Đại hội đảng bộ các cấp hầu hết thực hiện 4 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ mới; tham gia góp ý kiến vào dự thảo báo cáo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; bầu cấp ủy khóa mới; bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp. 4 nội dung này đều quan trọng. Mỗi nội dung có ý nghĩa riêng và đều góp phần vào sự thành công của đại hội.
Song, không thể không công nhận nội dung bầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng vì nó dễ nhận thấy sức ảnh hưởng rõ rệt. Chẳng hạn, một đại hội có báo cáo chính trị chưa sâu sắc, chưa có giải pháp hữu hiệu hoặc góp ý vào văn bản cấp trên chưa nhiều thì khó nhận thấy ngay. Nhưng bầu không đủ số lượng cấp ủy theo quy định thì không thể nói đại hội thành công. Hoặc bầu đủ số lượng, nhưng lại để lọt một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy khóa mới thì không chỉ ảnh hưởng trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và thậm chí uy tín của một đảng bộ, một địa phương. Làm tốt công tác nhân sự cấp ủy không thể không kể đến vai trò của người làm công tác tổ chức - cán bộ.
Qua nhiều kỳ hướng dẫn và theo dõi đại hội các cấp, tôi có nhiều điều suy nghĩ và cảm nhận. Song, tôi chỉ xin nêu 3 vấn đề sau:
1. Bầu cấp ủy có số dư
Bầu cử trong Đảng có số dư là một bước tiến của quá trình dân chủ hóa trong Đảng, là cơ hội để lựa chọn những đồng chí xứng đáng hơn vào các vị trí lãnh đạo. Từ những năm 1990 trở về trước, việc bầu cử có số dư hay không không quan trọng, vì ai giữ chức vụ gì đều do Đảng phân công nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Từ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2000-2005 trở đi, việc bầu có số dư dần trở thành nền nếp. Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành theo Quyết định số 77-QĐ/TW ngày 22-6-2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII), tại điểm 4.1, Điều 4 quy định: Thủ tục bầu cử, chỉ nêu: Số lượng các thành viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và BTV phải nhiều hơn số lượng cần bầu. Nhưng tại điểm này không nói là nhiều hơn bao nhiêu. Đến Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 6-12-2004 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, tại Mục C, điểm 3: Về công tác nhân sự và tiến hành bầu cử, đã nêu: Danh sách bầu cử cấp ủy do đại hội quyết định nhưng phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất là 15%. Danh sách những người được BCH cũ chuẩn bị để bầu vào BCH mới phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất là 15%, danh sách bầu vào BTV phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất là 20%; Danh sách bầu phó bí thư nên có số dư. Như vậy số dư đã được quy định rõ ràng hơn và cũng phân biệt số dư bầu BCH với số dư bầu BTV. Cán bộ ban tổ chức (BTC) các cấp có cơ sở để yêu cầu các cấp ủy phải thực hiện theo đúng quy định. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tại Mục 3.4 nêu: Thực hiện bầu cử có số dư và đại hội giới thiệu bí thư cấp ủy nêu rõ: Cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị danh sách nhân sự cấp ủy khóa mới phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất 15%; danh sách bầu cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất 15%; danh sách bầu BTV phải nhiều hơn số lượng cần bầu ít nhất 20%. Chỉ thị số 37 quy định tỷ lệ số dư cũng như Chỉ thị số 46, nhưng đã nêu thành một mục riêng, thể hiện tính quan trọng và bắt buộc các cấp ủy và cán bộ tổ chức khi hướng dẫn phải thực hiện nghiêm túc. Những kỳ đại hội này, cán bộ các vụ theo dõi địa bàn và bộ, ban, ngành gồm Vụ I, II, III, Vụ IV (nay là Vụ V) của Ban Tổ chức Trung ương và cán bộ BTC các cấp khi hướng dẫn, theo dõi đại hội thực hiện rất nghiêm túc quy định này. Những nơi không đạt tỷ lệ về số dư, dứt khoát yêu cầu phải giới thiệu cho đủ. Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Quy chế bầu cử ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9-6-2014 của BCH Trung ương khóa XI; tại điểm 1, Điều 16: Quy định về số dư và danh sách bầu cử có ghi: Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và BTV cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và BTV có số dư từ 10% đến 15%.
Trong Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-8-2014, của BTC Trung ương về công tác nhân sự cấp uỷ tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: Nếu số lượng nhân sự sau biểu quyết của cấp ủy chưa đủ so với số lượng cần giới thiệu để bầu thì hội nghị thảo luận để giới thiệu bổ sung thêm hoặc xem xét điều chỉnh số lượng cấp ủy khóa mới. Điều này thể hiện nếu không giới thiệu đủ số dư thì phải giảm số lượng cấp ủy. Trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, tôi nhận thấy cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ của các cấp ủy đều hướng dẫn thực hiện nghiêm túc quy định này. Song, bên cạnh đó vẫn còn số ít cấp ủy, nhất là cấp cơ sở và chi bộ một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc. Có nơi chỉ giới thiệu đủ số lượng cần bầu, số dư để ra đại hội giới thiệu, nếu đại hội không giới thiệu được thì thôi.
Ngoài việc bầu cử trong Đảng phải có số dư, thì chất lượng giới thiệu số dư cũng cần bàn tới. Theo quy định, các đồng chí được giới thiệu vào danh sách bầu cấp ủy các cấp đều phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn đã quy định và đồng chí nào trúng cử cũng làm được việc. Song, thực tế nhiều đảng bộ chỉ chọn đủ tiêu chuẩn với những đồng chí mà cấp ủy dự kiến trúng cử, còn số dư chọn tiêu chuẩn thấp hơn để làm “quân xanh”. Những đồng chí biết mình được làm “quân xanh” đều có tâm trạng không vui. Nhưng có trường hợp “quân xanh” lại trúng cử nên cấp ủy không biết phân công làm việc gì và nếu phân công cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này cần rút kinh nghiệm.
2. Quan hệ giữa trẻ hóa đội ngũ cán bộ với quá trình cống hiến và kinh nghiệm công tác
Trẻ hóa là cần thiết và đúng theo chỉ đạo của Trung ương. Trong các kỳ đại hội, các chỉ thị và hướng dẫn bao giờ cũng nêu rõ: Việc lựa chọn người để bầu vào cấp ủy phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và bảo đảm tỷ lệ cấp ủy viên là nữ không dưới 15%, tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi không dưới 10%. Nhưng cán bộ trẻ cũng phải qua đào tạo bài bản và trải qua rèn luyện phấn đấu trong thực tiễn. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của BCH Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nêu: Những cán bộ cấp ủy mới phải là những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, được đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện, nhất là những người được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có “sản phẩm” cụ thể. Điều này hầu hết các cấp ủy quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ nên đội ngũ cấp ủy viên nhìn chung đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song vẫn có một số địa phương, đơn vị chưa làm đúng đưa vào cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Trong số đó không ít cán bộ chưa qua rèn luyện trong thực tiễn, chưa có kinh nghiệm xử lý những tình huống phức tạp. Một số dựa vào bằng cấp, một số dựa vào mối quan hệ… song nói chung đều được bổ nhiệm, thăng chức “thần tốc”. Trong khi đó một số cán bộ có năng lực, dày dạn kinh nghiệm, trải qua thực tiễn, tuy cao tuổi hơn nhưng vẫn còn đủ tuổi để bổ nhiệm lại không được bố trí vào các vị trí xứng đáng vì một số cấp ủy lấy lý do phải trẻ hóa cán bộ. Thời gian qua, điều này thể hiện khá rõ với hiện tượng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương. Cũng vì vậy đã có một số bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc các sở, ngành tuổi rất trẻ đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và phải xử lý theo pháp luật. Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ điểm này để không tái diễn trong “mùa” đại hội nhiệm kỳ này.
3. Tổ chức kiểm tra, giám sát và thi hành nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ
Những năm qua, từ Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng đã hoàn thiện, bổ sung nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn cán bộ, quy trình đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của BCH Trung ương khóa XII; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; gần đây nhất là Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý... Song, việc tổ chức thực hiện các quy định này chưa đạt kết quả như mong muốn, thể hiện ở các mặt sau:
Công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật chưa nghiêm. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp bị khiếu kiện, tố cáo nhiều lần nhưng chưa bị xử lý, hoặc xử lý không thỏa đáng. Có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng phải xử lý pháp luật mà trước đó có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm. Có dự án, đối tác nước ngoài bị đưa về nước xử lý nhưng chúng ta lại không phát hiện ra vi phạm. Hoặc có một số cán bộ lãnh đạo có “biệt phủ” hoành tráng giữa vùng nông thôn, có hồ sơ cấp đất sai thẩm quyền, nhưng khi kiểm tra thì tài sản đứng tên con nên không kỷ luật. Mặc dù Đảng ta đã có quy định không đưa những cán bộ có vợ hoặc chồng, con vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cấp ủy các cấp…
Việc đánh giá cán bộ nhiều nơi vẫn chưa thực chất. Tiêu chí rõ ràng nhưng việc đánh giá lại phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm và ý chí của người đánh giá. Tiêu chí không tham vọng quyền lực hay không chạy chức, chạy quyền mỗi người hiểu và đánh giá khác nhau. Có chạy chức, chạy quyền hay không thì chỉ có người chạy và người được chạy mới biết. Ngoài ra còn có các yếu tố nể nang, thân quen, dĩ hòa vi quý, sợ trù úm. Vì thế vẫn có tình trạng để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy các cấp.
Chưa phát huy được vai trò phản biện của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Công tác nhân sự đại hội vẫn làm kín, các công văn về nhân sự đều đóng dấu mật, khi công khai xin ý kiến thì gần như đã “an bài” nên ít người tham gia. Bởi họ cho rằng, có tham gia cũng không thay đổi được. Một số trường hợp có đơn tố giác nhưng cũng không được giải quyết.
Năng lực người cán bộ tổ chức chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao. Người cán bộ nào cũng đều cần có Tâm và Tầm, nhưng người làm công tác tổ chức - cán bộ càng phải có Tâm trong sáng, để nhận xét, đánh giá và đề xuất về công tác cán bộ thật khách quan, chính xác. Dám đấu tranh với những điều sai trái, mặc dù có thể bị thiệt thòi, hoặc nguy hiểm đến bản thân và gia đình. Bên cạnh đó phải có Tầm, phải nắm chắc các chủ trương, quy định, quy trình của Đảng, có phương pháp đấu tranh, mềm dẻo nhưng kiên định, có lý, có tình, đạt hiệu quả. Để làm được điều này, người cán bộ tổ chức các cấp phải luôn tự rèn luyện mình về phẩm chất đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ. Có như thế đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công.
Lê Xuân Lịch