Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gặp gỡ các cử tri.
Những kết quả quan trọng
  
Cùng với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị (HTCT) các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên, hệ thống tổ chức MTTQVN cấp huyện cũng đã có những chuyển biến quan trọng. Sau mỗi nhiệm kỳ, bộ máy và đội ngũ cán bộ mặt trận được sắp xếp, kiện toàn. Trong 62 uỷ ban MTTQVN cấp huyện ở các tỉnh Tây Nguyên, có gần 36.000 uỷ viên, trong đó có hơn 400 cán bộ chuyên trách. Với tư cách là liên minh chính trị, bộ máy và đội ngũ cán bộ MTTQVN thực sự đông đảo, là yếu tố quyết định hiệu quả công tác mặt trận, trong đó có GS và PBXH. 

Để tạo sự đồng bộ về chất lượng cán bộ mặt trận, một trong những chủ trương của các tỉnh Tây Nguyên là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Khi Quyết định 217-QĐ/TW về với địa phương, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nhất là về GS, PBXH nhanh chóng được triển khai. Năm 2014, ban thường trực ủy ban MTTQVN cấp tỉnh và huyện ở Đắk Lắk đã tổ chức được 34 lớp cho 3.823 lượt cán bộ; năm 2015, Mặt trận tỉnh tổ chức tiếp 1 lớp với 206 cán bộ. Ở Lâm Đồng, tháng 7-2014, 700 cán bộ Mặt trận thuộc 12 huyện, thành phố và 147 xã, phường, thị trấn được tập huấn. Ở TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), đã có 422 lượt cán bộ Mặt trận xã, phường được tập huấn tại thành phố, 92 lượt cán bộ tham dự các lớp do Uỷ ban MTTQVN tỉnh tổ chức. Mặt trận huyện Đak Đoa (Gia Lai), cũng tổ chức được 2 lớp vào tháng 5-2014, có 167 cán bộ Mặt trận cơ sở của 17/17 xã, thị trấn tham dự.

Những cố gắng của các địa phương đã góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận trong công tác GS và PBXH. Qua Phiếu hỏi ý kiến, có 5,99% số người được hỏi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQVN cấp huyện ở Tây Nguyên hiện nay là tốt, 23,96% ý kiến cho là khá. Đó là cơ sở quan trọng để công tác GS, PBXH của mặt trận cấp huyện đối với chính quyền được đánh giá là bước đầu có hiệu quả: Tinh thần chỉ đạo của Quyết định 217-QĐ/TW đã được quán triệt và cụ thể hoá bằng các kế hoạch, chương trình GS và PBXH hằng năm ở tất cả các uỷ ban MTTQVN cấp huyện. Việc triển khai khá đồng loạt và nghiêm túc, mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tất cả các cuộc GS và PBXH của MTTQVN cấp huyện đều chỉ ra được những mặt tích cực, đồng thời phát hiện và kiến nghị để sửa chữa, khắc phục những sai sót, thiếu hợp lý trong xây dựng văn bản, những khuyết điểm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền. Nhiều kiến nghị, đề xuất của mặt trận qua GS và PBXH được ghi nhận, sử dụng, góp phần làm thay đổi nội dung, phương thức quản lý của chính quyền; góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực nhất định trong hoạt động của HTCT, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, qua đó làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên.

Những bất cập

Bên cạnh những kết quả trên, đánh giá một cách khái quát, chất lượng cán bộ MTTQVN cấp huyện ở Tây Nguyên chưa đồng đều, dẫn đến hiệu quả GS, PBXH nhiều nơi chưa rõ nét. Tình trạng “có mà như không, đông mà không mạnh” của cán bộ MTTQVN ở một số nơi, trong những trường hợp cụ thể vẫn là điều đáng quan ngại. 

Về số lượng, các hoạt động chỉ đạo, điều hành và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận nói chung, GS và PBXH nói riêng, chủ yếu do đội ngũ cán bộ chuyên trách của cơ quan uỷ ban MTTQVN cấp huyện đảm nhiệm (khoảng 6-7 người). Các đoàn GS được thành lập, các hội nghị PBXH được tổ chức thì thành viên tham gia cũng xoay quanh số uỷ viên uỷ ban MTTQVN là cán bộ chuyên trách thuộc các tổ chức thành viên ở cấp huyện, một số ở xã. Vì vậy, nếu kế hoạch GS, PBXH triển khai đáp ứng (tương đối) nhu cầu của HTCT và xã hội, thì thực sự là áp lực lớn đối với cả bộ máy Mặt trận.

Về chất lượng, cán bộ Mặt trận và đoàn thể đến từ nhiều nguồn, tuy đều nằm trong quy trình công tác cán bộ của cấp uỷ đảng và được hiệp thương bầu cử trong đại hội, bổ sung trong hội nghị (nếu có sự biến động), song trình độ, năng lực, kinh nghiệm không đồng đều. Tuy đa phần cán bộ chuyên trách của Mặt trận cấp huyện và các tổ chức thành viên đều có trình độ đại học trở lên, song rất ít người được đào tạo chuyên môn về công tác dân vận, mặt trận. Trong GS, PBXH đối với chính quyền, tỷ lệ cán bộ Mặt trận có chuyên môn về lĩnh vực tư pháp, hành chính, quản lý kinh tế, xã hội, văn hoá… không nhiều, dẫn đến chất lượng nghiên cứu, phân tích, kết luận và kiến nghị không thể cao. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ chủ chốt của Mặt trận cấp huyện được luân chuyển từ các lĩnh vực công tác khác đến, nên việc tiếp cận chuyên môn, nghiệp vụ Mặt trận chưa kịp thời, thiếu cả kiến thức, kinh nghiệm lẫn bản lĩnh trong công tác GS và PBXH. 

Khảo sát qua phiếu hỏi ý kiến, có 42,4% người được hỏi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp huyện ở mức trung bình; 26,73% cho là hạn chế; 0,92% cho là không có chất lượng. Tỷ lệ đánh giá tương ứng ở Gia Lai: 45,33% cho là trung bình; 29,33% cho là hạn chế; ở Đắk Lắk: 38,24% cho là trung bình; 39,71% cho là hạn chế; 2,94% cho là không có chất lượng; ở Đắk Nông: 43,06% cho là trung bình; 12,5% cho là hạn chế.

Đánh giá của uỷ ban MTTQVN các địa phương cho biết: Ở nhiều nơi, cán bộ Mặt trận chưa được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu kinh nghiệm thực tiễn; tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng; vẫn còn tư tưởng ngại va chạm, né tránh trong thể hiện quan điểm chính kiến của mình trong một số vấn đề cụ thể (2). Một số cán bộ MTTQVN cấp huyện không đủ trình độ lý luận cũng như thực tiễn để làm tốt công tác tham mưu, thực hiện GS và PBXH; một số còn ngại va chạm, thiếu dũng khí đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ Mặt trận chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới (3). Năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình GS, PBXH còn hạn chế (4). Không ít nơi, uỷ ban MTTQVN không thành lập ban, tổ tư vấn, ít huy động lực lượng cộng tác viên là những nhà khoa học, trí thức, người am hiểu thực tiễn, nên chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện GS và PBXH không cao. 

Giải pháp

GS và PBXH của MTTQVN có tính nhân dân, nhưng không thể không có tính chuyên nghiệp, bảo đảm sự nhịp nhàng, đồng bộ và phối hợp các lực lượng tốt nhất. Vì vậy, thời gian tới cần thực hiện các biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vai trò GS và PBXH của MTTQVN và trách nhiệm của HTCT và nhân dân đối với công tác xây dựng đảng, chính quyền. 

Hai là, xây dựng, cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận, nhấn mạnh yếu tố đức - tài và bản lĩnh chính trị cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó để đổi mới công tác đánh giá cán bộ Mt trận theo tiêu chuẩn chức danh, khách quan, toàn diện, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo; gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn.

Ba là, nâng cao chất lượng quy hoạch, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ Mặt trận, nhất là luân chuyển cán bộ mặt trận sang các lĩnh vực công tác khác, đồng thời đưa cán bộ các nơi khác về mặt trận để rèn luyện qua thực tiễn. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tâm huyết, có kỹ năng, kinh nghiệm làm công tác mặt trận; thu hút, huy động các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội tham gia làm cộng tác viên của Mặt trận trong GS, PBXH. 

Bốn là, đổi mới công tác giới thiệu ứng cử, hiệp thương bầu cử cán bộ Mặt trận, chú trọng lựa chọn cán bộ chủ chốt của MTTQVN phải là người có kinh nghiệm công tác mặt trận, đoàn thể, có tư chất của người lãnh đạo gần dân, sát dân, tôn trọng và vì dân, có kỹ năng dân vận, nhất là kỹ năng GS và PBXH. Tuyệt đối tránh tình trạng đưa cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, lĩnh vực hạn chế về năng lực, có những sai phạm trong công tác về bố trí làm cán bộ chủ chốt của Mặt trận. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm việc Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình hiệp thương bầu cử cấp phó, bầu ủy viên Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình. Kiểm soát, sàng lọc, thay thế kịp thời cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng quy định về nêu gương của cán bộ Mặt trận, nhất là đối với thành viên Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN, người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các tổ chức thành viên của Mặt trận. 

Năm là, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng cán bộ Mặt trận. Đặc biệt cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. 

Sáu là, bám sát tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW để sắp xếp, đổi mới bộ máy gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung cho cơ sở, từng bước khắc phục “hành chính hoá” hoạt động và “công chức hoá” cán bộ Mặt trận. Thực hiện giới thiệu trưởng ban dân vận cấp uỷ cấp huyện ở những nơi đủ điều kiện để bầu giữ chức danh Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN. Đồng thời, xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện. Nâng cao chất lượng ban công tác mặt trận khu dân cư để tăng cường vai trò của quần chúng ở cơ sở khi MTTQVN tiến hành GS, PBXH những nội dung liên quan đến cơ sở.

TS. Trương Thị Bạch Yến

----------------------------
(1). Đề tài khoa học cấp bộ 2017-2018, Học viện Chính trị khu vực III chủ trì.
(2). Theo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng: Báo cáo Sơ kết 3 năm tình hình thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Tháng 12-2016.
(3). Theo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh Gia Lai: Báo cáo kết quả 3 năm triển khai công tác GS và PBXH của MTTQVN các huyện, thị xã, thành phố. Tháng 7-2017.
(4). Theo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN huyện Đak Đoa, Báo cáo Đánh giá hiệu quả giám GS và PBXH của MTTQVN đối với chính quyền cùng cấp. Tháng 7-2017.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất