Ngày 7-5-2024 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (thứ hai từ bên trái) tại Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ IV diễn ra ngày 24-11-2023.
|
Đoàn Việt Nam có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ trương nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước, Việt Nam ủng hộ cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền, nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia, các kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong ba chu kỳ UPR trước.
Việt Nam đang lần thứ hai đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và chuẩn bị tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Vừa qua, phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, đã có gần 140 nước đăng ký phát biểu, đặt câu hỏi trước Phiên đối thoại.
Tại phiên đối thoại, đoàn Việt Nam sẽ đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát UPR trước, cập nhật khuôn khổ chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người, thông tin về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam sẽ thông tin cập nhật tiến độ triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận ở chu kỳ III cũng như các ưu tiên, cam kết của Việt Nam trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam sẵn sàng tham gia đối thoại với các quốc gia trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, xây dựng.
Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, minh bạch, với nội dung toàn diện về tất cả các quyền con người. Báo cáo có sự đóng góp của nhiều cơ quan trung ương và địa phương, qua nhiều vòng tham vấn các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và nhiều cá nhân trong và ngoài nước.
Cơ chế UPR được Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thành lập từ năm 2008 và tiến hành định kỳ 4,5 năm một lần. UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng. Việt Nam đã tham gia đầy đủ các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được. |
Ngọc Anh