Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV: Quyết tâm đưa Hà Giang thoát khỏi tỉnh nghèo, kém phát triển

Là một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới với 6/62 huyện đặc biệt khó khăn, nghèo nhất nước, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005-2010), kinh tế của Hà Giang đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,7%; thanh toán xong nợ cũ trong xây dựng cơ bản từ năm 2005 trở về trước. Chăn nuôi đại gia súc từng bước trở thành ngành sản xuất chính. Thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp nhưng đã được nâng lên rõ rệt (7,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4,3 triệu đồng so với năm 2005). Có được kết quả này là do cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Giang đã thực hiện tốt chủ trương thu hút các nguồn lực, có nhiều giải pháp quyết liệt thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh với quy mô và loại hình khác nhau trên cơ sở một số lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như thủy điện, khoáng sản, dịch vụ, du lịch... Hơn 20 nghìn hộ đã được xóa nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,8% (giảm 35,3% so với đầu nhiệm kỳ); các cơ sở dạy nghề được đầu tư, tỷ lệ lao động qua đào tạo sau 5 năm đã tăng lên hơn gấp đôi từ 14% lên 30%. Đường giao thông, bệnh viện, trường học, các công trình thủy lợi, hồ chứa nước sinh hoạt… xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân các dân tộc với tổng vốn đầu tư trên 9 nghìn tỷ đồng. Chất lượng quản lý, dạy và học được nâng lên với tỷ lệ 98,7% trẻ 6-14 tuổi được đến trường.

Về xây dựng Đảng, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới. Từ năm 2006-2010, đã luân chuyển 374 cán bộ. Công tác phát triển đảng viên gắn với củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được thực hiện thường xuyên, liên tục. 100% số xã thành lập đảng bộ cơ sở; 100% thôn, bản có chi bộ. Hằng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh là 85%; 99% đảng viên đủ tư cách, bình quân mỗi năm có thêm 2.800 đảng viên mới.

Về những hạn chế, yếu kém, báo cáo chính trị nêu rõ, kinh tế phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ bác sỹ còn thiếu nhiều so với nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở về trình độ, năng lực, kỹ năng điều hành, quản lý chưa đạt yêu cầu. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực, vai trò lãnh đạo toàn diện của một số tổ chức cơ sở đảng chưa được phát huy đầy đủ. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên chưa chặt chẽ, nhất là đảng viên giữ chức vụ cao. Tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu ở một số tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể chưa cao; chưa kịp thời uốn nắn, xử lý các vi phạm, còn để xảy ra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất, lối sống.

Phát biểu với Đại hội, cùng với biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng chí Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu dân chủ thảo luận, tập trung phân tích, tiếp tục làm rõ hơn những tiềm năng, thuận lợi, thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua; đánh giá đúng tình hình của Hà Giang với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của một tỉnh nghèo, kém phát triển, chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. “Cần phân tích vì sao chưa khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy mạnh nội lực, chưa có bước “đột phá” trong phát triển”. 
Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tiếp tục tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng, quản lý đảng viên; chú trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở, chú ý công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, vùng biên, vùng sâu. Sáng tạo trong thực hiện các chương trình đột phá, trọng tâm. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến an ninh biên giới. Thực hiện tốt chính sách về dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo; kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của kẻ xấu để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu sáng suốt lựa chọn bầu các đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá mới có đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức; tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Nguồn Báo Điện tử ĐCSVN

 
 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất