Bảo đảm quyền con người với chính trị
Bảo đảm QCN là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, với nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo hạnh phúc Nhân dân, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013…”, “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”. Quy định này tiếp tục thể hiện đường lối nhất quán của Đảng ta từ khi ra đời đến nay là hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đồng nghĩa với tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân. Do vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả đường lối chính sách, pháp luật phải xuất phát và vì QCN, quyền công dân, chống lại mọi biểu hiện vi phạm QCN, quyền công dân. Đường lối chính sách, pháp luật quán triệt và thể hiện đúng tinh thần này thì uy tín của Đảng, sức mạnh của Nhà nước và hiệu quả bảo đảm QCN được tăng lên.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng qua các thời kỳ, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng, hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn QCN, quyền công dân. Trên cơ sở đó, hệ thống chính trị tự đặt lên vai mình nhiệm vụ cao cả không ngừng nỗ lực phấn đấu bảo đảm, thúc đẩy QCN.
Trong quá trình đổi mới tư duy về chính trị thì nhận thức về QCN như là một thước đo phản ánh đúng đắn nhất quá trình này. Trong thời kỳ vận hành nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhận thức về QCN chưa được thể hiện thực sự rõ nét trong đường lối, chính sách. Trải qua các giai đoạn phát triển, tư duy, nhận thức về QCN ngày càng được mở rộng, theo đó, các QCN được bổ sung, phát triển; các thế hệ QCN mới ra đời cùng với các QCN mới được ghi nhận.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người chứng minh hùng hồn rằng, chế độ nào QCN được tôn trọng, bảo vệ, chế độ đó được người dân tin tưởng, ủng hộ và phát triển bền vững. Và ngược lại, khi mà QCN bị coi thường, không được bảo vệ thì khi đó là nguồn cơn khiến chế độ bị xóa bỏ, thay thế bằng chế độ khác tốt hơn đối với QCN.
Bảo đảm quyền con người với kinh tế
Kinh tế có tác động to lớn đối với toàn bộ xã hội và bản thân mỗi con người. Tuy kinh tế tác động đến con người nhưng chính con người xây dựng nên kinh tế. Mặt khác kinh tế cũng là lĩnh vực thuộc QCN. Do vậy QCN, quyền công dân gắn chặt với kinh tế và giữa chúng có tác động qua lại lẫn nhau. Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa các QCN trong thực tiễn và ở chiều ngược lại, QCN được bảo đảm sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kinh tế.
Bảo đảm QCN tốt đương nhiên là điều kiện để phát triển kinh tế. QCN được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm sẽ làm lành mạnh hóa, thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, giảm thiểu các vi phạm pháp luật, tội phạm về kinh tế. Và ngược lại kinh tế phát triển tạo cơ sở cho QCN được củng cố, mở rộng.
Sở hữu là quyền cơ bản của con người. Vậy nên nếu pháp luật quy định chế độ sở hữu phù hợp với các đối tượng và được bảo đảm thì QCN tất yếu sẽ tốt hơn. Các QCN được bảo đảm là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, QCN bị bó hẹp, bị vi phạm thì mang đến những tổn thất về kinh tế cho nhiều đối tượng khác nhau và theo đó sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế.
Lao động, việc làm, sản xuất - kinh doanh được thúc đẩy cũng chính là thúc đẩy QCN. Kinh tế chỉ có thể phát triển khi quyền làm việc, quyền tự do kinh doanh và các quyền khác có liên quan được Nhà nước, pháp luật bảo vệ.
QCN được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trên các lĩnh vực, như một lẽ tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa.
Bảo đảm quyền con người với văn hoá, xã hội
Các QCN về văn hóa, xã hội được pháp luật quốc tế và các quốc gia ghi nhận và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Môi trường văn hóa, xã hội thuận lợi là điều kiện thúc đẩy QCN. Ở chiều cạnh khác, chính QCN được bổ sung phát triển tạo điều kiện vững chắc cho văn hóa, xã hội được thăng hoa, mở rộng. Mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người là phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng và phát triển con người; đó là tư duy xác định xây dựng, phát triển con người gắn kết chặt chẽ với việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân..
Chủ thể hưởng thụ quyền văn hóa, xã hội là con người, cộng đồng người. Một khi y tế, giáo dục, an sinh xã hội, văn hóa, nghệ thuật được chăm lo đầu tư phát triển thì chính khi ấy QCN, quyền công dân được bảo đảm tốt hơn.
Tuy nhiên, trong xã hội, yếu tố con người là quan trọng nhất. Chính vì vậy, Nhà nước là chủ thể hàng đầu có nghĩa vụ bảo đảm cho người các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội…để con người phát triển toàn diện. Đặt ra các tiêu chí tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN ở mức độ cao hơn cũng chính là mục tiêu, động lực để phát triển văn hóa, xã hội.
QCN được bảo đảm là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, tốt đẹp, trong đó mỗi người được tôn trọng, bảo vệ, yên tâm xây dựng cộng đồng ấm no, tự do, hạnh phúc.
Bảo đảm quyền con người với pháp luật
QCN, quyền công dân được pháp luật ghi nhận. Cũng như bản thân QCN, pháp luật không ngừng vận động và phát triển. Không thể khác được, bước phát triển của QCN cũng kéo theo bước phát triển của pháp luật và ngược lại, pháp luật được sửa đổi, bổ sung cũng chính là tạo cho quyền được thúc đẩy, mở rộng. Chính sách mới về QCN do Đảng đề ra là cơ sở để thể chế hóa thành pháp luật. Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật sẽ ghi nhận thêm các quyền mới của QCN, quyền công dân đồng thời sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa nội hàm một số QCN, quyền công dân.
Các QCN, quyền công dân được bổ sung, phát triển và tất yếu sẽ dẫn đến tăng thêm trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây cũng hoàn toàn phù hợp với quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các đối tượng này.
Bảo đảm quyền con người với con người
QCN là quyền của mỗi con người. Chính sách pháp luật về QCN tác động trực tiếp đến mỗi người cũng như tất cả mọi người.
Con người ngày nay đang có xu hướng tịnh tiến tới công dân toàn cầu bên cạnh việc các QCN là giá trị ngang nhau áp dụng cho tất cả mọi người dù ở bất cứ đâu trên khắp hành tinh này, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội…
Bước phát triển chính sách về QCN chắc chắn tạo cơ sở tốt hơn đối với mỗi người để cho họ phát triển toàn diện hơn, với mức độ cao hơn. Đảng ta xác định, con người là mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.
Theo quy luật phát triển tất yếu khách quan, mỗi bước phát triển của quốc gia dân tộc đều gắn với sự phát triển con người, QCN. Mức độ bảo đảm QCN là thước đo của tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, đối với mỗi quốc gia nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là ưu tiên phát triển con người, tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy QCN, quyền công dân.
Bảo đảm quyền con người với đối ngoại của Đảng, Nhà nước
QCN được cộng đồng thế giới thừa nhận là giá trị chung của nhân loại mà bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy QCN. Uy tín của các quốc gia trên trường quốc tế phụ thuộc nhiều vào kết quả bảo đảm QCN ở chính quốc gia đó.
Ngày nay QCN được coi là một trong những yếu tố cơ bản để các quốc gia xem xét khi tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác với các quốc gia khác. Chính vì lẽ đó, mỗi bước tiến về QCN sẽ là một điểm nhấn thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và giữa quốc gia với các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực.
Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…”; “Tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật,…tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế…”. Như vậy, Đảng ta quyết tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tến bộ có sức cạnh tranh quốc tế trên các lĩnh vực, trong đó có QCN. Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN được tăng cường không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở trong nước mà có ý nghĩa lớn, nâng cao vị thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Bước phát triển về QCN ở Việt Nam cũng chính là góp phần làm phong phú thêm thành quả bảo đảm QCN của cộng đồng nhân loại.
Trong các quan hệ quốc tế ngày nay, QCN luôn là nội dung được đề cập, nhìn nhận đánh giá, là cơ sở để xem xét thúc đẩy giao lưu, hợp tác. Bảo đảm ngày càng tốt hơn QCN cũng chính nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tôn trọng, bảo vệ, thực hiện ngày càng tốt hơn QCN thể hiện rõ nét sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong quan hệ quốc tế và vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của công đồng quốc tế.
PGS, TS. Hoàng Hùng Hải