BÀI 3: THỰC HIỆN PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ NỀN HÀNH CHÍNH
Thể chế được xem là chìa khoá các nguồn lực. Thể chế được khơi thông, hoàn thiện, các nguồn lực sẽ phát huy được hết sức mạnh phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Để thể chế phát huy là “chìa khoá các nguồn lực”, Hà Nội đã, đang và tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực, nguồn lực phát triển Thủ đô, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế vận hành. Thành phố tiếp tục chủ động, sáng tạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khuyến khích năng động, sáng tạo, tự chủ cho các đơn vị, địa phương.
Tăng tính chủ động, tạo bệ phóng cho các địa phương phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII), đề cập phương hướng, giải pháp chiến lược trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Hà Nội xác định đây là một quyết sách mang tính đột phá để phát triển Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính cho cấp huyện.
Ngày 12-9-2022, HĐND TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND “Thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án thể hiện cách tiếp cận với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn Thành phố. Việc phân cấp, phân quyền gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian, thực hiện các quy trình thủ tục. Qua đó, giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Đề án xác định rõ, nguyên tắc phân cấp, phân quyền là phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Việc xây dựng quy định theo tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để cần được thực hiện quyết liệt theo phương châm “từ trên xuống” trên cơ sở đề xuất “từ dưới lên”. Đặc biệt cần tính toán kỹ các tác động đến người dân, việc gì có lợi cho người dân cần ưu tiên làm trước, đặc biệt là những vấn đề dân sinh thiết thực. Thành phố chủ trương đẩy mạnh phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương ở một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi… Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để Thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố tiên phong thực hiện phân cấp, phân quyền. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “nơi nào làm tốt thì giao cho nơi đó”. Thành phố ban hành hệ thống văn bản quy phạm về thực hiện phân cấp tương đối toàn diện ở các ngành, lĩnh vực. Thời gian qua, việc thực hiện phân cấp, phân quyền được Thành phố thực hiện theo nguyên tắc những gì cấp dưới có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, không ôm đồm, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm đúng pháp luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô văn hiến và đô thị đặc biệt. Theo đó, Hà Nội điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện 9 lĩnh vực: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa; công trình xử lý nước thải cục bộ không kết nối được với hệ thống thu gom nước, xử lý nước thải tập trung của thành phố; đầu tư chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông. Các nội dung về phân cấp, phân quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian qua được Thành phố xác định cụ thể dựa trên nhiều yếu tố, như tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai; tăng cường phân quyền triệt để cho cấp huyện phát huy tính tự chủ triển khai nhiệm vụ.
|
Công trình cải tạo, nâng cấp vườn hoa Đại học Công đoàn do quận Đống Đa làm chủ đầu tư sau khi hoàn thành góp phần tạo nên một không gian sinh hoạt xanh, sạch, đẹp.
|
Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền từ quận, thành phố, UBND phường Cát Linh (quận Đống Đa) được UBND quận ủy quyền, phân cấp một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý các cơ sở phòng cháy chữa cháy. Thực hiện chủ trương này, phường Cát Linh trở thành chủ đầu tư của một số công trình hạ tầng trên địa bàn phường. Các đường, ngõ của phường Cát Linh sạch sẽ, nhân dân phấn khởi vì quá trình thực hiện các công trình cải tạo, nâng cấp chất lượng tốt, được nhân dân giám sát chặt chẽ. Theo đồng chí Đinh Quốc Phòng, Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tổ dân phố Hàng Bột, đây là một chủ trương đúng đắn mang lại hiệu quả cao. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên các chương trình, dự án được cấp ủy, UBND phường đưa ra sát với thực tiễn, từ đó tổ chức thi công và quản lý hiệu quả hơn. Chống được lãng phí về tài nguyên, vật tư, vật liệu thông qua sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân. Công trình và dự án đi qua tổ dân phố nào thì tổ dân phố đó bầu ra ban giám sát đầu tư cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, ban giám sát bao gồm thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, Ban Thanh tra nhân dân và của tổ dân phố, là những người có kiến thức về các lĩnh vực thực hiện ở các công trình. Các thành viên ban giám sát được phân công giám sát hằng ngày, đồng thời vận động nhân dân cùng tham gia với phương châm “công trình đi qua nhà người dân nào thì gia đình đó phải trực tiếp tham gia cùng giám sát”. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải thông báo trước 45 ngày để ban giám sát chuẩn bị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh cho biết, trong năm 2024, UBND phường được quận giao làm chủ đầu tư hai công trình. Một là công trình hạ tầng kỹ thuật như cải tạo hệ thống đường, ngõ ở ngõ hàng Bột, ngõ Hàng Cháo… Hai là công trình hạ tầng xã hội cải tạo, sửa chữa một số nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tưởng niệm liệt sỹ… Kết quả cho thấy, khi phường được phân cấp, phần quyền làm chủ đầu tư các công trình, phường sẽ sát sao hơn trong tổ chức thực hiện và quản lý. Khi người dân có ý kiến phản hồi về bất cứ vấn đề gì tại công trình, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ phụ trách ở phường. Phường sẽ họp cùng với cả đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cùng với đơn vị thi công để có phương án giải quyết kịp thời. Các công trình của phường Cát Linh đều đạt chất lượng cao, hiệu quả. Nhân dân ủng hộ, tạo được đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Tại quận Đống Đa, thực hiện phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. UBND quận và UBND 21 phường duy trì thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền và quy trình giải quyết. Hiện nay, 100% bộ phận một cửa ở 21 phường triển khai thực hiện nhóm 5 thủ tục hành chính “không chờ”. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được quận Đống Đa giải quyết trước và đúng hạn
Theo đồng chí Hứa Thị Xuân Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa, sau khi được UBND quận phân cấp, phân quyền, phường đã tiếp cận và triển khai thực hiện các thủ tục hành chính kịp thời và hiệu quả. Được giao làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng, phường phối hợp chặt chẽ với các tổ dân phố, khu dân cư và các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị kỹ thuật khảo sát thực tế, xây dựng phương án và hồ sơ kỹ thuật, đồng thời thành lập ban giám sát đầu tư cộng đồng để giám sát chặt chẽ quá trình thi công. Công bố công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến dự án để người dân cùng giám sát.
Khi được giao làm chủ đầu tư, phường xác định phải bảo đảm về mặt chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Tính hiệu quả thể hiện rõ nét qua nhiều công trình, dự án, trong đó năm 2024, phường Quang Trung được giao thực hiện Dự án cải tạo thoát nước trên địa bàn phường, đây là điểm úng ngập tồn tại rất nhiều năm. Kết quả thực hiện đáp ứng mong muốn nhiều năm của người dân.
Kiến tạo môi trường cho cán bộ dám nghĩ, dám làm
Từ tháng 7-2021, TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường trên địa bàn 12 quận và thị xã Sơn Tây. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thực hiện mô hình thí điểm này, Hà Nội thí điểm Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các loại giấy tờ mà người dân, doanh nghiệp đến nộp tại UBND phường. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động bố trí thời gian giải quyết công việc, được người dân đồng tình, đánh giá cao. Thành phố ủy quyền cho một số cơ quan, đơn vị thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân; ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường và cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tinh thần của cấp ủy, chính quyền TP. Hà Nội khi thực hiện phân cấp, ủy quyền là khi triển khai ủy quyền phải xác định lấy việc phục vụ người dân, giảm thời gian, công sức, đơn giản nhất có thể tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa yêu cầu tăng trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đồng chí Mai Thu Phương, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Cát Linh, việc Chủ tịch UBND phường Cát Linh ủy quyền thực hiện các thủ tục chứng thực và đăng ký hộ tịch đã mang lại sự thuận lợi và nhanh chóng hơn cho công dân. Thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn, công dân không phải chờ đợi lâu, có thể lấy ngay không phải đi lại nhiều lần. Người dân phấn khởi và hài lòng khi được phục vụ nhanh chóng. Điều này đòi hỏi cán bộ tư pháp hộ tịch phải có thêm trách nhiệm và kiêm nhiệm thêm công việc, cán bộ phải chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ cẩn thận để đáp ứng nhu cầu của công dân.
|
Bộ phận “một cửa” UBND phường Cát Linh trong giờ làm việc.
|
Khi UBND phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng cơ quan giúp cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong công việc, nhất là ra quyết định đối với các nhiệm vụ đột xuất và thường xuyên. Việc triển khai vì thế được thuận lợi và nhanh chóng hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND phường, nhất là đối với những việc khó. Bởi lẽ triển khai mô hình này, trong quy chế hoạt động của UBND phường đã quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, có đánh giá việc thực hiện hằng tháng về mức độ hoàn thành, phương hướng sửa chữa, khắc phục sai sót nếu có. Thực hiện mô hình chính quyền đô thị với việc phân cấp, ủy quyền cụ thể đặt ra yêu cầu cán bộ, công chức phải thường xuyên trau dồi kiến thức và có trách nhiệm hơn trong công việc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh khẳng định, để đáp ứng yêu cầu hoạt động theo mô hình này, đầu tiên là cán bộ phải có năng lực, thứ hai là trách nhiệm, thứ ba là trong quá trình làm việc phải có đổi mới sáng tạo.
Đống Đa là một trong những quận nội đô của TP. Hà Nội với mật độ dân số cao nhất thành phố (khoảng 400.000 người), hệ thống giao thông quan trọng, hơn 17.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều trường đại học, cao đẳng, bệnh viện. Với định hướng quy hoạch chung của Thành phố đến giai đoạn 2045, quận Đống Đa tập trung vào các nhiệm vụ tái thiết, chỉnh trang đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để phục vụ cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng quận Đống Đa văn hiến, văn minh, xanh, thông minh, hiện đại. Khi thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, quận Đống Đa chủ động triển khai đồng bộ từ cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm trong quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý và công tác kiểm tra, giám sát, phản biện của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Sau một thời gian tổ chức thực hiện, đến nay trên địa bàn Quận tập trung vào hai nhóm lĩnh vực về thủ tục hành chính và lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đồng chí Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, quận đã tiếp nhận 118 thủ tục hành chính được thành phố phân cấp, phân quyền và quận cũng đã tổ chức phân quyền 57 thủ tục hành chính cho các đơn vị, phòng, ban và UBND các phường với số lượng trung bình một năm hơn 3.000 hồ sơ thủ tục hành chính. Với khối lượng công việc lớn, quận tập trung chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát hệ thống các quy định của pháp luật để xây dựng quy chế quản lý và hướng dẫn cấp phường tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với cấp phường, quận phân cấp thực hiện thủ tục hành chính và tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hệ thống thoát nước, chiếu sáng với mục tiêu giao nhiệm vụ cho cấp cơ sở bảo đảm việc đầu tư cũng như quản lý trong quá trình vận hành sát với thực tế, kịp thời, nhất là với các vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm đồng bộ, lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý trực tiếp theo hướng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin để bảo đảm hiệu quả, chất lượng và tiến độ.
Trước nhiệm vụ mới, khó, mỗi cán bộ, công chức đều xác định tinh thần nỗ lực, trách nhiệm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi cán bộ, công chức phường Quang Trung thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của UBND quận; tự nghiên cứu học tập chuẩn bị điều kiện cần và đủ trước và trong khi thực hiện phân cấp, phân quyền, bảo đảm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không để xảy ra sai sót, đúng quy định pháp luật đồng thời bảo đảm hiệu quả của các dự án đầu tư.
Đồng chí Trần Nhật Thái, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND quận Đống Đa cho biết: Đối với cải tạo và quản lý sau đầu tư vỉa hè đường phố giai đoạn 2016-2021 thuộc thẩm quyền thành phố, giai đoạn đó thực hiện được bảy tuyến phố. Giai đoạn 2021-2025 thực hiện phân cấp lĩnh vực này cho quận Đống Đa, đã tổ chức triển khai được 22 tuyến phố, trong năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, chỉnh trang thêm 7 tuyến phố. Kết quả triển khai chủ trương phân cấp, phân quyền, cảnh quan đô thị của Đống Đa ngày càng khang trang, hiện đại.
Thực hiện phân cấp, phân quyền đã giải quyết được nhiều hạn chế và khó khăn. Trước hết về thời gian thực hiện dự án. Nếu trước đây, những dự án thuộc thẩm quyền Thành phố, giao cho một đến vài chủ đầu tư thực hiện dự án trên toàn bộ thành phố dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư bị kéo dài. Tuy nhiên, khi thực hiện phân cấp đã rút ngắn được khoảng thời gian chuẩn bị và thực hiện đầu tư. Từ đó, hiệu quả đầu tư được nâng lên, chống lãng phí vật tư, vật lực. Rõ ràng, thực hiện phân cấp theo phương châm việc nào mà cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Quận, huyện biết rõ nhu cầu quản lý của địa phương mình, biết rõ tuyến phố nào, vườn hoa nào trên địa bàn cần phải đầu tư, hạng mục nào cần phải thực hiện với hình thức ra sao và đối tượng phục vụ đó là ai.
Bên cạnh việc phát huy được tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt của các địa phương, việc phân cấp, phân quyền đặt ra áp lực về trách nhiệm với đội ngũ cán bộ trong quản lý vận hành các dự án, công trình. Khối lượng công việc giao về quận, phòng, ban chuyên môn, về cơ quan, đơn vị sẽ nhiều hơn. Yêu cầu cao hơn về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức triển khai nhiệm vụ từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện nhất là những lĩnh vực mới, chưa có kinh nghiệm, dễ có rủi ro pháp lý. Tuy có những áp lực, khó khăn nhưng hiệu quả phân cấp, phân quyền ở quận Đống Đa là cơ sở để tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa về địa phương. Khi có chủ trương đúng đắn, sự đồng thuận, nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, đảng viên vì mục đích phục vụ nhân dân sẽ là động lực, tiền đề để Hà Nội tiếp tục thực hiện các quy định, hoàn thiện thể chế vì sự phát triển của Thủ đô.
Điểm lại những thành tựu từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay thấy rõ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có những bước đi đột phá, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Cùng với cả nước, kết quả thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược để Thành phố bước vào kỷ nguyên mới của Thủ đô Hà Nội là phát triển hướng tới “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sớm trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, văn minh của nhân loại; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Diệp Chi