Những điểm mới trong công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Phóng viên: Thưa đồng chí, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026 có điểm gì mới, khác so với nhiệm kỳ trước đây? Kết quả bước đầu như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: (1) Về tổng thể: Trong suốt quá trình cách mạng của Đảng, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt quan tâm, coi trọng; chính vị vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ công chức như: Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khóa XII; Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; Quy định về luân chuyển cán bộ; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp và nhiều hướng dẫn, quy định khác.

Các nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành đã góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, tổng thể, liên thông các khâu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, cụ thể: (1) Bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ; (2) Từng bước chuẩn hóa về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình nhân sự và cách làm theo hướng dẫn chặt chẽ, dân chủ, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan; (3) Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, tạo cơ chế môi trường thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng.., nhằm khắc phục cho được những sơ hở, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ và từng bước đẩy lùi tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ…”

(2) Về những điểm mới trong quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả bước đầu:

Trên cơ sở nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và kế thừa những kinh nghiệm quý báu, cách làm của nhiệm kỳ trước và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11- KH/TW ngày 6-11-2018 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong đó có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản như sau:

Một là, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng; trong đó, Bộ Chính trị khóa XII đã xác định cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, theo phương châm “làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó” với lộ trình cụ thể như sau: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9 và sau đó sẽ tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.

Hai là, đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Ba là, cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch theo Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông. Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước.

Bốn là, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch: (1) Coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; (2) Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự quy hoạch; đồng thời giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn; (3) Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để “lọt” những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược, cụ thể: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Trên cơ sở quan điểm, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình cách làm như trên, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Kế hoạch số 11- KH/TW ngày 6-11-2018 của Bộ Chính trị về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, tạo không khí phấn khởi, trách nhiệm, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị. Nhìn chung, kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất