Các giải pháp hướng mạnh về cơ sở
Mới đây, chúng tôi đến tổ dân phố số 7, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định tìm hiểu về công tác dân vận ở cơ sở, ghi nhận cách làm đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được tiến hành khẩn trương, bài bản góp phần quan trọng bảo đảm tiến độ triển khai dự án làm cầu qua sông Đào nối đường Song Hào sang đường Vũ Hữu Lợi. Dự án này được khởi công hồi tháng 10-2022.
Theo đồng chí Trịnh Văn Ngoạn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, các đồng chí cấp ủy cấp trên thường xuyên về cơ sở nắm tình hình nhân dân, gặp gỡ đảng viên, sinh hoạt với chi bộ, cho nên đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh liên quan đời sống nhân dân; đồng thời giúp chi bộ củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo thông qua việc đề cao trách nhiệm của đảng viên tham gia cùng các tổ công tác của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Nhờ đó, vướng mắc đối với 9 hộ dân (trong tổng số 39 hộ phải di dời) đã được tháo gỡ, các hộ đều chấp thuận nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đồng chí Nguyễn Nam Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nam Định cho biết: Thành ủy lấy hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy viên được phân công phụ trách.
Thời gian qua, việc phân công cấp ủy các cấp của thành phố theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm “cấp ủy cấp thành phố nắm đến chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đảng viên cơ sở nắm đến hộ gia đình” được thực hiện nghiêm túc, nền nếp, mang lại nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Thành ủy.
Qua thực hiện theo dõi, phụ trách cơ sở, các đồng chí trong cấp ủy nắm được các vấn đề thực tiễn, phát hiện kịp thời những khó khăn, bất cập tồn tại, từ đó có giải pháp phù hợp để khắc phục, thí dụ như công tác nghiệp vụ, quản lý đảng viên ở một số đơn vị có mặt chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong các năm 2022, 2023, Thành ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về đối khớp danh sách, bổ sung dữ liệu, rà soát, sàng lọc đảng viên.
Qua xem xét, Thành ủy quyết định xóa tên 156 đảng viên khỏi danh sách vì vi phạm Điều lệ Đảng; chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời tình trạng đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên không thực hiện đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, thiếu gương mẫu, uy tín thấp.
Một giải pháp quan trọng nhằm củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được huyện Giao Thủy thực hiện khá hiệu quả là tăng cường nguồn lực cho cơ sở.
Theo đồng chí Lương Xuân Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã điều động 10 đồng chí cán bộ cấp phòng về giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã, thị trấn; điều động 7 đồng chí từ xã này sang xã khác làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND.
Thực tế cho thấy, các đồng chí đều nắm bắt nhanh, thích ứng kịp thời với nhiệm vụ và môi trường công tác mới, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, góp phần để Giao Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Trong đó, điển hình như các đồng chí Vũ Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Giao Yến hồi giữa năm 2021 và mới đây tiếp tục được điều động sang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Giao Hải; đồng chí Bùi Thanh Thùy, Bí thư Huyện đoàn về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Giao Long...
Nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại cá nhân, tập thể
Đảng bộ tỉnh Nam Định có 15 đảng bộ trực thuộc, 921 tổ chức cơ sở đảng, 4.293 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 110.300 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Trung ương, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm là xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Năm 2023, trên cơ sở các nội dung Quy định số 124-NQ/TW ngày 4-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, Nam Định đã xây dựng, ban hành quy định mới, có bổ sung, kế thừa việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong đánh giá, xếp loại theo quy định trước đó. Tỉnh phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm ở các đảng bộ được phân công phụ trách; thành lập Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự, theo dõi, chỉ đạo công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với các đảng bộ trực thuộc tỉnh. Đối với các tập thể, cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm, thì sau kiểm điểm phải xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Qua nghiên cứu quy định mới của tỉnh kèm theo kế hoạch triển khai công tác kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, có thể thấy quy định đã cụ thể hóa rõ ràng hơn trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan. Về thẩm quyền đánh giá, quy định mới được xây dựng theo hướng ai giao việc thì người đó đánh giá. Đồng chí Lưu Quang Huy, Trưởng Phòng Tổ chức đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu thí dụ: Người đứng đầu đánh giá cấp phó của người đứng đầu và báo cáo kết quả đánh giá về cấp trên quản lý mình.
Đối với các sở, do Ban cán sự đảng UBND tỉnh đánh giá, kết quả chuyển về Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Giám đốc sở là tỉnh ủy viên thì có thêm đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với đồng chí tỉnh ủy viên. Cũng theo quy định mới, ngoài các đối tượng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định, các cấp ủy, tổ chức đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo, quản lý các cấp xem xét, quyết định đối tượng đánh giá, xếp loại theo thẩm quyền.
Theo Điều 18 tại quy định mới của tỉnh, hằng năm các cấp ủy, tổ chức đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo, quản lý các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể (hoặc xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, chương trình, kế hoạch) đối với từng tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý để làm căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng; kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra; tập trung củng cố các tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và giúp đỡ cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích việc tổ chức đánh giá theo tháng, quý, 6 tháng ở những nơi có đủ điều kiện và khuyến khích thí điểm các phương pháp đánh giá phù hợp, có hiệu quả, bảo đảm thực chất. Đây được coi là một tiêu chí sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của các đơn vị, tổ chức.
Khảo sát thực tế cho thấy, với nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương ở tỉnh Nam Định ngày càng hiệu quả. Mặc dù vậy, tại một số tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cấp ủy còn có mặt hạn chế về trình độ, nhận thức, năng lực, cho nên lúng túng trong việc cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của cấp trên và thực thi nhiệm vụ.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự rõ nét. Có nơi chất lượng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng trong học sinh, sinh viên, khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm đúng mức,…
Đó là những bất cập, hạn chế mà Tỉnh ủy Nam Định tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các cấp chú trọng khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trên toàn địa bàn, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ này, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.
Hoàng Lâm/nhandan.vn