"Ba quyết tâm", "năm sẵn sàng" bảo vệ thành công công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình có công với cách mạng ở Bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Công tác nhân sự Đại hội Đảng - nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Ngày 13-3-2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã có bài phát biểu “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, khẳng định: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định công tác cán bộ chịu sự quy định của đường lối chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị; cho nên đồng thời với chuẩn bị đường lối chính trị phải tích cực chuẩn bị và tiến hành đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ… Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội”.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Công tác nhân sự Đại hội Đảng chính là việc giới thiệu, đề xuất, thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ để lựa chọn, bầu những cán bộ tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong Nhân dân vào cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Ở cấp Trung ương, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng “là nói đến chuẩn bị nhân sự BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. BCH Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc”[1].

Về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, Lê-nin từng cho rằng, khi chủ trương, đường lối, chính sách và nhiệm vụ được Đảng vạch ra một cách đúng đắn, thì kết quả thực hiện hoàn toàn do đội ngũ cán bộ và công tác tổ chức - cán bộ tạo nên. Là người sáng lập và trực tiếp tiến hành công tác chuẩn bị thành lập Đảng, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2], “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[3]. Vượt qua nhiều chông gai, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhất là ở những thời khắc lịch sử mang tính chất quyết định, những tình huống phức tạp, nguy nan, nhiều cán bộ ưu tú mà Đảng ta hết mực chăm lo, vun bồi, nhất là cán bộ cấp chiến lược đã không quản ngại cống hiến, hi sinh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, góp phần không nhỏ xây dựng nên cơ đồ, vị thế, uy tín của đất nước ta như ngày hôm nay.

Những thành tựu xuyên suốt 13 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, hơn 9 thập kỷ lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã minh chứng cho quan điểm vô cùng đúng đắn của Đảng ta khi luôn coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đảng ta xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Do đó, trước mỗi kỳ đại hội, công tác nhân sự là một trong những nhiệm vụ chính mà Đảng ta dày công chuẩn bị, tỉ mỉ, cẩn trọng, bởi đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV: “Việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội”, đồng thời, “công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”[4].

Quan trọng là thế nên công tác nhân sự không hề đơn giản, dễ dàng, không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”, mà luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, áp lực nặng nề; trong đó, đáng quan ngại là những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm tuy đã được Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ, kiên quyết ngăn chặn nhưng chưa hoàn toàn được đẩy lùi. Đó là tình trạng một số cán bộ với tư duy “vật chất hóa” dẫn đến những biểu hiện “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội”[5]. Đó là trường hợp vi phạm nguyên tắc, quy trình, quy định về công tác cán bộ đã diễn ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, dẫn đến bổ nhiệm sai, bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm theo tiêu chuẩn “ngầm” mà dân gian chế giễu là “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Đó là tư tưởng cục bộ địa phương, vây cánh, “lợi ích nhóm” trong nhận xét, đánh giá, lựa chọn, giới thiệu nhân sự..., gây nên bức xúc trong dư luận. Đó còn là hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” của một bộ phận cán bộ có “tài” nhưng thiếu “đức”, nghiêm trọng hơn là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chăm chăm vun vén lợi ích cá nhân, song vẫn che đậy bản chất bằng “vỏ bọc” hoàn hảo, luồn sâu vào quy hoạch, leo cao vào các vị trí, chức vụ trọng yếu của Đảng và Nhà nước...

Những vấn đề tiêu cực này được ví như thứ giặc “nội xâm”, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không quyết liệt xử lý tận gốc sẽ dẫn tới tình trạng “xảy một ly, đi một dặm”, trước là đánh mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, sau là dẫn tới hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, mất chế độ như Lê-nin từng cảnh báo: Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ những người cộng sản tự tiêu diệt chính họ.

Nhìn lại lịch sử của Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX cho thấy, việc lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào các vị trí cấp cao trong Đảng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô-viết của Liên Xô và các nước Đông Âu vẫn là bài học sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay.

Cùng với những khó khăn, thách thức mang tính chất “nội sinh”, công tác nhân sự đại hội Đảng cũng gặp vô vàn trở ngại từ sự chống phá quyết liệt, không ngừng nghỉ của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị (gọi chung là các thế lực thù địch). Chúng nhận thức rất rõ tính chất đặc biệt quan trọng của công tác này đối với vận mệnh của Đảng ta và sự phát triển của Việt Nam, vì vậy đến thời điểm Đảng ta tập trung tiến hành chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng thì chúng lại gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng luôn tận dụng lợi thế “trong tối” để tấn công vào công tác nhân sự của ta, bên cạnh những cách thức “bổn cũ soạn lại”, “bình cũ rượu mới”, chúng không ngừng tìm kiếm sơ hở, bới móc hạn chế, khuyết điểm, sử dụng những chiêu bài tinh vi, âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt để chia rẽ nội bộ, lung lạc niềm tin của nhân dân nhằm đạt mục đích của chúng. Do đó, để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận diện rõ những chiêu trò của kẻ thù để có đối sách phù hợp, hiệu quả.

Thắm tình quân dân; Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

 Nhận diện những chiêu trò

Với mục tiêu làm suy yếu, từ đó lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất cứ chiêu trò tinh vi, âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt nào. Chúng tận dụng tối đa các hình thức trực tiếp kết hợp gián tiếp, trực diện kết hợp “ném đá dấu tay” với “địa bàn” chống phá cả ở không gian đời sống “thực” và “ảo” trên các nền tảng mạng xã hội. Trong không gian “thực”, chúng sử dụng các chiêu trò phổ biến, như:

Lợi dụng, mua chuộc những phần tử bất mãn, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để “gắp lửa bỏ tay người” bằng cách viết đơn thư khiếu kiện, tố cáo nặc danh, mạo danh, sai sự thật nhắm vào cán bộ trong nguồn quy hoạch, có hướng phát triển tốt hòng phương hại đến uy tín cá nhân, bỏ lỡ cơ hội phát triển của cán bộ bởi “chờ được vạ thì má đã sưng” nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Móc nối với những phần tử suy thoái, tham lam trong các cơ quan trọng yếu, cơ mật để mua bán thông tin, văn bản bí mật về nhân sự nhằm xác định mục tiêu nhân sự chúng cần chống phá, tung tin đồn thổi gây nhiễu loạn, thu hút sự chú ý của dư luận. Một số tin tức chúng đưa ra trùng hợp với sự việc trong thực tế khiến một bộ phận người dân lầm tưởng rằng mọi tin tức của chúng là sự thật, là đáng tin mà không cần kiểm chứng. Từ đó, chúng cài cắm thông tin sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc về công tác nhân sự để dẫn dắt thông tin, lợi dụng những người dân và cả một số cán bộ, công chức cả tin; ban đầu là rỉ tai nhau, sau đó “một đồn mười”, “mười đồn trăm”, vô tình tuyên truyền cho chúng mà không biết điều đó gây hệ lụy, hậu quả khôn lường đối với Đảng, với đất nước.

Thế lực thù địch thực hiện âm mưu chống phá từ bên trong nhằm làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. 

Trong không gian “ảo”, kẻ thù thường xuyên tung bài, ảnh, video clip, tin ngắn, tin dài ám chỉ, mập mờ về công tác nhân sự đại hội đăng trên các fanpage, hội nhóm, trang cá nhân thuộc facebook, zalo, youtube, tik tok... Lợi dụng thuật toán của các nền tảng mạng xã hội, chúng trả phí cho cả một mạng lưới chuyên viết bài “câu” like, “câu” view, đồng thời tổ chức lực lượng chuyên “cày” like, “cày” view, tăng tương tác, đẩy tin tức lên “top”, “hot”, thường xuyên xuất hiện trên trang tin của người dùng mạng xã hội, “đập” vào mắt người xem, gây tò mò, hiếu kỳ, nhiễu loạn thông tin để hướng, lái dư luận theo ý đồ của chúng.

Đơn cử như một status mập mờ về nhân sự đăng trên fanpage của nhóm khủng bố Việt Tân cách đây không lâu, sau 7 tiếng đăng lên, đã có gần 4.000 lượt biểu lộ cảm xúc, hơn 2.000 bình luận, hơn 100 lượt chia sẻ. Cũng trên fanpage này, một ngày chúng đăng tải trên dưới 50 status, 50% trong số đó là bàn tán, tung tin về công tác nhân sự đại hội.

Sự chống phá của các thế lực thù địch vào công tác nhân sự của ta là rất quyết liệt, bài bản, có tổ chức, chủ yếu sử dụng ba thủ đoạn sau:

Một là, phỏng đoán nhân sự “tứ trụ”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương khóa XIV như thể chúng “biết tuốt”, dù còn gần một năm nữa mới đến đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng thì còn gần 2 năm nữa mới diễn ra; công tác chuẩn bị nhân sự đại hội vẫn còn đang được chuẩn bị, rà soát, thẩm định, điều chỉnh, bổ sung. Một trong những cách thức mới mà thế lực thù địch sử dụng chính là “cố ý” đồn đoán, đưa ra những cái tên xa lạ với quần chúng, tuổi đời, tuổi nghề trẻ, chưa có cống hiến, đóng góp gì nổi bật, uy tín thấp và khẳng định chắc như đinh đóng cột nhân sự đó sẽ vào Trung ương khóa tới vì đó là con ông A, cháu bác B, sân sau của anh T, đã chạy ghế, dọn đường sẵn… gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận, khuấy lên sự bức xúc trong nhân dân, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước.

Hai là, chúng thường xuyên sử dụng chiêu bài “dương Đông kích Tây”, “châm bị thóc, chọc bị gạo”. Dựa vào việc một số cá nhân vi phạm khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật hoặc tự nguyện viết đơn xin từ chức, thế lực thù địch rêu rao rằng đó là đòn triệt hạ của phe, phóm người này với phe, phóm người kia; bàn tán, phân tích, nâng lên, đặt xuống, so sánh giữa một số nhân sự cụ thể để phân tích xem ai xứng đáng vào vị trí A, B, C hơn, ai sẽ “soán ngôi” vị trí của “tứ trụ”… Chúng ngụy tạo văn bản tuyệt mật bị rò rỉ ra ngoài để lu loa lên rằng “nội bộ Đảng đang thanh trừ nhau dữ dội”; kích bác “các bạn Quân đội có thấy đám quan chức tranh ăn này xứng đáng để trung thành hay không”, chúng “nhai đi nhai lại” những luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ rằng “nội chiến sẽ xảy ra giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân”… Không cảnh giác trước các chiêu trò này, chúng ta rất dễ nghi kị, hiểu lầm, chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ, tạo cho các thế lực thù địch cơ hội để chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng ta.  

Ba là, đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín cao, khó bề tấn công, chống phá, chúng thường dùng cách thức truyền thống “bổn cũ soạn lại”, đánh tráo bản chất sự việc, bịa đặt, thêu dệt, bôi nhọ, nói xấu.

Thời gian qua, thành tựu trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đạt được những ý nghĩa quan trọng nhưng chúng không từ thủ đoạn rêu rao rằng các lãnh đạo của Đảng “dùng việc công để đạt mục đích riêng”, “thanh trừng phe phái trong Đảng”, “triệt hạ dần từng đối thủ chính trị để không còn nhân sự tranh ghế”, “tham quyền cố vị thêm một nhiệm kỳ”... Chúng cố tình “lập lờ” bản chất sự việc bởi nếu nhân sự đó “trong sáng như gương”, tay không “nhúng chàm”, bản thân không phạm lỗi, không mắc khuyết điểm thì chẳng thế lực nào có thể đổ oan, triệt hạ. Đó là chưa kể, tất cả các quyết định xử lý vi phạm của Đảng ta đều được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, có tang chứng, vật chứng rõ ràng.

Có thể thấy, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù chính là từng bước gây hoang mang dư luận, phá hoại uy tín của một số cá nhân, tiến đến phá hoại uy tín của tổ chức, phá vỡ khối đoàn kết trong nội bộ, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức đảng, cản trở công tác nhân sự đại hội và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và Nhân dân ta đạt được, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây bất ổn về chính trị trên đất nước ta để nhằm phục vụ mưu đồ to lớn hơn của chúng.

Nhận diện rõ bản chất, chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn, hình thức, phương pháp, địa bàn chống phá công tác nhân sự đại hội Đảng của các thế lực thù địch là cơ sở quan trọng để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung, biện pháp đấu tranh, bảo vệ công tác nhân sự, góp phần vào thành công chung của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

(Còn nữa)

.................

[1] Nguyễn Phú Trọng - Bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13-3-2024.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 309.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 313.

[4], [5] Nguyễn Phú Trọng - Bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13-3-2024.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất