Trong những ngày tháng Năm lịch sử, trong tim mỗi người Việt Nam luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng trân trọng, biết ơn, thành kính nhớ đến Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Đã hơn 40 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trường tồn theo thời gian, tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ.
Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, là lãnh tụ của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19-5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối mọi lễ nghi kỷ niệm. Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan không nên tổ chức vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong khi đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Nhớ về Người là nhớ về tấm gương trong sáng, khiêm nhường, cao đẹp, cả đời vì nước, vì dân.
Khi 21 tuổi, với tên gọi Văn Ba, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nộ lệ ngoại bang. Cuộc hành trình khắp năm châu bốn biển, làm đủ mọi nghề để sống và tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng Việt Nam lên trên hết. Bằng tinh thần tự học, Người đã không ngừng vươn lên trở thành biểu trưng sinh động phong cách sống của một người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, không ham danh lợi. Sự giản dị ở Người đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người.
Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền thời đó.
Trước tình hình đất nước “như ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19-5-1946, lần đầu tiên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức mừng sinh nhật Bác như để biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: Thật ra, mọi người ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình. Những năm sau đó, thường cứ đến dịp sinh nhật, Bác lại thực hiện những chuyến công tác xa để tránh chúc tụng, lễ hội. Cả cuộc đời Người đã hóa thân vào dân tộc và nhân loại!
Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, lần đầu tiên Bác viết: Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút, Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu: “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau. Sinh nhật lần thứ 78, Bác không “vắng nhà” như các năm trước, mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc”. Bác viết thêm một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là phải hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân…
Khi Bác 79 tuổi, tháng 5-1969, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác 80 tuổi vào năm 1970, Bác nói: Đừng tổ chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả...
Sự từ chối lễ nghi của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, Nhà nước trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm nhường, giản dị, cao đẹp của người đầy tớ nhân dân, vì nhân dân. Nhân cách ấy càng làm cho hình ảnh Bác trở nên cao đẹp hơn và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người trở nên vừa lung linh cao quý, vừa gần gũi với dân.
Tháng Năm này tuy Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng, tình cảm thiết tha và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay. Thấm nhuần lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội... Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, làm gương cho cấp dưới noi theo.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1