Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ở TP. Hồ Chí Minh
Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới”.

Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới”.

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam,là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Với vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời hướng đến việc phát triển thành phố ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á trong tương lai theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh thì công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức của Thành phố đáp ứng yêu cầu trên là vô cùng cần thiết. Từ việc xác định yếu tố con người đóng vai trò quan trọng để đạt mục tiêu, thành phố tập trung nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, trong đó có nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.

Đồng bộ các giải pháp

TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chương trình, đề án và văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương về công tác phụ nữ. Đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”Kết luận số 55-KL-TW ngày 18-1-2013 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 Ban Bí thư Trung ương Đảng  “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”,Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đã đề ra; yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ nữ. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, thực tiễn công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo đúng quy định; đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ trong quy hoạch. Qua đó, công tác quy hoạch cán bộ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ nữ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, HĐND, UBND, quy hoạch lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các chức danh chủ chốt. Trên cơ sở các phương án quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng đồng chí, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay đội ngũ cán bộ nữ các cấp của Thành phố cơ bản đã có bước trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản ở các cấp, các ngành đã bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ.

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo 100% cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Chỉ đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Thành ủy; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chính sách về lao động, việc làm, hỗ trợ lao động di chuyển và chính sách phát triển thị trường lao động; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động luôn vượt chỉ tiêu đề ra; ban hành chính sách hỗ trợ nữ công nhân; chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non giảng dạy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố…

 

Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban, Tổ giúp việc Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030_Ảnh:hcmcpv.org.vn

Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh:hcmcpv.org.vn

Khẳng định vị thế, vai trò của cán bộ nữ

Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện về công tác cán bộ nữ; thực hiện nhiều chính sách, chế độ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và bồi dưỡng cán bộ nữ gắn với công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó quy định, cán bộ nữ đi học được trợ cấp thêm 130% mức lương tối thiểu (cán bộ nam được trợ cấp 100%); cán bộ nữ học tại Hà Nội được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí 1.000.000 đồng/tháng (cán bộ nam 750.000 đồng/tháng); cán bộ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi, học tập trung tại Thành phố được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, một số quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, ngoài việc hỗ trợ 100% kinh phí cho cán bộ trong diện quy hoạch học tập nâng cao trình độ, còn hỗ trợ 50% kinh phí cho cán bộ nữ học đại học theo đúng nhu cầu của đơn vị. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn Thành phố đã cử 83/255 (32,55%) cán bộ nữ cán bộ nữ đi đào tạo nữ thạc sĩ, tiến sĩ, vượt chỉ tiêu đề ra; cử 196/428 (45,79%) cán bộ nữ đi học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị.  Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cán bộ luôn được các cấp ủy chú trọng, bảo đảm nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước, tăng từ 30% đến 40%, vượt chỉ tiêu Trung ương quy định. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, quy hoạch cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có 7/17 nữ, đạt tỷ lệ 41,18%; quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 550/1.245 nữ, đạt tỷ lệ 44,17%; quy hoạch các chức danh thuộc diện cấp ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy quản lý có 7.815/17.453 nữ, đạt tỷ lệ 44,78%.

Ban Thường Thành ủy và các cấp ủy tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó xác định, bảo đảm tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và phải có nữ trong ban thường vụ cấp ủy; phấn đấu có cán bộ nữ trong thường trực cấp ủy. Các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy phường, xã, thị trấn phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên là nữ không dưới 30%; ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở không dưới 20% ủy viên nữ.

Đến năm 2023, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp, nhất là tỷ lệ nữ trong thường trực cấp ủy quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đại biếu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ XI có 61 đồng chí, trong đó có 13 cán bộ nữ, chiếm 21,31%; Ban Thường vụ Thành ủy có 16 đồng chí, trong đó có 4 cán bộ nữ, chiếm 25%; Ban chấp hành đảng bộ các quận, huyện,  cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy đạt 27,28% cán bộ nữ; ban thường vụ cấp ủy đạt 25,96% cán bộ nữ. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, TP. Hồ Chí Minh có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 9 đại biểu nữ (30%); HĐND Thành phố có 41/94 đại biểu nữ (43,62%); HĐND TP. Thủ Đức và 5 huyện có 79/209 đại biểu nữ (37,8%); HĐND xã, thị trấn có 665/1.822 đại biểu nữ (36,5%).

Công tác bố trí cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp sở, ban, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức được quan tâm, tỷ lệ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo ngày càng tăng. Đến năm 2023, 20/21 quận, huyện có nữ là lãnh đạo UBND, trong đó có 4 chủ tịch UBND là nữ; 10/21 quận, huyện có nữ trong thường trực quận ủy, huyện ủy; có 87/312 (27,88%) phường xã có chủ tịch UBND là nữ và 59/312 (18,91%). Tính đến cuối năm 2021, có 90% cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội có 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Thành phố có 615/2.034 (30,24%) cán bộ nữ đang đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng cấp sở, ngành và quận, huyện.

TP. Hồ Chí Minh tuyên dương tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong Phong trào thi đua

TP. Hồ Chí Minh tuyên dương tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới gắn với xây dựng người phụ nữ TP. HCM đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc".

Đóng góp vào kết quả chung công tác cán bộ nữ, Hội LHPN Thành phố phố phối hợp các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện hiệu quả 14 đề án, dự án của Trung ương, của Thành phố liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Cùng với việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, quan tâm, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI về khâu đột phá “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương và cấp cơ sở”, Hội Phụ nữ các cấp trong Thành phố đã có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội cấp cơ sở. Theo đó, Hội tập trung rà soát, phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ, đề xuất với cấp ủy quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng, tạo nguồn cán bộ nữ theo quy định; tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa các tầng lớp phụ nữ với người đứng đầu cấp ủy; phối hợp với cấp ủy các cấp tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW  ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương về công tác cán bộ nữ, nguồn nhân sự nữ cho đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt được các cấp Hội chú trọng thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Hội LHPN Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp, mỗi chức danh có từ 2-3 cán bộ dự nguồn, là cán bộ đã có kinh nghiệm công tác, có năng lực thực tiễn, cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy; thường xuyên thực hiện việc luân chuyển điều động cán bộ nữ; mạnh dạn phân công công việc, hướng dẫn, hỗ trợ để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Đến nay, có hơn 16.600 lượt chị tham gia giữ chức chi hội trưởng và trưởng, phó khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân. Trong 15 năm qua, Hội đã giới thiệu 28.304 hội viên ưu tú cho Đảng; có 8.075 chị được kết nạp (28,53%), trong đó có 124 hội viên dân tộc Hoa, 6 hội viên dân tộc Chăm, 226 hội viên là người có đạo, 100 hội viên là tiểu thương, 13 hội viên là nữ chủ nhà trọ và 19 hội viên là công nhân.

Những nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong việc quan tâm công tác cán bộ nữ và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý nữ của Thành phố ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ cán bộ nữ trẻ, cán bộ dân tộc nữ có bước tiến bộ; ngày càng năng động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, phát huy và khẳng định được năng lực, sở trường, kinh nghiệm của bản thân, tham gia đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào cấp ủy, Quốc hội, hội đồng nhân dân, lãnh đạo, quản lý các cấp; tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định. Nhiều phụ nữ đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng; có khả năng tham mưu, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP. Hồ Chí Minh.

Bài học kinh nghiệm

Một là, tạo được sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nữ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Phải nhận thức sâu sắc về công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, cam kết và ràng buộc trách nhiệm của của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.

Hai là, bám sát thực tiễn của đơn vị, địa phương, chủ động tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; phân công cấp ủy phụ trách; mạnh dạn, chủ động, sáng tạo thực hiện những vấn đề mới về chủ trương, giải pháp, chính sách đối với công tác cán bộ nữ.

Ba là, chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ ở tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp, trong đó lấy quy hoạch cấp ủy là cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện, thử thách cán bộ nữ qua thực tiễn; đánh giá, trọng dụng, bố trí đúng cán bộ nữ, tôn vinh nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ nữ.

Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời những vấn đề còn hạn chế, khó khăn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình, tiêu biểu trên các lĩnh vực, đẩy mạnh mở rộng các kênh thông tin truyền thông để tạo sự lan tỏa và đồng thuận trong xã hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất