Công cuộc Đổi mới năm 1986 là bước đi sáng suốt, vĩ đại của Đảng và đã đem lại những thành tựu vô cùng lớn lao cho đất nước và Nhân dân Việt Nam. Đến nay, sau 35 năm triển khai, công cuộc Đổi mới đã khẳng định vai trò nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc trong bảo đảm quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, cũng khẳng định “quả ngọt” của sự nỗ lực, bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong những năm qua và cũng là mục tiêu hướng tới trong tương lai.
“Đổi mới” gắn liền với tiến bộ quyền con người
Cùng với thành tựu của công cuộc Đổi mới, tiến trình bảo đảm, phát huy quyền con người của Việt Nam có thể chia ra làm 3 giai đoạn lớn. Đó là giai đoạn những năm tháng đầu khởi động công cuộc Đổi mới, trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, đất nước ta đã chịu tác động không nhỏ từ Chiến tranh Lạnh cũng như phải dồn toàn lực để bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, thành quả cách mạng và đảm bảo an ninh biên giới. Lúc này, mọi sự quan tâm của đất nước đều dành cho việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tính mạng tài sản người dân trước các nguy cơ an ninh từ bên ngoài. Giai đoạn thứ hai, Việt Nam bắt tay vào thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Đại hội VII), chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh thế giới kết thúc Chiến tranh Lạnh, bước vào giai đoạn toàn cầu hóa. Đảng ta đã xác định toàn cầu hóa là dòng thác không thể đảo ngược của thời đại, phải tranh thủ vận hội này để Việt Nam phát triển kinh tế, đẩy nhanh cải thiện toàn diện các quyền cơ bản của con người theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển của xã hội cũng như bản sắc văn hóa. Các mốc son quan trọng đáng kể của giai đoạn này có thể kể đến như việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, tham gia WTO, các tổ chức quốc tế lớn khác… Giai đoạn ba đánh dấu bằng việc thông qua Hiến pháp 2013 với bước tiến mới trong tư duy lập pháp, khẳng định nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời ưu tiên quyền bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.
Việt Nam luôn ưu tiên đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19
Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, đóng vai trò động lực lớn nhất đối với tiến bộ quyền con người (QCN) của Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân chính như sau: Thứ nhất, làn gió đổi mới chủ trương, đường lối… đã thúc đẩy việc ưu tiên nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong tiến trình xây dựng các văn kiện quan trọng của đất nước, được luật hóa và ngày càng hoàn thiện hơn. Thứ hai, trong toàn bộ công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, dành nhiều nguồn lực để hiện thực hóa QCN. Thứ ba, đường lối đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để Việt Nam học hỏi, tiếp thu các thành tựu QCN thế giới, trong đó thực hiện các chuẩn mực QCN phổ quát, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa. Việc là thành viên của nhiều công cước quốc tế về QCN cũng tạo chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy toàn diện các QCN. Thứ tư, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công cuộc Đổi mới đã đem đến sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, tạo những điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, giáo dục, y tế…. Điều này vô hình chung đã cải thiện quan niệm, nhận thức, sự tự ý thức bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Khi từng người dân nhận thức được quyền và lợi ích của mình, cũng là lúc ý thức về nghĩa vụ đối với Tổ quốc, quê hương được phát huy cao nhất, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tự hào những bước tiến dài
Trong 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng tương xứng với sự phát triển của đất nước. Có thể khái quát một số thành tựu nhân quyền của Việt Nam trên hai quyền căn bản là quyền về dân sự - chính trị và quyền kinh tế - xã hội, văn hoá như sau:
Về quyền về dân sự - chính trị: Chúng ta đã có nhiều bước tiến trong việc bảo đảm các quyền về dân sự - chính trị cùng với quá trình xây dựng CNXH, chế độ mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là chế độ tốt nhất bảo đảm QCN cho nhân dân Việt Nam. Từ năm 1991, Đảng ta đã đề ra quan điểm, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, sau đó được cụ thể hóa trong Hiến pháp (riêng Hiến pháp năm 2013 đã dành 1 chương II về QCN). Nhà nước pháp quyền XHCN được khẳng định là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nhân dân làm chủ”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Người dân có quyền tham gia ngày càng sâu sắc vào đời sống chính trị của đất nước; có quyền bầu cử, đề cử, tự ứng cử, phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của người dân thông qua “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống từ cơ sở cho đến cấp Trung ương. Đáng chú ý, người dân đã phát huy cao độ quyền giám sát trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Là thành viên của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Việt Nam luôn tuân thủ thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước. Trong phiên bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ 3 tại Uỷ ban Nhân quyền năm 2019, Uỷ ban đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật và thực thi các quyền dân sự, chính trị.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, tước đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới, Việt Nam luôn ưu tiên bảo đảm quyền sống - một trong những quyền chính trị quan trọng nhất của người dân.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vừa diễn ra là ngày hội non sông, ngày hội toàn dân, là minh chứng rõ nét cho việc thực thi quyền bầu cử, ứng cử của người dân trên khắp cả nước.
Các quyền dân sự, chính trị khác như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét, quyền bầu cử, ứng cử… luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thúc đẩy và được bảo vệ bằng luật pháp. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn sôi động với 26 triệu tín đồ của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, không có xung đột - điều mà nhiều quốc gia đa tôn giáo khác luôn mong muốn. Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, học đạo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo… Việc xây dựng, trùng tu các công trình tôn giáo được quan tâm… Đồng thời, Việt Nam cũng loại bỏ nhiều tà đạo, hủ tục lạc hậu cũng như đấu tranh chống tội phạm lợi dụng tôn giáo, tạo môi trường tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh cho người dân.
Người dân Việt Nam được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét… ngày càng được phát huy. Đến nay, Việt Nam đã có được một hệ thống báo chí rộng khắp trên cả nước, đa dạng loại hình (844 cơ quan báo in, 196 cơ quan báo chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, gần 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp…). Báo chí đã được tạo điều kiện tham gia tích cực, vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực.
Việt Nam là nước có tốc độ phát triển in-tơ-nét cao, hơn 64 triệu người thường xuyên truy cập, chiếm 66% dân số; 62 triệu người sử dụng các mạng xã hội, chiếm 64% dân số… Người dân có thêm các kênh cá nhân để dễ dàng bày tỏ tiếng nói với mức độ tương tác lớn, có thể trực tiếp tiếp cận với cơ quan chức năng trong nước hoặc thậm chí là các tổ chức nhân quyền quốc tế. Mạng xã hội cùng các thiết bị điện thoại thông minh còn phát huy hiệu quả vai trò giám sát của người dân, thậm chí có thể tự do nói lên quan điểm thông qua các ứng dụng trực tuyến.
Về quyền kinh tế - xã hội và văn hoá: Với thành tựu phát triển kinh tế trung bình lên tới khoảng 6% liên tục trong hàng chục năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 tại ASEAN. Trong năm 2020, khi cả thế giới lao đao vì đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Công cuộc Đổi mới đã thúc đẩy sự quan tâm của cả xã hội vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo thống kê chính thức, tính riêng giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo lên tới 93.000 tỷ. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở mức cao: 58,1%, đến năm 2015 giảm còn 9,88% và năm 2020 còn 2,75%. GDP trên đầu người ngày càng tăng, Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình (năm 2020, ước tính GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD).
Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Là quốc gia từng sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu lương thực, thực phẩm, có vị trí cao trong ngành gạo, thủy sản, hoa quả… Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, quan tâm tới “điện, đường, trường, trạm” đã nhanh chóng đóng góp vào phát triển bền vững đất nước. Tốc độ đô thị hóa tăng mạnh (đạt khoảng 40% tính đến năm 2020). Việt Nam có chính sách phát triển cân bằng, đồng đều trên các phân khúc nhà ở, đặc biệt có những chính sách thông thoáng về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay với tiêu chí “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người dân được tạo điều kiện về mọi mặt để có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn; thế hệ trẻ được quan tâm về giáo dục, được rót vốn vào các dự án khởi nghiệp nhằm tranh thủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; các đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…) luôn có những chính sách đặc thù để có điều kiện phát triển bình đẳng.
Với bản chất của một chế độ xã hội ưu việt vì con người, cho con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Cùng với đó, luôn tích cực, chủ động cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về QCN. Nghiên cứu, vận dụng giá trị quốc tế về QCN, đồng thời làm sâu sắc thêm quan điểm, tư tưởng của Đảng trong tôn trọng, bảo đảm QCN thông qua triển khai các quyết sách, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước, chắc chắn Việt Nam sẽ có những bước tiến xa hơn vì sự hạnh phúc của người dân, đồng thời phát huy được vai trò trong giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người.
LHQ đã ghi nhận người Việt Nam ngày càng hạnh phúc hơn, dựa trên đánh giá tổng hợp GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Cụ thể, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, Việt Nam đã được tăng 4 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 83 lên 79. |
Nguyễn Tất Đạt, Thông tấn xã Việt Nam - Lê Thu Hà, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ