thời gian học trên giảng đường là 1.624 tiết, các hoạt động khác như báo cáo chuyên đề, thảo luận, thực hành, nghiên cứu thực tế… 1.016 tiết. Chương trình đào tạo gồm 2 phần: lý luận chính trị - hành chính gồm 1.279 tiết; kỹ năng nghiệp vụ thực hành thực tế gồm 1.361 tiết. Quy chế đào tạo thực hiện đúng quy chế đã ban hành của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Qua thực triển khai xin nêu một số điểm sau:
Thứ nhất, việc tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học để đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương đã thể hiện ý thức về sự chắc chắn, ổn định trong công tác đào tạo, chuẩn bị cán bộ cho những năm tới. Những sinh viên được tuyển chọn để đào tạo đều là những thanh niên trẻ, có sức khỏe, có năng lực, tự nguyện và mong muốn được phục vụ tại địa phương nên trong quá trình đào tạo họ rất chăm học, có sự khám phá và tiếp thu tốt các kiến thức được học. Đây là lực lượng cán bộ lãnh đạo trong tương lai thực sự có tri thức, nếu được giáo dục, rèn luyện tốt trong thực tiễn chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, đây là một loại hình đào tạo không có trong quy trình đào tạo cán bộ đang thực hiện tại các trường chính trị thành phố cả về đối tượng và nội dung. Do đó việc xây dựng chương trình đào tạo cho lớp tạo nguồn cán bộ có nhiều khó khăn. Có quan điểm cho rằng đây là lớp đào tạo cán bộ đảng, chính quyền cấp cơ sở nên chỉ tập trung đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể… để khi về địa phương họ trở thành cán bộ giỏi về chuyên môn, giải quyết tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác nếu có yêu cầu từ địa phương họ sẽ được đào tạo tiếp chương trình lý luận chính trị đúng với chức danh đảm nhiệm. Vì vậy nội dung sẽ rút gọn, thời gian đào tạo chỉ khoảng 6 tháng. Quan điềm thứ hai cho rằng Hải Phòng là thành phố luôn luôn quan tâm đến công tác cán bộ đảng, chính quyền cơ sở nên hiện tại Hài Phòng đội ngũ cán bộ ở cơ sở vẫn đủ về số lượng đã và đang đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đào tạo nguồn cán bộ là chuẩn bị cán bộ cho những năm tới, vì vậy phải đào tạo bài bản, phải trang bị cho họ đầy đủ về lý luận chính trị, hành chính, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành… khi về địa phương công tác sẽ đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của thực tiễn, như vậy sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở trong nhiều năm tới. Từ nhận thức ấy Hải Phòng đã xây dựng chương trình đào tạo: lấy chương trình trung cấp lý luận chỉnh trị, hành chính do Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành theo quyết định số 1845-QĐ/HVCT-HCQG ngày 27-7-2009 là chính, có bổ sung một số chuyên đề trong phần kỹ năng, nghiệp vụ và các báo cáo thực tế. Trong khóa học vừa qua nội dung chương trình nêu trên được thực hiện tốt. Tuy vậy Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng một chương trình đào tạo tinh gọn, khoa học hơn cho các lớp sau.
Thứ ba, đối tượng đào tạo của lớp nguồn là các sinh viên vừa tốt nghiệp, có kiến thức chuyên môn tốt nhưng chưa có kiến thức thực tiễn. Việc đào tạo họ thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở gặp khó khăn, nhất là việc vận dụng lý luận vào thực tiễn. Những tình huống được nêu ra trong quá trình học tập là rất cần thiết và bước đầu giúp họ tập vận dụng lý luận vào thực tiễn, quá trình công tác sau này mới thực sự rèn luyện họ.
Thứ tư, sau khi kết thúc khóa học, việc sắp xếp số cán bộ nguồn này về cơ sở như thế nào trong khi các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền cơ sở đã đầy đủ và bộ máy đang vận hành tốt. Đây là việc của các tổ chức đảng cơ sở, trước hết là các bộ phận chuyên trách công tác tổ chức cán bộ. Yêu cầu trong sắp xếp cán bộ là không được bỏ phí nguồn cán bộ đã được đào tạo, không làm xáo trộn bộ máy vốn đã ổn định, phải sử dụng được cả cán bộ có kinh nghiệm với cán bộ trẻ… Những điều này đòi hỏi Hải Phòng phải nghiên cứu kỹ và triển khai một cách thận trọng, bài bản.
Sau lớp tạo nguồn khóa I, Hải Phòng đã rút kinh nghiệm việc đào tạo và quyết định mở lớp thứ hai trong năm 2011. Riêng huyện Thủy Nguyên, một huyện lớn của thành phố, giàu tiềm năng với 35 xã, 2 thị trấn, là trung tâm sản xuất xi măng của Hải Phòng đã đề nghị mở một lớp tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho huyện với kinh phí của địa phương. Điều đó phản ánh sức thuyết phục của cách làm mới của Hải Phòng trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn cho cơ sở.
Ths. Nguyễn Công Loan
Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng