Thừa Thiên Huế: Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương
Chức danh Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy là chức danh đầu tiên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức thi tuyển ở khối đảng, đoàn thể.

Thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Quy định số 11-QÐi/TU về việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế quản lý.

Theo Quy định số 11-QÐi/TU, Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập. Chủ tịch hội đồng thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thuộc khối đảng, đoàn thể ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thuộc khối Nhà nước là đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hội đồng thi tuyển có không quá 17 thành viên do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định. Trong đó phải có ít nhất 70% số thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia Hội đồng thi tuyển.

Quy định nêu rõ, không cử làm thành viên Hội đồng thi tuyển đối với những người là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ cấu tham gia trong Hội đồng thi tuyển nhưng thuộc trường hợp không được cử tham gia Hội đồng thi tuyển theo quy định này thì cử cấp phó của người đứng đầu tham gia.

Bên cạnh đó, Hội đồng thi tuyển có nhiệm vụ thành lập Tổ giúp việc, Ban ra đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi, Ban chấm thi phúc khảo...; xây dựng đề thi viết; tổ chức chấm bài thi viết; thông báo kết quả thi đến người dự thi; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức thi...

Về quy trình thi tuyển, các ứng viên sẽ trải qua phần thi viết kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển, hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định cụ thể cho từng chức danh thi tuyển với thời gian 180 phút. Bài thi viết được chấm theo thang điểm 100. Người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án, gồm: đánh giá thực trạng, phân tích những khuyết điểm, hạn chế của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp cho cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự. Đề án được thực hiện không quá 25 - 30 trang giấy A4. Thời gian trình bày Đề án tối đa 45 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn Đề án từ 60 phút đến 90 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn lấy người có số điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng văn bản; trường hợp có nhiều người cùng có kết quả điểm thi trình bày Đề án cao nhất bằng nhau hoặc tương đương nhau (điểm trung bình chênh lệch không quá 2 điểm trên thang điểm 100) thì Hội đồng thi tuyển báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định người trúng tuyển.

Trường hợp người được đưa ra lấy ý kiến mà tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy không đồng ý thì phải nêu rõ lý do; nếu lý do hợp lý (mới phát hiện người dự tuyển không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm) thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn tiếp tục chọn người có kết quả điểm thi trình bày Đề án thấp hơn liền kề trong tổng số những người đạt trên 50 điểm để báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Quy định cũng nêu cụ thể quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, sau khi công bố danh sách dự thi, trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi tuyển, cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo (theo dấu bưu điện hoặc dấu “văn bản đến”). Không xem xét giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại nặc danh và không giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thi tuyển.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất