Bàn về vấn đề quyền của người chuyển giới

ThS. Trần Thị Thu Thủy - ThS. Lã Minh Trang Trường Đại học Luật Hà Nội

Mỗi người sinh ra đều có quyền có được bản sắc riêng của mình cũng như được xã hội tôn trọng. Do đó, không ai đáng bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính cũng như ngoại hình của mình.

Mỗi người sinh ra đều có quyền có được bản sắc riêng của mình cũng như được xã hội tôn trọng. Do đó, không ai đáng bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính cũng như ngoại hình của mình. Ảnh minh họa. 

Xu hướng bảo đảm quyền của người chuyển giới tại các quốc gia

Khái niệm người chuyển giới (transgender) (NCG) là một khái niệm rộng, dùng để chỉ tất cả những người có bản dạng giới (cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam hay nữ, hay là một giới nào khác), thể hiện giới (cách một người cho thấy bản dạng giới của mình thông qua hành vi, quần áo, kiểu tóc, giọng nói, hay các đặc điểm trên cơ thể người đó) không giống với những chuẩn mực tương ứng với giới tính sinh học của họ. Khái niệm NCG có thể dùng để chỉ những người sau:

Người chuyển đổi giới tính (transexual): là những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học của họ. Thường thì những NCG sẽ thay đổi hay muốn thay đổi cơ thể của mình bằng cách dùng các liệu pháp về hooc-môn, đi phẫu thuật hoặc dùng các phương pháp khác để có thể có một cơ thể giống nhất với giới tính mà họ mong muốn. Có NCG nam (nữ sang nam) và NCG nữ (nam sang nữ).

Người ăn mặc chuyển giới (crossdresser): là những người mặc quần áo không theo đặc trưng giới tính sinh học của họ mà theo đặc trưng của giới kia. Thường những người ăn mặc chuyển giới thấy hài lòng với giới tính sinh học của mình và không muốn thay đổi cơ thể gì cả. Hay nói cách khác, ăn mặc chuyển giới là một cách thể hiện giới chứ không nhất thiết về đời sống tình cảm.

Người biểu diễn ăn mặc chuyển giới (drag queen/king): là những người ăn mặc theo giới kia nhằm mục đích biểu diễn giải trí ở các quán bar, câu lạc bộ, các sự kiện nói chung.

Hiện nay, mức độ thừa nhận quyền của nhóm LGBTQ+ nói chung và NCG nói riêng có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Dựa trên mức độ bảo đảm quyền của NCG tại các quốc gia, có thể chia thành các nhóm như sau: (1) nhóm các quốc gia công nhận đầy đủ quyền của NCG; (2) nhóm các quốc gia phủ nhận quyền của NCG; (3) nhóm các quốc gia công nhận hạn chế quyền của NCG. Ở một số quốc gia, quyền chuyển đổi giới tính không được ghi nhận, hay quan hệ đồng tính được coi là bất hợp pháp, thậm chí được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự của quốc gia đó như Saudi Arabia, Yemen, Nigeria, Sudan và Somalia. Ngược lại, “phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục là hành vi vi phạm” được quy định trong Hiến pháp của Thuỵ Điển, Mexico, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Nepal. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia có xu hướng thừa nhận quyền của NCG ở các văn bản quy phạm pháp luật riêng hoặc lồng ghép vào các luật hiện hành. Ví dụ như, NCG được tham gia quân đội (Ca-na-đa, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đan Mạch…), được tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước một cách bình đẳng (Thái Lan). Sự khác nhau về pháp luật của các quốc gia về bảo đảm quyền của NCG có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố, như: phong tục tập quán, các quan niệm truyền thống, tôn giáo, điều kiện kinh tế xã hội, hay nhận thức xã hội…

Các quốc gia công nhận đầy đủ quyền của người chuyển giới

Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia có quy định đầy đủ và công nhận các quyền của NCG trước pháp luật như quyền đăng ký kết hôn, quyền bình đẳng trong lao động, quyền được hưởng an sinh xã hội một cách bình đẳng, quyền an toàn cá nhân, quyền được bảo vệ đời tư,… 

Thụy Điển là một trong những quốc gia ghi nhận quyền của nhóm LGBTQ+ nói chung và quyền của NCG nói riêng ở mức độ cao nhất thế giới. Các quy định trong pháp luật hiện hành của Thụy Điển thể hiện quá trình thay đổi nhận thức về quyền của NCG được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người.

Từ năm 1972 cho đến nay, Thụy Điển đã có nhiều biện pháp thúc đẩy và bảo vệ quyền của NCG. Hành vi phân biệt đối xử đối với NCG được hình sự hoá từ năm 1987 và ghi nhận tại Hiến pháp Thụy Điển năm 2011. Không những vậy, các hành vi này còn bị cấm ở nhiều lĩnh vực như lao động, giáo dục, quyền được hưởng an sinh xã hội, chăm sóc y tế, tham gia đời sống chính trị… Có thể thấy rằng, những thành tựu của Thụy Điển đạt được khi giải quyết các những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ quyền của người chuyên giới là kết quả của quá trình thể chế hoá triệt để những thách thức liên quan đến đa dạng bản dạng giới, cũng như nâng cao nhận thức về nhóm LGBTQ+ nói chung và NCG nói riêng ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các quốc gia phủ nhận quyền của người chuyển giới

Trái ngược với nhóm quốc gia công nhận quyền của NCG, hiện nay, có một số quốc gia không thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân, NCG bị lăng mạ, bị cấm đoán, bị trừng phạt, thậm chí bị tử hình chỉ vì có xu hướng tính dục khác biệt. Do tôn giáo, phong tục, tập quán truyền thống nên nhóm các quốc gia này kỳ thị, phân biệt đối xử với NCG trong các dịch vụ về y tế, văn hoá, xã hội, hay cấm đóng giả là người khác giới và hình sự hoá các hành vi chuyển giới như Ma-lai-xi-a, Kuwait và Nigeria. Hầu hết, các nước này không có luật chống phân biệt đối xử dựa trên yếu tố xu hướng tình dục và cùng chia sẻ chung đạo luật Hồi giáo (Luật Sharia). Theo Luật Hồi giáo, quan hệ tình dục đồng tính có thể bị tử hình. Ngoài quan hệ tình dục của những cặp vợ chồng đã kết hôn, những quan hệ tình dục khác là bất hợp pháp, không có cơ sở pháp luật nào thừa nhận các hành vi tình dục đó.

Chính sách và pháp luật liên bang và các bang ở Ma-lai-xi-a được thiết kế dựa trên nguyên tắc định chuẩn hoá định tính (heteronormativity), là một nguyên tắc xác định giới tính dựa trên thuyết nhị nguyên giới tính (chỉ có nam và nữ) được giới thiệu bởi Michael Warner.Theo nghiên cứu của Uỷ ban Quyền con người Ma-lai-xi-a, NCG không được thừa nhận trong pháp luật của Ma-lai-xi-a nên nước này không có Luật chống phân biệt đối xử dựa trên yếu tố xu hướng tình dục và bản giới. Hơn nữa, trong lĩnh vực tư pháp hình sự Ma-la-xi-a (hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự), chưa có một quy phạm pháp luật nào đề cập, thừa nhận quyền của người chuyển giới với các đặc điểm riêng biệt, đặc thù.  

Điều 8 Hiến pháp Liên bang Ma-lai-xi-a quy định “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được hưởng sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật” (khoản 1) và “không có sự phân biệt đối xử đối với công dân vì lý do tôn giáo, chủng tộc, nguồn gốc, nơi sinh hoặc giới tính trong bất kỳ đạo luật nào…” (khoản 2). Tuy nhiên, điều 74 Hiến pháp Liên bang cho phép các bang, trong phạm vi quyền hạn của mình, có thể tự đưa ra các quy định về các vấn đề liên quan đến tôn giáo theo Luật Sharia. Theo đó, các bang đã đưa ra nhiều quy định cấm các hành vi “mặc quần áo chéo” hoặc thể hiện giới tính “phi nhị nguyên” đi ngược với quy định Hồi giáo. Như vậy, mặc dù pháp luật liên bang ghi nhận các quyền tự do của cá nhân không phân biệt giới tính nhưng các quy định của các bang cho thấy sự vắng mặt của các thiết chế bảo vệ quyền của NCG.

Các quốc gia công nhận hạn chế quyền của người chuyển giới

Đây là những quốc gia có thừa nhận sự tồn tại của nhóm cộng đồng LGBT nói chung, NCG nói riêng, có quy định về chống phân biệt đối xử với NCG trong các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Hiện nay, các quốc gia theo quan điểm này chiếm tỷ lệ thấp và có xu hướng giảm dần, các quốc gia này có chiều hướng gia nhập các quốc gia có quan điểm công nhận đầy đủ quyền cho NCG.

Ấn Độ là một trong số những quốc gia theo xu hướng này. Hiến pháp Ấn Độ quy định: “Cấm phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, giới tính hoặc nơi sinh: (1) Nhà nước sẽ không phân biệt đối xử với bất kỳ công dân nào chỉ với lý do tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, giới tính, nơi sinh hoặc bất kỳ ai trong số họ; (2) Không một công dân nào, chỉ dựa trên tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, giới tính, nơi sinh hoặc bất kỳ ai trong số họ, phải chịu bất kỳ khuyết tật, trách nhiệm, hạn chế hoặc điều kiện nào liên quan đến: (a) tiếp cận các cửa hàng, nhà hàng công cộng, khách sạn và cung điện giải trí công cộng; (b) việc sử dụng giếng, bể chứa, nhà tắm, đường và nơi nghỉ mát công cộng được duy trì hoàn toàn hoặc một phần từ các quỹ của Nhà nước hoặc dành riêng cho việc sử dụng công cộng”.

Đối với quyền của người chuyển đổi giới tính, kể từ năm 2014, NCG ở Ấn Độ đã được phép thay đổi giới tính mà không cần thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và có quyền lập hiến để đăng ký theo giới tính mà họ mong muốn. Ngoài ra, một số bang bảo vệ NCG thông qua các chương trình nhà ở, phúc lợi xã hội, chế độ hưu trí, phẫu thuật miễn phí tại bệnh viện chính phủ và các chương trình khác được thiết kế để hỗ trợ họ. Tuy nhiên, trên thực tế, cộng đồng NCG tại Ấn Độ (được gọi là Hijras) vẫn không thực sự được bảo đảm quyền lợi của mình. Một báo cáo năm 2018 từ Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ cho thấy, 92% NCG ở đất nước bị loại khỏi các hoạt động kinh tế, gần 100% người được hỏi cho biết họ phải đối mặt với sự từ chối của xã hội. Khoảng 30% NCG chưa bao giờ đi học.

Năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật NCG, nhằm bảo vệ quyền của những NCG và đưa ra các hình phạt cho những hành vi vi phạm họ. Đây là một nỗ lực của chính phủ Ấn Độ để đưa cộng đồng Hijras thành một bộ phận chính của xã hội. Tuy nhiên, cộng đồng NCG cho biết, các hình phạt được đề xuất không đủ răn đe và phản đối việc yêu cầu họ có giấy chứng nhận từ thẩm phán quận để chứng minh tình trạng của họ. Theo đó, để được công nhận là NCG theo Đạo luật, người Ấn Độ phải cung cấp cho thẩm phán quận một báo cáo đánh giá tâm lý từ một bệnh viện công, cùng với bằng chứng rằng họ đã sống chung một nhà trong 12 tháng. “Luật năm 2019 hoàn toàn hà khắc và sẽ vi phạm các quyền cơ bản của NCG và mâu thuẫn với quyền tự nhận dạng theo phán quyết của Toà án tối cao”, Thẩm phán Swati Bidhan Baruah - một trong những thẩm phán chuyển giới đầu tiên của Ấn Độ cho biết.

Như vậy, có thể thấy mặc dù Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng hết sức để bảo đảm quyền lợi cũng như vị thế của cộng đồng NCG trong xã hội. Tuy nhiên để thực hiện được hiệu quả vấn đề này cần phải có sự chuyển đổi cả về pháp luật cũng như xã hội, hay nói cách khác là nhận thức của chính người dân cũng như của cộng đồng Hijras. Sự chuyển đổi về mặt tâm lý chỉ có thể đạt được khi mọi người hiểu được những vấn đề cốt lõi của cộng đồng Hijras và chấp nhận họ.

NCG nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung đã trở thành một bộ phận khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà quan niệm về việc bảo đảm quyền của nhóm người này tại các quốc gia có sự khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người sinh ra đều có quyền có được bản sắc riêng của mình cũng như được xã hội tôn trọng. Do đó, không ai đáng bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính cũng như ngoại hình của mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất