Bảo đảm quyền con người trước những thách thức từ không gian mạng

Nguyễn Anh Đức Đại học Cảnh sát Nhân dân

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thực trạng lừa đảo trên không gian mạng

Hiện nay, người dùng trên không gian mạng đang phải đối mặt với các hình thức lừa đảo giăng bẫy khắp nơi. Không những thế, các đối tượng lừa đảo còn kết hợp nhiều hình thức khác nhau, sinh ra các tổ hợp biến thể, tạo ra số lượng hình thức lừa đảo rất lớn.

Mặc dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, trong năm 2023 tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Trong năm qua, cơ quan Công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng.

Cũng trong thời gian này, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, ghi nhận gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi đến, trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2024, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin mạng Việt Nam đã tiếp nhận hơn 8.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi đến. 

Theo các chuyên gia, có 2 mục tiêu lừa đảo trực tuyến: 72.6% là lừa đảo trực tiếp vào tài chính; 27.4% là các dạng lừa đảo trực tuyến khác. Các hình thức lừa đảo khác là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính: giả mạo thương hiệu cá nhân, cơ quan, tổ chức chiếm 60,6%; lừa đảo đầu tư (bitcoin, chứng khoán, cờ bạc, game,...) chiếm 14,4%; lừa đảo việc làm, mua hàng online (tuyển CTV, mua bán hàng giả,...) chiếm 11,3%; đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội: 8,2%; các hình thức khác (nhận quà trúng thưởng, tâm linh bói toán, tình cảm...) chiếm 5,5%. Mục tiêu của các đối tượng là chiếm đoạt tài sản.

Tại Tọa đàm "Đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao" đầu tháng 7-2024, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khái quát các giai đoạn của một phương thức lừa đảo trực tuyến, bao gồm: (i) Tiếp cận nạn nhân (thông qua: gọi điện, tin nhắn, thư điện tử, mạng xã hội); (ii) Phương thức lừa đảo (gửi link website lừa đảo, độc hại để đánh cắp thông tin, mã giao dịch; cài ứng dụng (App mobile) độc hại, dẫn dụ vào các OTT để thao túng tâm lý, tác động tâm lý trực tiếp); (iii) Chiếm đoạt tài sản (chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rác, chuyển tiền thông qua các công thanh toán; chuyển tiền thông qua tiền ảo).

Thông tin được Bộ Công an đưa ra tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng mới đây, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi với thủ đoạn tinh vi; lợi dụng công nghệ mới, nhất là AI, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Thống kê riêng năm 2023, thiệt hại trên thế giới lên đến 1.026 tỷ USD, tương đương với 1,05% GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo qui mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin, năm qua Cổng đã ghi nhận 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022; tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Qua đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chỉ rõ hoạt động của đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu đa số là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn nước láng giềng và thực hiện các hành vi phạm tội. Các phương thức, thủ đoạn của chúng rất tinh vi, sử dụng công nghệ Deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng để gọi điện, kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán...

Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em (những người sử dụng điện thoại thông minh, có điều kiện tham gia môi trường mạng nhưng khả năng nhận thức các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp, dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo).Trong năm 2023, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc lừa đảo, với tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 2.500 tỷ đồng.

Công ty An ninh mạng Xin-ga-po Group-IB vừa công bố vụ lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay; chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng. Tình trạng mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng tác động xấu đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên chia sẻ, cập nhật kịch bản, triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, sự sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm. Trong khi đó, người thiệt hại thì đa phần thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức về bảo mật thông tin. Khi trình báo với cơ quan công an về vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân bị mất tiền trong tài khoản.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam phải tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; Bộ sẽ tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng. 

Tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài

Trước tình hình tội phạm mạng hoành hành, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng đã ban hành các qui định, hướng dẫn và đồng hành cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Hiện tại cổng thông tin phục vụ người dân như cổng Không gian mạng Quốc gia (https://khonggianmang.vn) cung cấp các thông tin về an toàn, an ninh mạng hàng tuần, hàng tháng. Định kỳ có các bài phân tích, cảnh báo về các lỗ hổng mới, các kỹ thuật an toàn, an ninh mạng mới. Ngoài ra cổng Không gian mạng Quốc gia cũng có các công cụ miễn phí, các tài liệu hữu ích về an toàn thông tin hỗ trợ người dân, tổ chức kiểm tra các vấn đề về an toàn thông tin cũng như nâng cao nhận thức miễn phí.

Cổng thông tin Dấu hiệu lừa đảo (https://www.dauhieuluadao.com) cung cấp các thông tin liên quan đến các dạng lừa đảo trực tuyến và các nguyên tắc, kiến thức để không trở thành nạn nhân của các kẻ lừa đảo trực tuyến. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam https://canhbao.khonggianmang.vn trợ giúp người dân, tổ chức gửi thông tin cảnh báo về vấn đề an toàn thông tin trên không gian mạng.

Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến” có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương và 108 cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội đã lan tỏa rộng khắp trong xã hội với hơn 2,1 tỷ lượt xem từ 20,85 triệu người dùng.

Tổ chức các chương trình tập huấn cho 9.000 thanh niên trên toàn quốc về an toàn trực tuyến, hỗ trợ người cao tuổi phòng chống thông tin xấu độc trên không gian mạng; chuẩn hoá chuẩn hóa thuê bao (đối soát CSDL dân cư và xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp). Từ ngày 15-4-2024 đã cắt toàn bao những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.

Luôn coi tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, toàn diện, thường xuyên hơn trên các nền tảng (truyền hình, báo chỉ, thông tin cơ sở, mạng xã hội…); hoàn thiện bộ công cụ giúp nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo và nhận biết các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến; cung cấp các công cụ miễn phí để bảo vệ người dân; mở rộng triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng đến các tổ chức tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử; cập nhiệt liên tục Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến Quốc gia.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến, phòng chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo, từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ để bảo đảm an toàn trong giao dịch trực tuyến. Trong đó, chữ ký số là một trong các biện pháp xác thực giao dịch trực tuyến an toàn cho người dân thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hiệu lực của Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ. Việc áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ thúc đẩy các dịch vụ tài chính, ngân hàng trực tuyến và góp phần phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, đồng thời cần sớm hoàn thiện bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến và kiến thức kỹ năng phòng, chống lừa đảo nhằm nâng cao cảnh giác, nhận thức về an toàn khi tham gia các giao dịch trực tuyến cho người dân.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện hơn 3.500 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 2.487 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào các hình thức lừa đảo: tuyển dụng cộng tác viên tham gia kinh doanh buôn bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,7%); các mã độc tấn công người dùng Việt, sử dụng mạng xã hội để lừa đảo (chiếm 17,3%); gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án nhân dân, nhân viên ngân hàng… (chiếm 11,6%); giả danh các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán (chiếm 13,2%)… 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất