Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Kon Tum
Cán bộ, phóng viên Tạp chi Xây dựng Đảng trao đổi với đồng chí A Pớt, UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum về công tác tổ chức xây dựng đảng của Kon Tum

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng không đồng bộ; nhiều xã vùng sâu, vùng xa khá biệt lập và cách khá xa trung tâm hành chính của huyện. Kon Tum có trên 53% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thường xuyên chỉ đạo, quán triệt cho các ngành, các cấp thực hiện đúng phương châm “đào tạo phải gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ”; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ theo kế hoạch, cán bộ yếu, thiếu ở lĩnh vực nào thì đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực đó để phù hợp tiêu chuẩn chức danh, sở trường công tác.

Công tác đào tạo nhằm vào việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ công chức, viên chức các cấp, các ngành; tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Đồng thời quan tâm lựa chọn, đào tạo cán bộ có trình độ cao (thạc sỹ trở lên) ở một số ngành, lĩnh vực thực sự có nhu cầu và cần thiết; khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức phát huy tư duy nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học, luận án có thể ứng dụng vào thực tiễn của địa phương; thông qua luân chuyển cán bộ (từ trên xuống cơ sở và ngược lại) để đào tạo cán bộ trong thực tiễn. Mặt khác, một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình nhận cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số (DTTS) ở cơ sở về công tác tại các cơ quan, đơn vị huyện, thành phố để bổ túc văn hóa, đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và tập việc; bước đầu đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho địa phương.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các trường cao đẳng, trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và của các huyện nhằm đảm bảo phục vụ tốt việc dạy và học. Bên cạnh đó đã chú trọng mở rộng, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, ngành nghề đào tạo bằng liên thông, liên kết với Học viện Chính trị - Hành chính và các trường đại học trong khu vực, với các lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng,... Kết quả, trong 5 năm đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 14.340 lượt cán bộ, công chức; trong đó, đào tạo lý luận chính trị 1.238 lượt cán bộ, công chức, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 2.855 lượt cán bộ, công chức và bồi dưỡng kiến thức các loại 10.247 lượt cán bộ, công chức. Thực hiện chính sách đào tạo theo hình thức cử tuyển đã chọn cử 666 trường hợp (diện chính sách) theo học đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và số này sau khi ra trường đã được tỉnh bố trí công tác theo chuyên ngành đào tạo.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để Đại học Đà Nẵng đầu tư, xây dựng Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại tỉnh; phối hợp mở 3 lớp đào tạo trình độ chuyên môn bậc đại học cho 218 học viên (chuyên ngành Kinh tế phát triển 100 học viên, chuyên ngành Luật 65 học viên, chuyên ngành Nông học 53 học viên; trong đó, nữ chiếm 27,98%, DTTS chiếm 72,94%, dưới 35 tuổi chiếm 77,06%) và 1 lớp trung cấp Luật cho 62 học viên là cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã (trong đó, nữ chiếm 40,32%, DTTS chiếm 62,9%, dưới 35 tuổi chiếm 91,94%).
Từ chủ trương thí điểm mô hình mạnh dạn nhận cán bộ trẻ người DTTS ở cơ sở về công tác tại các cơ quan, đơn vị của huyện để học bổ túc văn hóa, đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị và tập việc tại cơ quan của huyện Kon Plông đã được các huyện, thành phố áp dụng thành chủ chương chung của tỉnh.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định số 381-QĐ/TU, ngày 9-2-2007 ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010; Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 18-5-2005 về thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Từ thực tế của Kon Tum có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng:


Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã quán triệt quan điểm, nguyên tắc về công tác đào tạo; bồi dưỡng cán bộ.

Trong quá trình thực hiện các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy trình của công tác đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ.

Triển khai thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với công tác quy hoạch và thực hiện theo kế hoạch; đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng và quán triệt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiên đào tạo cơ bản, vững chắc đối với số cán bộ trẻ, cán bộ mới tuyển dụng, bồi dưỡng những nội dung thiết thực đối với số cán bộ không đủ tuổi đưa đi đào tạo.

Đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ trẻ trong thực tiễn, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn. Vừa đào tạo văn hóa, chuyên môn, chính trị vừa học việc tại các cơ quan, đơn vị là mô hình cần được tiếp tục để góp phần tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho địa phương.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo thẩm tra, xác minh và kết luận một cách thận trọng, khách quan, trung thực các trường hợp cán bộ có liên quan đến vấn đề lịch sử chính trị, vấn đề chính trị hiện nay, phục vụ kịp thời công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và bố trí, sử dụng cán bộ. 

Chú trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ đảm bảo về phẩm chất chính trị, đạo đức, được đào tạo cơ bản về các mặt, có trình độ, năng lực tham mưu, tổ chức và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dỡng cán bộ và mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Chỉ đạo cơ quan tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, kịp thời điều chỉnh các quy định, chính sách về công tác cán bộ của địa phương và vận dụng, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp tình hình  thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất