Ngày 28-9, tại thành phố Phan Thiết, Ðảng
bộ tỉnh Bình Thuận khai mạc Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII,
nhiệm kỳ 2010-2015, với sự tham gia của 349 đại biểu thay mặt cho hơn
22 nghìn đảng viên toàn Ðảng bộ. Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, dự và phát
biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội.
5 năm qua, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển, năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng đáng kể, tiềm năng và lợi thế của địa phương được khai thác ngày càng tốt hơn. Các hoạt động văn hóa-xã hội có những chuyển biến tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, có mặt được cải thiện, các đối tượng chính sách, người nghèo được chăm lo tốt hơn. Cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường, bộ mặt xã hội khởi sắc hơn trước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Báo cáo Chính trị cũng chỉ rõ những mặt còn yếu kém, khuyết điểm đáng quan tâm và rút ra những bài học từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ qua.
Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đồng chí Trương Vĩnh Trọng biểu dương những thành tích mà Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong 5 năm qua. Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhất là đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ðó là bước chuyển mình rất quan trọng, tạo tiền đề để Bình Thuận phát triển nhanh hơn và cao hơn trong thời gian tới.
Ðồng chí Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ rõ những mặt còn yếu kém, khuyết điểm mà Bình Thuận cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Tỉnh Bình Thuận cần tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế; chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH; có giải pháp tích cực, đồng bộ, có chính sách hấp dẫn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương; chú ý phát triển nhanh công nghiệp điện năng, trước hết là nhiệt điện và điện gió. Về du lịch, mở thêm nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng, nhất là các loại dịch vụ chất lượng cao. Không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp, chú ý phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HÐH. Phát triển ngành thủy sản cả về khai thác, dịch vụ hậu cần, chế biến, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi. Phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo vệ môi trường, nhất là trong việc khai thác cát đen. Tỉnh cần có giải pháp thật tích cực tháo gỡ những vướng mắc, những "điểm nghẽn" trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xử lý những chồng lấn trong các quy hoạch. Phát triển kinh tế phải gắn chặt với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội. Xây dựng hệ thống chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh, đủ sức phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Phải luôn coi trọng công tác xây dựng Ðảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bình Thuận cần tiếp tục đưa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu, chuyển trọng tâm sang "làm theo". Cùng với đó, cần đẩy mạnh và kiên quyết hơn nữa trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bình Thuận tiếp tục làm việc đến ngày 30-9.
(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)