BÀI 2: PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến. Ảnh: TL

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: TL

Tạo sự bình đẳng bền vững trong xã hội

Đường lối của Đảng về bảo đảm bình đẳng xã hội được quy định trong Hiến pháp, các luật, bộ luật chuyên ngành, hệ thống pháp luật và ngày càng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không có vùng cấm hay ngoại lệ.

Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 12, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về Bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án nhân dân quy định: Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

Điều 9, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật quy định: Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành 3 nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 98 nghị định, 207 quyết định. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được rà soát, sửa đổi góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. Xử lý nghiêm minh các sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu, tạo bước đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bình đẳng giới để phát triển bền vững

Điều 7, Luật Bình đẳng giới năm 2006 về Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới quy định: (1) Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. (2) Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. (3) Áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. (4) Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. (5) Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực góp phần tăng lực lượng lao động nữ cả về số lượng và chất lượng. Trong số 2.059 giáo sư, phó giáo sư của cả nước giai đoạn 2019-2023, có 534 giáo sư và phó giáo sư là nữ (chiếm tỷ lệ 26%). Tỷ lệ nữ trong Bộ Chính trị hiện nay là 6,7%. Năm 2023, chỉ số xếp hạng bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022 (có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 25% chỉ tiêu đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022) .

Phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-2024, bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được bốn thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong thời gian qua: Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới như Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030. "Cột mốc này không chỉ chứng tỏ sự công nhận về vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình bền vững mà còn là sự khẳng định về cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng giới trên toàn cầu. Điều này phản ánh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và nhạy cảm hơn về giới đối với hòa bình và an ninh" . Thứ hai là sự tham gia vào chính trị của phụ nữ. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV năm 2021, tỉ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội đã tăng lên 30%, cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn cả trung bình toàn cầu là 25%. Thứ ba là sự tham gia của lực lượng lao động phụ nữ gần bằng với nam giới (72% đối với phụ nữ so với 82% đối với nam giới). Thứ tư, Việt Nam đang hoàn thành vượt qua mục tiêu đặt ra về sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động duy trì và gìn giữ hòa bình. Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình mang lại góc nhìn đa dạng và thể hiện các kỹ năng vô cùng quý giá trước mỗi nhiệm vụ.

Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao đối với các chính sách và thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới cũng như nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới. Ngày 9-4-2024, Việt Nam được Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027, được tín nhiệm sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của Hội đồng trong thời gian tới.

Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Điều 3, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 về Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định: (1) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. (2) Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. (3) Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Việt Nam đã hai lần được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc các nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 với số phiếu cao, chứng tỏ thế giới tín nhiệm Việt Nam bảo vệ quyền con người. Hiện nay, Việt Nam có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số). Trong đó, Phật giáo có hơn 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự, Công giáo có hơn 7 triệu tín đồ và 7.771 cơ sở thờ tự, đạo Tin Lành và đạo Cao Đài xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ. Mỗi năm, Việt Nam có 544 lễ hội tôn giáo, thuộc nhóm các quốc gia có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Lực lượng an ninh và chính quyền các địa phương hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tổ chức các lễ hội quy mô lớn đảm bảo hoan hỉ, an toàn. 

Ở Việt Nam, thành viên các tổ chức tôn giáo được tham gia vào đời sống chính trị xã hội như các công dân Việt Nam khác với số lượng ngày càng tăng. Hiện nay, có 5 vị chức sắc là đại biểu Quốc hội khóa XV; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo là đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ là đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ là đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các hội, đoàn thể khác như: Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Người bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...

Nhân dịp Lễ Thiên Chúa Giáng sinh, Đại lễ Phật Đản, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đến thăm, chúc mừng các vị chức sắc, tín đồ tôn giáo. Lãnh đạo các địa phương cũng đều nhiệt tình thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Bộ đội, công an phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng tôn giáo; cùng các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt các hoạt động chính sách xã hội, thực hiện hiệu quả các phong trào, mô hình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo, xây dựng nông thôn mới, không để ai bị bỏ lại phía sau; giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, sửa chữa đường giao thông liên xã, ấp, vệ sinh môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…

Mục sư Trần Ngọc De (Hội thánh San Jose, Mỹ) chia sẻ: “Tôi làm mục sư ở tại Hội thánh Phú Nhuận sau 30-4-1975 nhiều năm, tôi không thấy công an đến làm khó làm dễ gì tôi cả. Từ khi tôi qua xứ Mỹ cho đến bây giờ là hơn ba mươi năm trôi qua, mỗi lần tôi về và tôi thấy chính quyền bây giờ đối với Hội thánh khác hơn trước kia nhiều: Cởi mở hơn đối với tôn giáo, làm cho tôi muốn về lại quê hương này”(1).

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho các nhóm yếu thế

Nhà nước đã giành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhà nước đã dành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

Điều 5, Luật Trẻ em năm 2016 về Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em quy định: (1) Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình. (2) Không phân biệt đối xử với trẻ em. (3) Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em. (4) Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. (5) Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương.

Khoản 1, Điều 4, Luật Người khuyết tật quy định các quyền của người khuyết tật như sau: a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động được gần 30 tỷ đồng (riêng huy động tiền mặt đạt 59,7% kế hoạch năm và vượt 62% so với cùng kỳ năm ngoái); hỗ trợ cho trên 51.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với các hoạt động cụ thể như hỗ trợ học bổng, xe đạp, tặng quà, xây nhà lớp học, nhà bán trú, thư viện trường…

Ngày 1-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1-7-2024. Việc được tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các đối tượng: trẻ em dưới 4 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS dưới 4 tuổi thuộc hộ nghèo; trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo từ đủ 80 tuổi trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng...

Nhóm yếu thế trong xã hội được cả nước quan tâm có thêm sự động viên, niềm tin và nghị lực sống. Chính phủ tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thực hiện tốt chủ trương nhân văn của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(2).

Kỷ luật nghiêm minh

Ngày 24-11-2023, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII được ban hành nhằm “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo: “Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện”(3).

Ngày 4-12-2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã kết nối từ điểm cầu Trung ương tại phòng họp Diên hồng đến 1.559 điểm cầu (1 điểm cầu cấp Khối, 53 cấp đảng ủy trực thuộc và 1.505 cấp cơ sở) để quán triệt cho một lực lượng đông đảo gần 102 nghìn cán bộ, đảng viên, người lao động.

Ngày 18-1-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Chương trình hành động số 26, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ Khối ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, 38 đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục cụ thể hóa Chương trình hành động của Đảng ủy Khối nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2024; tập trung cao độ hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia năm 2024 (Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam…); thực hiện tốt các chính sách xã hội (Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam…); bảo đảm an ninh năng lượng; củng cố quốc phòng toàn dân; đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, lương thực của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nêu rõ nguyên tắc: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với 6 tháng đầu năm 2023). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án/212 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/39 bị cáo... Nhiều lãnh đạo chủ chốt bị khởi tố, bắt giam… Kết quả thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 71.431 tỷ đồng và 24,9ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với 6 tháng đầu năm 2023).

Quá trình xét xử công khai, công bằng các bị cáo có chức vụ như những công dân khác; thu hồi đất đai, tài sản vi phạm… đã tăng niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật và có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo bình đẳng xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên bị kỷ luật (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý do phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.

Xử lý công bằng các trường hợp vi phạm kỷ luật đảng, không có vùng cấm, ngoại lệ đã có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và tăng cường niềm tin của đảng viên, của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng mối gắn kết giữa Đảng với Nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm định hướng: Thời gian tới, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như trong thời gian qua. Trong đó, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.

Thành tựu từ sức mạnh đoàn kết

Đảng luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chủ trương của Đảng về bình đẳng - kỷ luật - đoàn kết thời gian qua chính là cội nguồn sức mạnh, mang lại nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những kết quả, con số ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây đã minh chứng cho điều đó.

Tại Lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 vào sáng 29-8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Công trình là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà người dân là gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng. Dự án được hoàn thành thần tốc góp phần nâng cao khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc khoảng 2.200MW hiện nay lên khoảng 5.000MW, phát triển hạ tầng trọng yếu về năng lượng như đột phá chiến lược mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đảng ủy Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Hoàng Đức Chính (Ban Tiền phương 3 thuộc Dự án Đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối)

Đảng ủy Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Hoàng Đức Chính (Ban Tiền phương 3 thuộc Dự án Đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối). Ảnh: qdnd.vn

Điều đặc biệt, trong thời gian thi công, các tổ chức đảng đã kết nạp được 8 đảng viên ngay trên công trường, tạo ấn tượng sâu sắc cho đảng viên và quần chúng. Đó là đảng viên Hoàng Đức Chính, chuyên viên Phòng Kế hoạch Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc - một chuyên viên trẻ nhiệt huyết và tài năng, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp tích cực cho Dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối. Đó là người thợ trẻ Nguyễn Xuân Hoàng, Đội Truyền tải điện Đồng Xoài - Truyền tải điện miền Đông 2 đã được Chi bộ Quản lý vận hành đường dây- Đảng bộ bộ phận Truyền tải điện miền Đông 2 kết nạp ngày 19-6-2024, ngay trên công trường thi công lắp dựng cột tại vị trí néo 169 đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối… và nhiều đảng viên khác. Những cố gắng, nỗ lực được ghi nhận, tôn vinh đúng lúc, kịp thời đã tạo động lực to lớn, động viên, khích lệ quần chúng trong đơn vị tích cực noi gương, rèn luyện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Việc thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong thời gian qua cũng đạt nhiều kết quả. Nhất là việc triển khai, thực thi tín dụng chính sách hiệu quả đã thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho đồng bào khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng thành công trong việc huy động vốn, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân để quản lý, giám sát, triển khai nhanh chóng, hiều quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn tín dụng chính sách xã hội hiện nay đạt 373.010 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%; góp phần đưa chỉ số giảm nghèo của Việt Nam theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 14,2% năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023; hướng tới đạt mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Tăng cường đoàn kết quốc tế, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng cao, thu hút bạn bè quốc tế đến du lịch và đầu tư... cũng là những lĩnh vực đạt kết quả rõ nét. Việt Nam hiện có quan hệ hợp tác quốc tế với 194 quốc gia trên thế giới, trong số đó, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với 8 nước. Quốc hội Việt Nam có quan hệ làm việc với cơ quan lập pháp của hơn 140 quốc gia, các tổ chức công của Việt Nam hợp tác với 1.200 tổ chức ngoại giao nhân dân, Việt Nam là thành viên trong 70 tổ chức quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam có mối quan hệ với 253 đảng phái chính trị từ 115 quốc gia.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 Công ty Gallup International mới công bố: Việt Nam tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023, đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát. Trong 7 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Khảo sát gần đây của Ngân hàng HSBC, Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia hàng đầu được chuyên gia nước ngoài chọn để đầu tư. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam hiện nằm trong top 10 điểm đến FDI hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu. Ngày càng nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến để phát triển sự nghiệp. Dòng vốn đầu tư từ đầu năm 2024 đến hết tháng 7 vào Việt Nam ước đạt trên 12 tỷ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây.      

Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, việc thực hiện nghiêm túc đoàn kết - bình đẳng - kỷ luật trong mọi lĩnh vực đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước tiệm cận các mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

(Còn nữa)

 -----

(1)https://btgcp.gov.vn/video/giao-hoi-co-doc-phuc-lam-viet-nam-va-hanh-dao-kinh-chua-yeu-nguoi-post9DR33YWRLp.html

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2021, tập 11, tr. 404.

(3)https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-43-nqtw-ngay-24112023-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-phat-huy-truyen-9940

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất