Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ

Cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ là người trực tiếp tiếp xúc nhân sự, giám sát quy trình và hiểu rõ hơn ai hết thực tế chất lượng quy trình nhân sự cũng như năng lực thực tế của nhân sự để lập phương án trình cấp có thẩm quyền quyết định. Vì vậy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng.


Chất lượng cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ bao gồm bản lĩnh, năng lực và phương pháp. Về bản lĩnh, đó là lập trường, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ thể hiện trong quá trình công tác. Năng lực là trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác mà người cán bộ đã tích luỹ được. Về phương pháp, đó là phương pháp làm việc, giải quyết các vấn đề và phương pháp đề xuất các phương án nhân sự.


Trong các giai đoạn cách mạng, các cấp uỷ đảng ở Thanh Hoá rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn và phương pháp làm việc khoa học, đặc biệt trong công tác tham mưu về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ ngày càng trưởng thành, tham mưu đắc lực cho các cấp uỷ về công tác tổ chức cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và hợp lý về cơ cấu. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ này vẫn còn nhiều bất cập, “chất lượng tham mưu, giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ các ban xây dựng đảng còn có mặt hạn chế”(1).


Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới Thanh Hoá tập trung thực hiện tốt một số việc sau:


Một là, thực hiện tốt việc tạo nguồn cán bộ

Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, coi trọng đầu tư chiều sâu, cử cán bộ trẻ có khả năng và triển vọng để đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ. Phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ hiện có trên cơ sở sắp xếp, bố trí lại hợp lý, đúng người, đúng việc, hợp sở trường từng người. Xây dựng và từng bước thực hiện quy hoạch dài hạn chuẩn bị đội ngũ cán bộ tham mưu về tổ chức cán bộ kế cận có chất lượng.


Hai là, coi trọng nâng cao chất lượng cán bộ toàn diện

Các cấp, các ngành phải quan tâm đào tạo được những cán bộ tham mưu giỏi về công tác tổ chức cán bộ, những cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực trí tuệ và năng lực thực tiễn tốt. Định kỳ đánh giá, phân loại đúng đội ngũ cán bộ, tăng cường đào tạo, đào tạo lại và thay thế kịp thời những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ. Coi trọng sử dụng chuyên gia, cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, giỏi chuyên môn, có kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Tăng cường công tác tư tưởng, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ tham mưu trung thành, tận tâm, có năng lực và bản lĩnh. Trong khi “củng cố, kiện toàn các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức và cán bộ thực sự vững mạnh " đồng thời "tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ”(2). Lãnh đạo các cấp, các ngành cần quan tâm và có kế hoạch thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này về các mặt. Đối với cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ ở Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ cần được đào tạo trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị trở lên mà tốt nhất là cử nhân chính trị chuyên ngành về công tác tổ chức.

Đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công tác tổ chức. Hiện nay, các trường đại học chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ công tác tổ chức. Cán bộ tham mưu trong lĩnh vực này chủ yếu mới tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức hằng năm tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Đảng và Nhà nước cần có kế hoạch mở các lớp đào tạo cơ bản, hệ thống cho đội ngũ cán bộ này trong hệ thống chính trị các cấp.

Kết hợp đào tạo cơ bản với bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ theo yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ. Các cấp, các ngành không chỉ thường xuyên chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng mà còn phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra cán bộ và việc chấp hành nhiệm vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Phòng ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, bảo thủ, trì trệ, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác, không để những người không vững vàng về chính trị, không trung thực, kém phẩm chất và năng lực trong đội ngũ cán bộ này.


Ba là, làm tốt công tác chính sách đối với cán bộ

Tăng cường trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đủ cho cán bộ làm việc. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ tổ chức. Đặc biệt quan tâm tới cán bộ được phân công theo dõi địa bàn thuộc 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, những vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều khó khăn và địa bàn đặc biệt; khuyến khích cán bộ có tài, có cống hiến xuất sắc.

Đáp ứng nhu cầu về thông tin, nhất là Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bản tin nội bộ và các thông tin khác liên quan đến công tác tổ chức cán bộ mà không phải thông tin mật chỉ phổ biến trong lãnh đạo. 


Bốn là, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của cán bộ

Cần có cơ chế để tăng cường tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của cán bộ, chuyên viên tham mưu theo hướng hằng tháng, quý, năm, cán bộ và chuyên viên tham mưu về tổ chức cán bộ phải xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cá nhân, bao gồm: Kế hoạch đi cơ sở, nắm bắt tình hình; tham mưu kế hoạch về đánh giá và phân loại cán bộ hằng năm; tham mưu kế hoạch về điều động, luân chuyển cán bộ; tham mưu kế hoạch về sắp xếp, bố trí, bổ sung cán bộ và bổ nhiệm lại đối với những đồng chí đến kỳ hạn…

Thông qua kế hoạch công tác của cá nhân và qua quá trình theo dõi cán bộ, thực tế nắm bắt ở cơ sở, cán bộ làm công tác tổ chức chủ động nghiên cứu các phương án, kế hoạch chi tiết dự kiến cán bộ điều động, luân chuyển, rà soát quy hoạch, đánh giá phân loại, bổ nhiệm lại... để chủ động đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo phòng, lãnh đạo cơ quan thực hiện tốt công tác cán bộ hằng năm.

…………

(1). Tỉnh uỷ Thanh Hoá (2006), Văn kiện Đại hội Tỉnh đảng bộ lần thứ VI, tr.125.

(2). Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá (2004), Báo cáo kết quả kiểm tra công tác cán bộ, số 85-BC/TU, tr.12.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất