Hai ông lão 80 tuổi chống tham nhũng và niềm tin sắt đá vào công lý

 
Các tác giả nhận Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ II - năm 2017.

“Nếu chúng tôi không chiến thắng, thì không phải họ là những người sai trái mà chính việc đấu tranh của chúng tôi sẽ trở thành sai, vì thế, dù có bị cô lập, bị đe dọa đến tính mạng, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng. Tôi tin không có 'vùng cấm' trong chống tham nhũng và tin vào một xã hội thượng tôn pháp luật.”

Đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Hai ông lão qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đã biến nỗi sợ hãi thành sức mạnh chiến thắng công lý và trở thành tấm gương chống tham nhũng tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh.

Bài 1: Hành trình chống tham nhũng bị cô lập của hai ông lão 80 tuổi

Đều đã ở tuổi 80 nhưng hai ông lão Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Hai ông đều nhớ rõ những mốc thời gian phát hiện và đấu tranh với những sai phạm tại địa phương cũng như những khó khăn trong hành trình đầy gian nan này.

70 tuổi bắt đầu chống tham nhũng



Ông Nguyễn Tiến Lãng lật giở lại những bằng chứng, hồ sơ tố giác. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+).

Những năm 2004, 2005, người dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh rỉ tai nhau ​cùng làm hồ sơ thương binh giả để nhận hỗ trợ. Khi đó, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã 70 tuổi. Một người bạn của ông Nguyễn Tiến Lãng cũng chỉ cho ông cách làm hồ sơ thương binh, giấy giám định thương tật giả.

Ông Lãng kể: “Ngày ấy, bạn tôi nói mất 30 triệu đồng thì sẽ có hồ sơ thương binh, thêm 30 triệu đồng nữa thì sẽ có chứng nhận mức độ thương tật... Bỏ ra mấy chục triệu đồng thì sau này sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng nên người dân đua nhau làm hồ sơ thương binh giả, thậm chí có người làm xong hàng tháng không dám đi nhận tiền trợ cấp mà nhờ vợ đi lấy hộ.”

Nhớ lại những ngày ấy, ông Lãng bồi hồi nói: “Lúc ấy tôi đau xót lắm, tôi từng đi bộ đội năm 1965 và trở thành lái xe phá bom của binh đoàn 559. Tôi chiến đấu hơn 10 năm, cũng bị thương nặng nhưng vì trục trặc giấy tờ không làm hồ sơ thương binh được, trong khi những người không chiến đấu ngày nào lại làm hồ sơ hưởng chính sách cho người có công.”

“Những người bị tai nạn hoặc đập lúa, tuốt lúa bị cụt ngón tay... cũng trở thành thương binh, thế mà mình đã từng ‘ra sống, vào chết” vì Tổ quốc đến giờ vẫn không công nhận là thương binh, tôi không thể im lặng,” ông Lãng bùi ngùi kể lại.

Ông Nguyễn Công Uẩn nuôi bồ câu bán lấy tiền làm lộ phí đi lại, photo hồ sơ, giấy tờ làm bằng chứng. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Thời gian đó, ông Uẩn kể, cả xã người ta đua nhau làm hồ sơ thương binh giả, có lúc người ta còn nói đùa xã Ngũ Thái là "xã thương binh". Mặc cho nhiều người rủ làm hồ sơ thương binh giả, hai ông lão quyết tâm không tham nhũng tiền ngân sách nhà nước. Mặt khác, hai ông âm thầm "bắt tay nhau" thu thập hồ sơ, tìm kiếm chứng cứ để đấu tranh tố giác sai phạm. 

Để có được những bộ hồ sơ tố giác với đầy đủ bằng chứng gửi lên các cơ quan chức năng, ngày ấy lúc thì hai ông cũng vờ như muốn làm hồ sơ thương binh giả, lúc lại nhận là đồng đội để được xem giấy tờ gốc, thu thập chứng cứ. Ông Uẩn nhớ lại: "Lúc ấy tôi cũng hơn 70 tuổi rồi nhưng có những ngày phải đạp xe hàng chục cây số để tìm kiếm hồ sơ, bằng chứng nhưng tôi không thấy mệt mỏi hay ốm yếu mà say sưa đi khắp mọi nơi. Suốt 3 năm trời, chúng tôi kết hợp với nhau cùng tìm được bằng chứng về hàng trăm bộ hồ sơ, giấy chứng nhận sai quy định trong việc hưởng chế độ người có công".

Những năm 2006, 2007 ấy là những năm mà hai ông lão đấu tranh chống tham nhũng gay gắt nhất. Vừa thu thập hồ sơ thương binh giả, hai ông cũng công khai tố cáo những sai phạm của chính quyền địa phương xã Ngũ Thái, xã Gia Đông (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong việc quản lý đất đai sai quy định và vì thế gặp không ít sức ép từ các đối tượng bị tố cáo.

Bị cô lập trên hành trình tìm công lý

Có lẽ không có con đường đấu tranh cho lẽ phải, chiến đấu với điều sai trái lại đươc "trải hoa hồng", với hai ông lão cũng vậy, hai ông sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân, sẵn sàng trả giá bằng kinh tế, sự yên ấm trong gia đình và thậm chí cả bằng máu. Trên hành trình đấu tranh tố cáo những sai phạm ấy, có những lúc chỉ còn lại hai ông già gần 80 tuổi, không ai tin rằng hai ông sẽ chiến thắng, ngay cả người thân cũng can ngăn vì lo lắng, áp lực. 

Trong ký ức của ông Uẩn, những lần bị đe dọa vì tố cáo tham nhũng thì nhiều, nhưng ông nhớ nhất lần bị những kẻ côn đồ tìm đến tận nhà đánh vào đúng 30 Tết năm 2006 vì ​ông đã đứng ra tố cáo việc chia lô bán đất ở xã sai quy định của pháp luật. Ông Uẩn phải chạy lên công an tỉnh nhờ bảo vệ, không dám về nhà “ăn Tết” năm đó. Vừa chỉ vào vết sẹo trên trán và chiếc răng lung lay từ ngày bị đánh, ông Uẩn kể: “Ngay cả khi được công an tỉnh cam kết sẽ an toàn khi trở về, tôi vẫn không dám về ngay mà phải đi ở nhờ nhà bạn ông Lãng mấy ngày rồi mới về nhà.”


Có lúc nhà ông Nguyễn Tiến Lãng bị chặt gần 100 gốc bưởi Diễn và đu đủ
 (Ảnh nhân vật cung cấp).

Các đối tượng bị tố cáo ra sức đe dọa, cô lập ông Uẩn để ép ông rút đơn kiện. Ông Uẩn bảo rằng đó là thời gian ông thấy cô đơn nhất, khi mà cán bộ địa phương bị tố cáo gây sức ép đuổi ông ra khỏi tổ chức các cụ của hội đình làng nhưng không ai dám đứng ra bảo vệ ông, có nhiều người cũng thương ông nhưng không dám ra mặt. Họ tìm cách cô lập ông ở địa phương và gây sức ép lên cả gia đình ông.

Ông Uẩn nhớ nhất là cái Tết năm 2007, một năm sau khi ông bị đánh, ngay trong ngày Mùng 1 Tết, cả gia đình họp lại đông đủ ai cũng khuyên ông rằng: “Ông không sai, nhưng ông tố cáo cũng không thay đổi gì được” nên ông hãy từ bỏ, thậm chí buộc ông phải lựa chọn “bỏ kiện cáo hay bỏ con cháu”. 

Ông Uẩn ngậm ngùi nói: “Vì tôi mà con cái chịu nhiều áp lực và hiểu suy nghĩ của các con, thương các con lắm, nhưng tôi luôn tin là lẽ phải rồi sẽ chiến thắng. Vì thế, lúc ấy tôi thẳng thắn trả lời rằng tôi không bỏ cái nào cả, nhưng cái nào bỏ tôi trước thì tôi bỏ cái đó.”

Ánh mắt ông Uẩn sáng lên khi nhớ lại: “Lúc đó cô đơn và áp lực lắm nhưng tôi chỉ nghĩ, nếu tôi bỏ dở việc tố cáo tức là những gì tôi đã đấu tranh sẽ là sai, cứ nghĩ thế là tôi lại càng không thể từ bỏ được.”

Khi được hỏi về việc không hề sợ hãi hay áp lực trước những lời đe dọa, ngay lập tức ông Uẩn cười tươi và nói: “Có sợ chứ, lúc mới nghe dọa lần đầu thì cũng sợ lắm, nhưng rồi nghe điện thoại chửi, dọa nạt cả một tuần, cả tháng, cả năm mãi thành quen, không sợ nữa!”

Như hai người tri kỷ, ông Lãng cũng bảo: “Sống đến tuổi này rồi, chiến tranh còn không giết chết được tôi, thì nếu có chết vì đấu tranh chống những điều sai trái thì tôi cũng không hối hận.”

Hai ông lão 80 tuổi đều có cùng một suy nghĩ sẵn sàng hy sinh để đấu tranh cho lẽ phải. Những người bị tố cáo cứ nghĩ rằng bị trả thù, phá hoại hoa màu, tài sản để “đánh” vào kinh tế, gây khó khăn cho gia đình, đe dọa tính mạng, bị cô lập thì hai ông lão sẽ "chùn chân" mà lùi bước, thế nhưng ngược lại, càng khó khăn hai ông càng thêm quyết tâm "sắt đá" và càng đùm bọc cho nhau.

Ông Lãng nhớ rõ như in những ngày miệt mài đi khắp nơi tìm kiếm, thu thập chứng cứ tố cáo có lúc quên cả đường về nhà ăn cơm, vợ ông vì thế bực cũng không nấu cơm cho ông nữa. Ông Lãng kể: "Tôi quyết định ăn riêng trong suốt 8 năm trời để không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình và toàn tâm cho việc đấu tranh vì công lý. Những ngày đi thu thập hồ sơ, chứng cứ, tôi lại rủ ông Uẩn về cùng nhau nấu cơm. Khi ông Uẩn bị đánh, bị đe dọa tính mạng, tôi lại nhờ bạn cưu mang ông Uẩn. Đến giờ, mỗi khi ốm đau chúng tôi vẫn chia nhau từng viên thuốc, đơn thuốc."

Ông Lãng bảo: “Tôi thương ông Uẩn vì gia đình tôi con cái đều làm doanh nghiệp, làm tự do nhưng các con ông Uẩn đều làm trong các cơ quan nhà nước, nên khi đấu tranh chống tham nhũng, ông Uẩn phải chịu nhiều áp lực hơn tôi.”./.


Bài 2: Hai ông lão 80 tuổi chống tham nhũng: Đấu tranh không vì được khen

Những người bị tố cáo càng đe dọa, càng ra sức phá hoại thì ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) càng thêm quyết tâm bảo vệ lẽ phải. Sự dũng cảm và kiên trì của hai ông lão được đền đáp khi hàng loạt sai phạm mà hai ông tố cáo bị đưa ra ánh sáng.

Tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng

Những ngày tháng đấu tranh chống tham nhũng gian khó dần dần gặt hái những “trái ngọt”. Đơn từ tố cáo của ông Uẩn tới các cơ quan địa phương đã được lắng nghe, tỉnh Bắc Ninh cử cán bộ thanh tra xuống điều tra và đưa nhiều sai phạm ra ánh sáng.

Kết quả là năm 2009, Uỷ ban nhân dân huyện Thuận Thành đã ra quyết định kiểm điểm và xử lý kỷ luật, cách chức một số cán bộ xã Ngũ Thái và các ban quản lý thôn Bùi Xá, Liễu Ngạn, trong đó có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lê Xuân Hào về các sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng giao thông và thu chi tài chính... 

Cuối năm 2009, ông Uẩn được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khen thưởng. Đầu năm 2010, Tòa án Bắc Ninh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản và tuyên các cán bộ xã Ngũ Thái là Nguyễn Văn Sự 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Tráng 3 năm tù treo.

Năm 2010, những đơn từ tố cáo hồ sơ thương binh giả của ông Uẩn và ông Lãng cũng được Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tiếp nhận. Ông Tạ Văn Thiều, Phó Cục trưởng Cục Người có công ngày ấy đã trực tiếp điện thoại và kết hợp cùng Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về gặp hai ông để tiếp cận hồ sơ.
Để làm sáng tỏ sự việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xác minh nội dung tố cáo với 10 trong số hàng trăm đối tượng bị tố cáo và thấy đều có dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ thương binh. Kết quả giám định thương tật không đúng với tình trạng sức khoẻ, các hồ sơ này bị tẩy tên và thay tên người khác, kết quả trưng cầu giám định tài liệu cho thấy toàn bộ phần chữ viết bằng tay trên các giấy chứng nhận bị thương của ông Nguyễn Đức Nhâm, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Bá Chình, Nguyễn Đắc Nhưng... đều do cùng một người viết ra.

Từ kết quả nội dung tố cáo với một số đối tượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển các hồ sơ trên cho tỉnh Bắc Ninh và Bộ Quốc phòng thu hồi giấy chứng nhận thương binh và phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ các trường hợp bị tố cáo liên quan.

Sau khi điều tra theo nội dung tố cáo, ngày 14/6/2013, cơ quan Cảnh sát Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 5 bị can: Nguyễn Bá Bi, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Đức Nhâm và Nguyễn Đắc Ngưng, cư trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời mở rộng điều tra vụ án.

Từ vụ việc này, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng tiến hành khởi tố điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Kết quả sau khi điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp lên tới 2.745 người, 24 người bị xử lý hình sự, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng, đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công.

Năm 2012, 2013, 2014 là những năm mà hàng loạt các vụ sai phạm về quản lý đất đai, làm hồ sơ giả thương binh do ông Uẩn và ông Lãng tố cáo được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cá nhân bị xử phạt. Thời gian này, ông Uẩn và ông Lãng vẫn bị một số đối tượng hành hung, đánh đập, phá hoại tài sản vì đã tố cáo một số đối tượng lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi người có công.

Ngày 21/4/2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải có công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu có phương án bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và tài sản của ông Lãng và ông Uẩn. Đến ngày 12/5/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đã có công văn yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện Thuận Thành bảo vệ người tố cáo là ông Lãng và ông Uẩn.

“Bằng khen” của hai ông lão
 

Đã qua rồi những ngày tháng mà cứ mỗi lần gặp hai ông lão cầm túi nilon đựng tài liệu người dân lại e ngại, thì thầm với nhau “lại đi khiếu kiện đấy”. Giờ đây, người dân đã nể trọng và yêu quý hai ông lão chống tham nhũng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xem xét tặng bằng khen của Bộ trưởng đối với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi khai man, giả mạo hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 1.

Cho đến ngày hôm nay, hành trình tìm kiếm lẽ phải của hai ông đã chiến thắng và phần nào được ghi nhận. Cuộc sống của hai ông cũng vì thế mà đã yên bình hơn, những ngày tháng sống trong nỗi sợ bị đánh, bị đe doạ, bị cô lập đã không còn nữa. 

Ông Lãng cười nói: “Dần dần thì người dân họ cũng hiểu ra rằng tôi không chống lại một ai, tôi chỉ chống lại sự sai trái, bất công mà thôi!”

Gần 4 năm trôi qua, vụ việc ông Lãng và ông Uẩn tố cáo được làm sáng tỏ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã hai lần có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn để tiến hành khen thưởng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục xin ý kiến của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) để xem xét khen thưởng với hai ông.

Nhắc đến việc khen thưởng, ông Uẩn bảo: “Khi làm thì không bao giờ nghĩ đến ngày được khen thưởng đâu, tôi sống đã đến 80 tuổi rồi, sống chết cũng không biết thế nào nữa để mà mong mỏi khen thưởng. Nhưng tôi nghĩ nếu vụ việc được khen thưởng thì sẽ thúc đẩy phong trào chống tham nhũng, vì nếu chúng tôi được khen thưởng công khai thì nhiều người dân sẽ có niềm tin tích cực chống tham nhũng.”

“Hơn 11 năm qua, chúng tôi lúc nào cũng đi đầu với việc chống tham nhũng, nhất là vấn đề chế độ chính sách đãi ngộ cho người có công. Được ghi nhận công lao bởi đông đảo nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ là phần thưởng cao quý nhất của một công dân khi gửi đơn tố giác. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tố giác để được khen thưởng, chỉ biết phải đòi được sự công bằng xã hội. Chúng tôi tuy đã 80 tuổi nhưng vẫn còn sống ngày nào sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng,” ông Lãng tâm sự.

Với hai ông lão 80 tuổi ấy, ngay cả khi không có ai bênh vực vẫn có niềm tin vào công lý thì tấm “bằng khen” quan trọng nhất trong lòng hai ông đã được trao vào ngày mà lẽ phải chiến thắng. Còn tấm bằng khen thưởng được đề xuất trong hai năm nay là để những người còn lại có thêm động lực vào chống tiêu cực, chống tham nhũng, còn niềm tin vào pháp luật, vào công lý của hai ông chưa bao giờ vơi./.

Bài 3: Hai ông lão ở Bắc Ninh nhận bằng khen nhờ thành tích chống tham nhũng

Bảy năm trước, hai ông lão ở Bắc Ninh ký vào đơn cam kết 100% nội dung tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách người có công là đúng sự thật và nếu tố cáo sai sẽ bị kỷ luật, thậm chí khởi tố. 

Ngày hôm nay 23/6, sau 7 năm ròng rã khiếu nại, tố cáo, vượt qua biết bao nghi kỵ, cản trở, bị vu oan, bôi xấu nhân phẩm, thậm chí bị đe dọa tính mạng, hai ông đã cầm trên tay Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chứng nhận việc tố cáo đường dây làm hàng nghìn hồ sơ thương binh giả đã góp phần đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội.

Tại buổi lễ vinh danh những người có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khẳng định: “Hai ông dù tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng bằng khen cho hai lão nông ở Bắc Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đưa hàng nghìn hồ sơ thương binh giả ra ánh sáng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tặng bằng khen cho ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vì đã có có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội. Hơn 10 năm trước chứng kiến các đối tượng “cò” ngang nhiên móc nối với các phần tử xấu tại địa phương làm giả hồ sơ người có công để hưởng chế độ thương bệnh binh, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã thu thập bằng chứng gửi các cơ quan chức năng tố cáo hành vi gian lận, trục lợi rút tiền của Nhà nước của một số đối tượng và cán bộ ở địa phương. 

Từ đơn tố cáo được hai ông gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 2010, hàng nghìn hồ sơ thương binh giả ra ánh sáng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm 20 tỷ đồng hàng năm do chi sai đối tượng.

Đặt biệt, trong những đối tượng “cò mồi” bị phát hiện có cả đảng viên, cán bộ có chức, có quyền, từ Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã đến Trưởng phòng Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tỉnh Bắc Ninh, Trưởng phòng người có công của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh.

Phát biểu tại buổi tặng Bằng khen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự dũng cảm của hai lão nông, vượt qua nhiều trở ngại để tìm tới sự thật. Bộ trưởng chia sẻ: "Xin cảm ơn hai ông dù tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập".

“Chính sách ưu đãi người có công là chính sách nhân văn, đặc biệt dành cho người có công, thân nhân người có công. 70 năm qua, có khoảng 9 triệu người hưởng chính sách này. Tuyệt đại bộ phận được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách này. Nhưng qua rà soát, kiểm tra 60.000 hồ sơ cho thấy còn 1.800 hồ sơ hưởng sai chính sách. Đây cũng là vấn đề nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân, những người đổ xương máu thật sự. Việc đấu tranh, chống tiêu cực, xử lý kịp thời là quyết tâm chính trị lớn của ngành lao động thương binh và xã hội,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tấm gương cho người dân cả nước

Cuộc chiến chống tiêu cực của ông Lãng và ông Uẩn tưởng như phải dừng bước khi các đối tượng tố cáo dọa giết, chặn đường đánh, phá hại hoa màu, ném phân vào nhà, gây khó khăn cho việc học hành của con cháu. Ông Nguyễn Tiến Lãng nhớ lại: “Bao ngày đêm suy nghĩ trăn trở, nhiều đêm không ngủ tôi nằm nghĩ, mình đi chiến đấu chống Mỹ bom đạn không sợ chết, tại sao chống tham nhũng lại không dám tố cáo? Sợ chết sao, thế thì quá hèn hạ!”

“Nếu tố cáo mà triệt phát được đường dây làm giả hồ sơ thương binh sẽ có lợi cho dân, cho Đảng, Nhà nước không phải chi số tiền quá lớn hàng năm rất phi lý. Số tiền đó để tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức đang công tác, tăng lương cho cán bộ hưu trí, chắc chắn sẽ giúp ích việc đẩy lùi tham nhũng,” ông Lãng nói.

Nhờ những đóng góp của hai ông lão, từ năm 2013 đến nay, Nhà nước không phải chi hơn 100 tỷ đồng do thực hiện sai chính sách hồ sơ người có công. Cầm trên tay tấm Bằng khen, ông Nguyễn Công Uẩn nói: “Chúng tôi được khen thưởng cũng sẽ động viên những người còn lại mạnh dạn, tích cực tố cáo tham nhũng chứ nếu không khen thưởng mà ai cũng như chúng tôi bị đánh, bị vùi dập, bị thiệt hại thì ai còn dám tố cáo tham nhũng.”

Ông Nguyễn Công Uẩn bộc bạch: “Chúng tôi rất mong người dân trong cả nước sát cánh cùng chúng tôi dũng cảm đứng lên tố cáo chống tham nhũng để đất nước được bình yên, cùng nhau xây dựng Đảng trong sạch, chính quyền vững mạnh, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Tại buổi trao Bằng khen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kêu gọi người dân nếu phát hiện trường hợp trục lợi chính sách thì tố giác, gửi đơn đến các sở hoặc chuyển về bộ và mong muốn những người đã trục lợi chính sách tự giác tự nguyện trả lại, thông qua tấm gương của hai ông lão ở Bắc Ninh./.

Bài cuối: Vụ hai lão nông ở Bắc Ninh: Lan tỏa ngọn lửa chống tham nhũng

Câu chuyện hai lão nông chống tham nhũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như tiếp thêm “lửa” vào hành trình chống tham nhũng trên cả nước. Ngày hai ông cụ nhận được bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng là ngày mà khắp nơi chứng kiến sự chiến thắng của lẽ phải. 

Một tháng tiếp 50 đoàn đến chúc mừng

Ở Bắc Ninh, câu chuyện về hai ông lão tố cáo tham nhũng ai ai cũng biết đến, hàng xóm láng giềng ai cũng qua chúc mừng, đi đến đâu người dân gặp hai ông lão cũng tay bắt mặt mừng ca ngợi chiến công của hai ông. Thay vì thái độ thù ghét, cô lập trước kia thì nay hai ông sống trong những lời ngợi khen và yêu quý của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh khẳng định việc đấu tranh của ông Lãng được chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ. Địa phương rất mừng khi biết những khiếu kiện của ông đều chính xác và người có sai phạm đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sức lan tỏa của câu chuyện về hai ông lão chống tham nhũng ở Bắc Ninh đã vượt xa sự tưởng tượng của tất cả mọi người. Những lời chúc mừng cứ nối dài, nối dài. Thậm chí, những nhóm cựu chiến binh ở các địa phương tổ chức cả đoàn đến thăm và chúc mừng hai ông. Thư từ, điện thoại gọi về cho hai ông đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc.

Cứ mỗi lần có thư gửi về, ông Lãng lại chạy xe đạp điện sang nhà ông Uẩn để đọc thư cho ông Uẩn nghe. Ông Lãng nhìn sang người bạn già cười và bảo: “Chúng tôi bằng tuổi nhau nhưng ông ấy yếu hơn, mắt lại kém nên tôi hay sang với ông ấy.”

Trong ngôi nhà nhỏ nhắn, đơn sơ ấy, hai ông đang ngồi đọc cho nhau nghe những bức thư, kể cho nhau nghe những cuộc điện thoại mới nhận. Những lúc như thế, họ lại cùng ôn lại những câu chuyện cũ, ngẫm nghĩ về những khó khăn đã trải qua.

“Ngày trước chúng tôi cứ miệt mài đi điều tra rồi đi tố cáo, trong tâm trí chúng tôi chỉ đau đáu làm sao đưa được những hành vi sai phạm ra ánh sáng mà không bao giờ ngồi nghĩ về những khó khăn, nguy hiểm đang rình rập. Giờ nhận được bằng khen, rồi lời chúc mừng từ khắp muôn nơi thì mình mới có thời gian dừng lại nhìn về cả chặng đường dài đã qua,” ông Lãng tâm sự.

Những ngày hai ông lão cơm nắm, muối vừng đạp xe mấy chục cây số đi tố cáo tham nhũng, rồi chịu đựng những lời mắng chửi, đe dọa, tàn phá hoa màu… đã qua. Những khó khăn, thử thách ấy chưa bao giờ khiến hai ông lão chùn bước, mà chỉ càng làm sắt đá thêm quyết tâm chống tham nhũng. Ngày hôm nay, câu chuyện của hai ông lão đã đến với người dân cả nước và cũng là câu trả lời cho những ai còn băn khoăn về hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng.

Một tháng sau khi nhận được bằng khen của 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hơn 50 đoàn từ các Hải Dương, Cao Bằng, Quảng Bình, Đắc Nông… đã đến tận nhà hai ông lão để trực tiếp gặp gỡ hai ông chúc mừng, chia sẻ câu chuyện chống tham nhũng của các địa phương khác. Người ta gọi hai ông là “anh hùng” trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng.

Trong lá thư gửi về cho ông Lãng, ông Uẩn, ông Lê Quang Miêng (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) viết tặng mấy dòng thơ: 

“Qua đài báo biết hai ông
Chỉ là hai cụ lão nông Thuận Thành
Kiên cường anh dũng đấu tranh
Việc chống tham nhũng đã giành chiến công
Xứng danh hai lão anh hùng
Khó khăn, nguy hiểm quyết không chịu lùi
Cho dù tuổi đã tám mươi
Tinh thần vẫn tựa như người chiến binh
Rắn như thép, vững như thành
Vì Đảng trong sạch, vì dân công bằng
Giá như cán bộ chuyên, hồng
Giống như hai cụ lão nông Thuận Thành...”


Đặt lá thư người ta gọi hai ông là anh hùng xuống bàn, ông Lãng cười lớn và quả quyết nói: “Chúng tôi chỉ là những người bình thường cố gắng thực hiện trách nhiệm của một người công dân, một người Đảng viên của mình mà thôi. Việc chúng tôi làm được thì chắc chắn mọi người cũng làm được.”

Lan tỏa “ngọn lửa” đấu tranh chống tham nhũng

Trong những bức thư gửi về cho hai ông có không ít những người chia sẻ câu chuyện chống tiêu cực, tham nhũng của họ. Thậm chí, có người gửi cả bộ hồ sơ ra nhờ hai ông nghiên cứu, tư vấn. Và cứ như thế, mỗi đoàn người đến, mỗi bức thư về, mỗi cuộc điện thoại lại là một lần những kinh nghiệm, kiến thức có được sau hơn chục năm đấu tranh chống tiêu cực hai ông được chia sẻ, lan rộng đi khắp nơi.

Cầm trên tay cuốn sách Luật Phòng, chống tham nhũng, ông Lãng nói: “Muốn phát hiện sai phạm và tố cáo thì trước hết bản thân phải hiểu luật pháp. Trong quá trình điều tra phải luôn trung thực, cẩn thận… và hơn cả là phải có niềm tin vào lẽ phải, chuẩn bị tinh thần vững vàng vì đây là cuộc chiến khó khăn, nguy hiểm.”

Không biết đến smartphone, không biết đến mạng internet nhưng kiến thức pháp luật nào hai ông cũng nắm rõ, thậm chí hiểu đến cả nghị định, thông tư hướng dẫn. Chẳng thế mà mỗi lần đi tố cáo, hai ông lão đều rất tự tin, không run sợ trước những lời vặn vẹo, những câu hỏi khó về quy định pháp luật.

Cứ đấu tranh chống tiêu cực đến lĩnh vực nào là hai ông lại lọc cọc đạp xe đi tìm mua sách pháp luật về nghiên cứu, dần dần hai ông thuộc làu cả quyển sách luật, nào là Luật Đất đai, Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh người có công… Rồi thì thời sự, tivi nói sửa đổi luật, quy định nào là hai ông lại tìm bằng được để cập nhật kiến thức mới.

Hai ông lão kể lại rằng, một vài năm trước chưa có những quy trình chuẩn về tố cáo tiêu cực, tham nhũng chúng tôi đi tố cáo rất vất vả, không có lịch hẹn làm việc tiếp dân, đơn từ gửi không biết bao giờ được trả lời, nhưng đơn từ tố cáo thậm chị bị lờ, bị ỉm đi.

Ông Uẩn nhớ lại: “Ngày ấy để gửi đơn tố cáo là chúng tôi đạp xe đi từ 3,4 giờ chiều ngày Chủ nhật, mắc võng ngủ ở ngay ủy ban để ngày hôm sau chúng tôi là những người đầu tiên đến làm việc, không phải xếp hàng chờ đợi. Hành trình mang đi chỉ có mỗi tài liệu và nắm cơm với muối vừng, cả tối chúng tôi bàn tính xem ngày mai nên gặp ai, nói những gì để việc tố cáo có hiệu quả.”

Ông Lãng hồ hởi nói: “Bây giờ thì đỡ hơn rồi, pháp luật đã quy định rõ ràng việc tiếp dân, tiếp nhận và trả lời những thông tin chống tiêu cực, thậm chí quy định việc bảo vệ người tố cáo nên việc đấu tranh chống tiêu cực sẽ hiệu quả hơn, ít những vụ việc bị ỉm đi hơn.”

Cả tháng nay, điện thoại, thư từ gửi về để chia sẻ những câu chuyện đang đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Kinh nghiệm được đúc rút trong hơn 10 năm chống tham nhũng, tiêu cực được hai ông lão tận tình chia sẻ. Cứ thế, “ngọn lửa” đấu tranh chống tham nhũng của hai ông lão ở Bắc Ninh đã lan rộng đi khắp nơi. Có lẽ, đó là món quà ý nghĩa nhất đối với hai ông lão. Những nỗi niềm, ước mong được hai ông gom lại trong mấy câu thơ:


“Ước gì trên dưới một lòng
Diệt trừ sâu mọt dân mong từng ngày
Đây là việc phải làm ngay
Để cho đất nước càng ngày càng Xuân
Đàng hoàng to đẹp mười lần
Như lời Bác dạy nhân dân mong chờ”

“Những con người đã đi qua chiến tranh, đau thương như chúng tôi luôn có niềm tin vào Đảng vào Nhà nước, vì thế, trước những câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng chúng tôi biết khuyên họ không có hành động tiêu cực, dù làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật, dựa theo pháp luật mà đấu tranh thì chắc chắn có ngày chiến thắng,” ông Uẩn nói.

Công lý đã chiến thắng, nhưng chắc chắn công cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ còn lâu dài. Ông Lãng bảo, vẫn còn nhiều bất công, nhiều hành vi trục lợi từ việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân, là một người Đảng viên, ông quyết không làm ngơ trước tham nhũng, tiêu cực và sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng để làm trong sạch đội ngũ của Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân vào Đảng, Nhà nước. /.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất