Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, cùng với cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng không chỉ háo hức đón chào năm mới mà còn háo hức chào đón kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng.
Nếu nói con người là nguồn lực quan trọng, thậm chí quyết định trong phát triển thì bước vào kỷ nguyên mới, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung tham mưu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là nguồn cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý chất lượng cao trong cả hệ thống chính trị sao cho đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới.
Vì thời gian không chờ đợi nên ngay trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng trong cả nước đã phải căng mình tham mưu cho cấp ủy cùng cấp triển khai tổng kết bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-12-2017 “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” với quyết tâm chính trị cao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, “Trung ương nêu gương, địa phương hưởng ứng”…, khác với bảy năm trước khi mới bắt đầu tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW xếp hàng xong có khi vẫn chưa chạy và mọi việc chủ yếu bắt đầu từ cấp tỉnh trở xuống!
Suy ngẫm về nghề, tôi thấy áp lực của người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng ở thời điểm này rất lớn. Bởi thời gian quá cấp bách nên phải vừa chạy vừa xếp hàng và quan trọng hơn là trong khi vừa chạy vừa xếp hàng vẫn phải nỗ lực suy nghĩ thật thấu tình đạt lý để tham mưu, hạn chế đến mức thấp nhất những thiếu sót, bất cập. Nhìn chung, mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh lần này tương tự như mô hình bộ máy cấp Trung ương. Chẳng hạn, Trung ương hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương với Ban Dân vận Trung ương thì ở dưới cũng phải hợp nhất ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy với ban dân vận tỉnh, thành ủy, Trung ương hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ở dưới cũng phải hợp nhất sở tài chính với sở kế hoạch và đầu tư… nhưng không phải lúc nào cũng đều có sự tương ứng như vậy để người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cấp tỉnh yên tâm đề xuất.
Ví dụ, sau khi kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, các ban cán sự đảng và đảng bộ khối các cơ quan ở Trung ương cũng như ở cấp tỉnh, mô hình ở Trung ương sẽ là thành lập mới bốn đảng bộ trực thuộc Trung ương để vừa thực hiện chức năng của một tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, vừa thực hiện chức năng của các đảng đoàn hoặc ban cán sự đảng vừa giải thể thì mô hình ở cấp tỉnh được định hướng để nghiên cứu đề xuất là thành lập mới hai đảng bộ trực thuộc tỉnh, thành ủy. Nếu hiểu sắp xếp không đơn thuần là giảm bớt một cách cơ học mà phải bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau sắp xếp, người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng không thể không suy nghĩ khi mô hình “hai đảng bộ” trực thuộc tỉnh, thành ủy có thể dẫn đến khả năng chưa định vị đúng mức vai trò của HĐND tỉnh, thành phố là “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân” trong tương quan với UBND tỉnh, thành phố là “cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên” (khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 8, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13).
Từ đó người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cấp tỉnh có thể phải nghiên cứu để đề xuất mô hình ba đảng bộ trực thuộc tỉnh, thành ủy: Một đảng bộ bao gồm TCCSĐ của các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh, thành ủy và của các cơ quan tư pháp; một đảng bộ bao gồm TCCSĐ của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thành phố cùng một số doanh nghiệp nhà nước quan trọng; một đảng bộ bao gồm TCCSĐ của HĐND tỉnh, thành phố, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố cùng các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh. Các cơ quan, đơn vị của đảng bộ thứ ba này đều có một chức năng chung là giám sát. Trung ương chỉ mới định hướng đảng bộ quân sự, đảng bộ bộ đội biên phòng và đảng bộ công an tỉnh, thành phố không thay đổi - vẫn trực thuộc tỉnh, thành ủy; chưa đề cập một số đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh, thành ủy - chẳng hạn như Đảng bộ Đại học Đà Nẵng - một đại học khu vực đang phấn đấu trở thành đại học quốc gia theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, cũng là điều mà người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng cấp tỉnh phải chú tâm nghiên cứu để tham mưu. Thiết nghĩ, trên hành trình bước vào kỷ nguyên phát triển mới, các cơ sở đào tạo đại học như Đại học Đà Nẵng, với tư cách là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho địa phương nơi trường đóng, mà còn là trung tâm tri thức và nghiên cứu khoa học quan trọng trên địa bàn, rất cần được tỉnh, thành ủy trực tiếp lãnh đạo về tổ chức đảng.
Tôi làm nghề tổ chức xây dựng Đảng từ năm 1994, từng chứng kiến nhiều cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp tỉnh, chẳng hạn như giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban Kinh tế Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng, chuyển chức năng hai ban này vào Văn phòng Tỉnh ủy và nhất là cuộc chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng vào đầu năm 1997. Thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Khoa học và Công nghệ vào giữa năm 2003 trên cơ sở sắp xếp lại Sở Địa chính - Nhà đất và Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thành Sở Công thương, cùng lúc hợp nhất Sở Văn hóa - Thông tin với Sở Thể dục - Thể thao và Sở Du lịch thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi đôi với thành lập mới Sở Thông tin và Truyền thông hồi giữa năm 2007… Nhưng chưa có cuộc sắp xếp nào khẩn trương và được nhân dân quan tâm, ủng hộ như cuộc sắp xếp trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025 này.
Đối với người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng các cấp - nhất là cấp tỉnh, đây là một cuộc “tác nghiệp kép”, vừa tham mưu cho cấp ủy cùng cấp đánh giá, bố trí cán bộ đi đôi với thực hiện chính sách cán bộ lần này phục vụ cho việc tổng kết bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, vừa phục vụ cho việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Do đó, đòi hỏi phải có phương án kết hợp “mục tiêu kép” ấy trong công tác nhân sự cụ thể. Chính vì thế có người đứng đầu địa phương đang lo rằng thủ trưởng các cơ quan dự kiến hợp nhất hoặc giải thể sẽ bỏ bê công vụ ở thời điểm “nước rút” hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cuối năm 2024 trên địa bàn. Đó cũng chỉ là một khả năng, nhưng khả năng lớn hơn là chính trong bối cảnh “nóng bỏng” này, hơn lúc nào hết thủ trưởng các cơ quan dự kiến hợp nhất hoặc giải thể sẽ thể hiện đạo đức và năng lực công vụ của bản thân ở mức cao nhất có thể để tự khẳng định mình. Người làm tổ chức xây dựng Đảng cần quan sát hiệu quả của sự tự khẳng định ấy để tham mưu cho cấp ủy cùng cấp đánh giá, bố trí cán bộ một cách tối ưu. Đồng thời, phải cảnh giác và kiên quyết nói “không” với động thái mà Tổng Bí thư Tô Lâm gọi đích danh là “thủ thuật tổ chức” để gạt những người mà mình không thích.
Bùi Văn Tiếng
Nguyên UV BTV, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng