Phản bác luận điệu về việc đối xử không công bằng giữa các dân tộc thiểu số
Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc Hiến định, được ghi rõ, cụ thể trong Hiến pháp của Việt Nam

Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc Hiến định, được ghi rõ, cụ thể trong Hiến pháp của Việt Nam

Nhận diện những luận điệu chống phá

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam (với 78,32 triệu người), 53 DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước (1). Địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS là các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung.

Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống dân trí và các hoạt động xã hội. Đặc biệt, các cộng đồng DTTS sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta chú trọng ban hành, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào DTTS hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh tế - xã hội vùng DTTS phát triển chậm, việc thoát nghèo vùng DTTS còn chưa bền vững, khoảng cách giàu, nghèo có xu hướng gia tăng. Lợi dụng những điều này, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã gia tăng những hoạt động xuyên tạc chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào DTTS.

Chúng núp danh, tận dụng các diễn đàn, hội nghị, ra sức viết các bài, tung tin xuyên tạc rằng: Đảng, Nhà nước đối xử bất công bằng, không chăm lo phát triển đời sống đồng bào DTTS, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói; đồng bào DTTS không được tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, không được thực hiện được các quyền chính trị; Đảng và Nhà nước ta không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tiến hành đồng hóa văn hóa để phục vụ mục đích cai trị.

Ngoài ra, nhiều luận điệu hết sức thâm độc khác cũng được chúng tung ra để công kích, vu khống Đảng và Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử, ngược đãi đồng bào DTTS. Từ đó, chúng truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc, mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu trong đồng bào DTTS để chống phá hệ thống chính quyền từ địa phương tới Trung ương; đồng thời tiến hành các hoạt động ly khai, tự trị, thành lập nhà nước riêng.

Các hoạt động gây rối, chống đối, lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch đã kích động tư tưởng tự trị, ly khai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhằm thực hiện ý đồ phá hoại tính cố kết trong nội bộ từng tộc người và khối đại đoàn kết giữa các dân tộc ở nước ta, tạo ra nhiều nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến an ninh quốc gia.

Nguyên tắc “bình đẳng giữa các dân tộc”

Xuất phát từ trình độ phát triển về kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương thực hiện bình đẳng dân tộc, xem đó là một nguyên tắc cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong chính sách dân tộc.

Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc Hiến định, được ghi rõ, cụ thể trong Hiến pháp của Việt Nam: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc… Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”(2).

Bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện ở việc tất cả các dân tộc dù đông người hay ít người, đều có tư cách chính trị - xã hội - pháp lý như nhau trong các quan hệ tộc người, trong quyền hạn và nghĩa vụ đối với đất nước, hay nói cách khác, tất cả các dân tộc đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không phân biệt là DTTS hay đa số, thành phần, chủng tộc, trình độ phát triển.

Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã cụ thể hóa nguyên tắc “bình đẳng giữa các dân tộc” trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đến tháng 11-2020, nước ta đã có 85 luật, bộ luật (với 267 điều khoản), 52 nghị định của Chính phủ, 49 thông tư và thông tư liên tịch quy định các nội dung về công tác dân tộc (3).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (Đắk Lắk) năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (Đắk Lắk) năm 2018. 

Trong các văn kiện của Đảng, nguyên tắc bình đẳng được bổ sung các thành tố tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng tiến bộ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế  - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc nhất là các DTTS”(4).

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(5).

Thực hiện chủ trương phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội đầy đủ và toàn diện đối với vùng DTTS, như: nhóm các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; nhóm các chính sách trợ giúp xã hội; nhóm các chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin), đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Đến nay, nước ta đã thực hiện 118 chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi (6).

Riêng trong lĩnh vực an sinh xã hội, có trên 70 chính sách đang được thực hiện nhằm cải thiện mọi mặt cuộc sống của gia đình nghèo, từ việc tiếp cận dịch vụ, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đến thúc đẩy sản xuất hàng hóa và liên kết thị trường, đào tạo nghề, tham gia thị trường lao động (7) .

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chính sách nhằm bảo đảm và thúc đẩy an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thông qua các chương trình giảm nghèo (Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo vùng DTTS, Chương trình 30a; Chương trình 135); chính sách về giáo dục cho vùng dân tộc như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt từ khi thực hiện Quyết định 134 (2005) đến Quyết định 2085 (2016); chính sách về bảo hiểm y tế với việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo; chính sách phát triển văn hóa - thông tin vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người dân; chính sách hỗ trợ cấp gạo cho các vùng bị thiên tai, thiếu đói…

Như vậy, nội dung của nguyên tắc “bình đẳng giữa các dân tộc”, với tư cách là quyền đã được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, chính sách về dân tộc, thể hiện trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, qua đó từng bước giảm, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa các dân tộc về phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc từng bước được nâng cao.

Những kết quả trong công tác dân tộc thời gian qua

Thời gian qua, Nhà nước ta quan tâm và có chính sách ưu tiên đầu tư đối với các vùng DTTS, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như: phát triển hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình trường học, trạm y tế. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng DTTS, miền núi đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là những tiền đề, điều kiện quan trọng cho phát triển toàn diện, bền vững ở các vùng DTTS và miền núi.

Sản xuất ở hầu hết các địa bàn vùng dân tộc đều phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng bào đã thay đổi phương thức canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống mới có chất lượng năng suất cao. Các huyện, xã đều có điển hình sản xuất giỏi; một số vùng đã có sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, hồ tiêu, cao su (ở các tỉnh Tây Nguyên); chè, lúa gạo, cây ăn quả (ở miền núi phía Bắc); cây ăn quả (ở các tỉnh Tây Nam Bộ). Việc làm và thu nhập của người dân tăng lên. Tỷ lệ hộ nghèo các vùng DTTS giảm rõ rệt, đặc biệt ở những huyện nghèo trong Chương trình 30a (với 3-4%/năm) (8). Đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống của đồng bào từng bước được cải thiện đáng kể.

Công tác giáo dục, đào tạo nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các DTTS đã đạt được những két quả đáng khích lệ. Cơ bản xóa được tình trạng mù chữ và thực hiện phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm gắn với thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Văn hóa các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Thiết chế văn hóa cơ sở nhiều nơi được củng cố gắn với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng lên. Mạng lưới thông tin, phát thanh, truyền hình phủ rộng khắp, giúp người dân tiếp cận được nhiều hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đời sống chính trị, xã hội của đất nước, tiến bộ khoa học - kỹ thuật góp phần quan trọng mở mang dân trí. Các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy góp phần làm phong phú, sống động hơn văn hóa Việt Nam. Nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và một số di sản được công nhận là di sản quốc gia như: Sử thi Đam San - Tây Nguyên, Hát Then - dân tộc Tày, Nùng,…

Công tác y tế có bước cải thiện đáng kể. Mạng lưới y tế ở vùng dân tộc phát triển. Đến nay, nhiều xã đã đạt chuẩn về y tế, có bác sĩ. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng lên, tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được thực hiện đều khắp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được kiểm soát và đẩy lùi như bệnh sốt rét, bạch hầu, uốn ván. Đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định. Đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện đã góp phần nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát ban đầu tỷ lệ sinh tăng tự nhiên.

Lãnh thổ và chủ quyền quốc gia ở các vùng biên giới được bảo đảm. An ninh chính trị và trật tự xã hội trong vùng dân tộc cơ bản ổn định. Hiện nay, đại đa số đồng bào các DTTS tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.Đồng bào đoàn kết, nâng cao cảnh giác, chủ động, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch; đã và đang tham gia tích cực vào quá trình hội nhập với khu vực và thế giới của cả nước.

Tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc “bình đẳng giữa các dân tộc”

Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác dân tộc.

Tiếp tục kiên định, nhất quán nguyên tắc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (9). Các quan điểm này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn bộ hệ thống chính trị, được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp dân cư và phải được thực thi đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực. Mọi chủ trương, chính sách cũng như tổ chức chỉ đạo thực tiễn trong công tác dân tộc cần bảo đảm cho sự phát triển hài hòa của từng tộc người trong sự phát triển chung của đất nước.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến đồng bào DTTS.

Chính sách phát triển các tộc người thiểu số ở Việt Nam cần được hoạch định trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống và hiện trạng phát triển mọi mặt đời sống của các tộc người; cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của bản thân các tộc người, trong đó đồng bào các tộc người thiểu số là chủ thể, là trọng tâm của quá trình phát triển; tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa tộc người; tạo điều kiện, cơ hội cho các tộc người thiểu số nâng cao trình độ văn hóa, năng lực tham gia vào các hoạt động phát triển cũng như được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình của Nhà nước.

Thứ ba, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách dân tộc. Theo đó cần quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả tổ chức thực tiễn công tác dân tộc từ cấp Trung ương tới địa phương.

Thứ tư, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là giao thông, điện, trường học và thủy lợi; gắn với bố trí, sắp xếp lại dân cư, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cộng đồng, nước sinh hoạt, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Tập trung phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, tăng dần mức thu nhập cho người dân; tạo điều kiện và cơ hội giúp đồng bào các DTTS nâng cao mức sống.

Thứ năm, nâng cao trình độ nhận thức của người dân, phát triển văn hóa vùng DTTS.

Cần ưu tiên phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng trí thức DTTS. Tăng cường hiệu quả các chính sách dạy nghề nhằm nâng cao kỹ năng lao động cho người DTTS, nhất là đối tượng thanh niên.

Hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp với đồng bào các DTTS.

Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới trong các vùng DTTS. Tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc gắn liền với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng với xóa đói, giảm nghèo.

(1) https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/ethnic-minorities-and-indigenous-people/; DTTS ở Việt Nam, truy cập ngày 13-4-2024.

(2) Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx, ngày 13-4-2024.

(3) Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11-11-2020 của Ủy ban dân tộc về việc rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170.

(6) https://baophapluat.vn/co-118-chinh-sach-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post324058.html, truy cập ngày 13-4-2024.

(7), (8) Đỗ Thu Hiền - Phan Thu Hằng: “Thực hiện chính sách anh sinh xã hội đối với đồng bào DTTS ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Giáo dục lý luận, số 312 (9-2020), tr.38-42.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170-171.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất