Đồng vốn đến tận tay người thụ hưởng
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) mà hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Ví như gia đình ông Tô Văn Mâu ở phường Phổ Hòa thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, cuộc sống gia đình ông chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên thiếu trước hụt sau. Năm 2015, ông được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Năm 2017, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển đàn bò. Đến năm 2020, gia đình ông thoát nghèo. Sau khi thoát nghèo, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Hiện tại, đàn bò của gia đình ông có 10 con, với tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng. “Nguồn vốn chính sách đã đồng hành với gia đình tôi gần 10 năm qua. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Mâu phấn khởi nói.
Cũng nhờ nguồn vốn TDCS, gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong đã vượt qua khó khăn. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo, không có việc làm ổn định, kinh tế bấp bênh. Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò và vay thêm 100 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư trồng 5ha keo, mua thêm dê và gà. Hiện gia đình chị có 2 con bò, gần 50 con dê và đàn gà hơn 100 con. “Nhờ nguồn vốn của NHCSXH đã giúp vợ chồng tôi phát triển chăn nuôi, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập kinh tế gia đình”, chị Hương bày tỏ.
Chị Huỳnh Thị Nương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong cho biết, nguồn vốn TDCS giúp các hộ vay cải thiện cuộc sống khá nhanh, thoát nghèo bền vững. Hiện các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và đến nay, tổ đang quản lý nguồn vốn vay hơn 4,8 tỷ đồng. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, tổ tiến hành họp định kỳ để chia sẻ cách làm ăn, nắm bắt kịp thời nhu cầu của các hộ dân, từ đó có cách giúp họ phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Phổ Vinh cho biết, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhất là từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đã giúp hội viên phụ nữ thực hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả và đem lại thu nhập cao cho người dân, vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng tới làm giàu.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Những ngày đầu năm 2025, dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế từ vốn TDCS, ông Bùi Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Đức Phổ cho biết: Điểm nổi bật sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) ở Đức Phổ là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng, trở thành trợ lực quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có khát vọng vươn lên có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, làm giàu từ đồng vốn nhân văn.
![Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH thị xã Đức Phổ thường xuyên triển khai nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả.](/Uploads/Images/2025/2/8/21/Ban-đại-diện-Hội-đồng-Quản-trị-NHCSXH-thị-xã-Đức-Phổ-thường-xuyên-triển-khai-nhiệm-vụ-kịp-thời,-hiệu-quả.jpg) |
Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH thị xã Đức Phổ thường xuyên triển khai nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả.
|
Trong giai đoạn 2014 - 2024, tổng nguồn vốn từ ngân sách thị xã chuyển sang NHCSXH để cho vay là 19 tỷ đồng. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền luôn xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS. Ông Võ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã Đức Phổ cho biết: Hằng năm, UBND thị xã chỉ đạo chính quyền các xã, phường chủ động rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để cho vay các chương trình TDCS; tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tính đến ngày 31-12-2024, thị xã Đức Phổ đạt tổng dư nợ 464 tỷ đồng với hơn 7.960 hộ dư nợ, tăng so với năm 2014 là 254 tỷ đồng, tỷ lệ tăng là 121%. Đi đôi với tăng trưởng tín dụng là chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao; tổng nợ quá hạn chiếm 0,19% tổng dư nợ, giảm 2% so với năm 2014.
Trong hơn 10 năm qua, vốn TDCS ở Đức Phổ đã giúp cho 66.558 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; xây dựng và sửa chữa hơn 22.000 công trình nước sạch; giải quyết cho hơn 8.000 lao động có việc làm ổn định; hỗ trợ xây dựng 168 căn nhà cho các hộ nhà ở tạm bợ, dột nát; hơn 14.000 học sinh, sinh viên được vay vốn chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng.
Nguồn vốn TDCS đã tác động tích cực, hiệu quả đến một bộ phận lớn người nghèo, hộ gia đình chính sách mà trước đây họ không được tiếp cận do không có tài sản thế chấp. TDCS đã góp phần đáng kể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Thị ủy Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển, Chỉ thị 40 là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính nhận thức và hành động tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân đã giúp nguồn vốn TDCS ở thị xã không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tích cực, hỗ trợ thiết thực hộ nghèo, đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tô đậm thêm một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng.
Có thể khẳng định, vốn TDCS đã đến đúng đối tượng thụ hưởng và được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, khẳng định vai trò trụ cột trong giảm nghèo; từng bước thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giảm nghèo thực chất, hướng tới làm giàu. Đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở Đức Phổ mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn TDCS đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên những vùng quê nghèo khó ngày xưa.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Đức Phổ Bùi Ngọc Hưng nêu quyết tâm: “Trong thời gian tới sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn; tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình TDCS nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ”.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, nâng cao hiệu quả hoạt động TDCS trên quê hương Đức Phổ anh hùng.
Nguyễn Văn Chiến