Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã ở thành phố Chí Linh
100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, công chức cấp xã ở Hải Dương có trình độ cao đẳng, đại học về chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị. Ảnh: Báo Hải Dương.

Thực trạng

Đội ngũ công chức xã ở thành phố Chí Linh được rèn luyện qua thử thách, trưởng thành trong thực tiễn công tác, từ phong trào của các tổ chức chính trị - xã hội; họ thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng cách mạng và công cuộc đổi mới của Đảng. Luôn kiên trì với mục tiêu độc lập, gắn liền với con đường xã hội chủ nghĩa và tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đại đa số công chức thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biết vận dụng đúng đắn các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn tại cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Họ có ý thức phấn đấu vươn lên, tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, công chức cấp xã là nòng cốt, hạt nhân trong các tổ chức chính trị xã hội và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Bên cạnh những tác động mạnh của mặt trái cơ chế thị trường; trong điều kiện cơ sở vật chất cuộc sống và công tác tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở những năm gần đây đã được quan tâm đáng kể, được cải thiện một bước, song có mặt còn chưa hợp lý, nhưng đội ngũ công chức cấp xã đã vượt khó, nỗ lực trong công tác và học tập, luôn ý thức trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực. Cùng với sự quan tâm, định hướng của Thành ủy, UBND thành phố Chí Linh trong đào tạo, bồi dưỡng, trình độ văn hóa của đội ngũ này đã được từng bước nâng cao. Tuy nhiên trên thực tế số lượng công chức cấp xã có bằng đại học chính quy còn thấp, nhiều công chức cấp xã học hệ đại học vừa học vừa làm hoặc các chương trình liên thông, liên kết.

Trước yêu cầu chuẩn hóa chức danh công chức cấp xã, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện về thời gian, chế độ kinh phí đào tạo, cùng với sự chủ động trong học tập và rèn luyện của bản thân công chức cấp xã, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ này ngày càng được nâng lên. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, trình độ văn hóa, lý luận chính trị của công chức cấp xã thành phố Chí Linh ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Giai đoạn 2016-2021 và những năm gần đây, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND thành phố mở các khóa học bổ túc tin học văn phòng để nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ công chức cấp xã. Do đó, trình độ tin học văn phòng của công chức cấp xã thành phố Chí Linh từng bước nâng cao. Qua thực tế khảo sát, hầu hết công chức các xã, phường của thành phố Chí Linh đều sử dụng tương đối thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng và một số thiết bị công nghệ thông tin, nhất là việc chủ động sử dụng máy vi tính được trang bị và máy laptop cá nhân hoặc hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Hạn chế

Số công chức có độ tuổi cao chiếm tỷ lệ lớn hơn số nhóm công chức trẻ, do đó chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi. Thiếu những công chức có trình độ chuyên môn cao. Đa số công chức cấp xã đào tạo liên thông, từ xa hoặc hệ tại chức (vừa học vừa làm); các chứng chỉ đạo tạo còn mang tính hợp thức hóa, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính chuyên nghiệp hóa, kỹ năng thực thi công vụ còn nhiều hạn chế, dẫn đến mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chưa cao. Bên cạnh đó, còn một số công chức tự bằng lòng, không có chí tiến thủ, không có khát vọng tìm tòi và cống hiến; không tích cực rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng.

Nguyên nhân của hạn chế là do công tác tuyển dụng và sắp xếp vị trí việc làm của cơ quan có thẩm quyền có lúc chưa hợp lý, còn tình trạng tuyển dụng chưa trên nhu cầu thực tế của vị trí việc làm. Công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo công chức cấp xã chưa thực sự đạt hiệu quả cao, vẫn mang nặng lý thuyết hơn thực hành. Vẫn còn số công chức nhiều tuổi, trình độ, năng lực hạn chế nhưng vẫn phải bố trí. Hội nhập quốc tế mang đến cho đất nước ta nhiều cơ hội hợp tác và phát triển, nhưng đồng thời cũng đi kèm với không ít khó khăn và thách thức. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn cầu đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặt ra những yêu cầu mới đối với năng lực quốc gia và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cũng như đối với đội ngũ công chức cấp xã nói riêng. Nguyên nhân này kéo khoảng cách giữa yêu cầu nhiệm vụ của công chức cấp xã với trình độ được đào tạo. Bên cạnh đó, còn do môi trường làm việc thiếu linh hoạt và năng động, công chức cấp xã gặp phải những rào cản trong việc phát huy tối đa khả năng của mình.

Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức: Trong bối cảnh chuyển đổi số, đội ngũ công chức cấp xã cần được trang bị không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn phải nắm vững các kỹ năng số, sử dụng thành thạo công nghệ mới để quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

Thứ hai, phát triển hạ tầng kỹ thuật: Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, các địa phương cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số. Điều này bao gồm việc trang bị các thiết bị công nghệ, xây dựng mạng lưới kết nối in-tơ-nét ổn định, tạo điều kiện cho việc làm việc trực tuyến.

Thứ ba, tăng cường quản lý, giám sát: Số hóa công tác quản lý nhà nước đòi hỏi một hệ thống giám sát chặt chẽ và minh bạch, đảm bảo rằng quy trình công việc không chỉ nhanh chóng mà còn công bằng và công khai.

Thứ tư, đổi mới quy trình làm việc: Chuyển đổi số đòi hỏi cán bộ, công chức thay đổi cách thức làm việc truyền thống, áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, từ việc quản lý hành chính đến cung cấp dịch vụ công. Điều này cần sự đồng bộ trong cả hệ thống.

Một số giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ công chức cấp xã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống chính trị tại địa phương. Hiệu quả và sức mạnh của hệ thống này phụ thuộc nhiều vào phẩm chất và năng lực làm việc của đội ngũ công chức cơ sở. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã ở thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương hiện nay, các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân cần nâng cao và thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và đặc điểm của đội ngũ công chức cấp xã.

Hai là, cụ thể hóa tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với công chức xã. Chế độ, chính sách đóng vai trò điều tiết quan trọng trong quản lý xã hội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và công chức xã nói riêng. Chính sách hợp lý sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, nhiệt tình và trách nhiệm của công chức, trong khi các chính sách không phù hợp có thể làm giảm động lực và hạn chế tài năng của họ. Việc thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho công chức cấp xã là một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức cấp xã, cải tiến chế độ tiền lương, tạo cơ chế thu hút nhân tài, trí thức trẻ; đổi mới chính sách thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã; trang bị cơ sở vật chất và phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, thường xuyên làm tốt việc tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức xã. Công tác tuyển dụng công chức cấp xã cần được thực hiện đúng quy định của Thành phố và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phươngphải dựa trên cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh và tình trạng hiện tại của đội ngũ công chức để xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, hiệu quả và đào tạo theo vị trí việc làm. Bốn là, phát huy vai trò tự học tập, rèn luyện của đội ngũ công chức cấp xã. Tự học tập, rèn luyện là công việc suốt đời, giúp đội ngũ công chức cấp xã không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt; đồng thời, bù đắp những kiến thức còn bị thiếu hụt. Việc tự học tập và rèn luyện của mỗi cá nhân là yếu tố nội lực quan trọng, giữ vai trò quyết định đến sự tiến bộ và phát triển của công chức cấp xã. Tự nghiên cứu, học tập để bổ sung kiến thức là biện pháp thiết yếu, giúp công chức không rơi vào trạng thái "xơ cứng" hoặc "lão hóa" về tri thức. Cần đặt ra yêu cầu cao đối với việc tự học tập và tự rèn luyện của đội ngũ công chức cấp xã, theo tinh thần “lười học tập cũng là một biểu hiện của sự suy thoái.” Bên cạnh việc xây dựng động cơ đúng đắn, công chức cấp xã cần có nghị lực và quyết tâm cao, cùng ý chí vượt qua mọi khó khăn để tự học tập và rèn luyện.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Công tác quản lý và giám sát đội ngũ công chức cấp xã là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Công tác kiểm tra và giám sát phải được tiến hành đều đặn, liên tục, tập trung vào các vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, như địa chính, tài nguyên môi trường hoặc các bộ phận chi trả chế độ bảo trợ xã hội, thu chi quỹ, thuế… Bên cạnh đó là tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất