Bảo đảm quyền của người bị mất tự do

Khuôn khổ pháp lý quốc tế về quyền của những người bị tước tự do

Hiểu theo nghĩa rộng, tước tự do được hiểu là việc bỏ tù, tạm giam, hoặc hạn chế một phần hay toàn bộ tự do của một người dưới nhiều hình thức khác nhau (như quản bắt, tạm giữ, quản chế, đưa vào trường giáo dưỡng, …). Người bị tước tự do bao gồm nhiều loại đối tượng khác nhau như người đang chấp hành hình phạt tù (phạm nhân), người bị tạm giữ hình sự, tạm giữ hành chính, người bị tạm giam, người bị xử phạt với hình thức quản chế, cấm đi khỏi nơi cư trú, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…

Trên thực tế, người bị tước tự do chỉ bị hạn chế một số quyền con người, chứ không bị tước đi tất cả các quyền con người của họ. Do vậy, ngay cả khi bị tước tự do, họ vẫn phải được bảo đảm các quyền con người mà pháp luật quốc tế và quốc gia ghi nhận, qua đó bảo vệ được nhân phẩm và các giá trị mà họ xứng đáng có với tư cách một con người.

Từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp quốc (LHQ) không ngừng nỗ lực thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc tế về quyền của người bị tước tự do thông qua việc xây dựng một hệ thống các văn kiện quốc tế về quyền con người. Xét về nội dung và cả hình thức pháp lý, các văn kiện này có thể được chia làm hai nhóm chính:

Nhóm thứ nhất bao gồm các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó chứa đựng những qui phạm xác lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người nói chung và quyền của người bị tước tự do nói riêng. Chẳng hạn như Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) 1966, Công ước chống phân biệt chủng tộc 1965 (ICERD), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm (CAT) 1984, Công ước về quyền trẻ em 1989 (CRC),...

Nhóm thứ hai là các bộ quy tắc, nguyên tắc do LHQ thông qua về việc bảo vệ quyền của người bị tước tự do. Các văn kiện này đưa ra các yêu cầu cơ bản của cộng đồng quốc tế về việc đối xử với người bị tước tự do, thể hiện ở những qui định cụ thể ghi nhận quyền của người tước tự do (bao gồm người bị tước tự do nói chung và người bị tước tự do thuộc các nhóm xã hội dễ bị tổn thương), những yêu cầu bắt buộc trong việc quản lý nhóm người này tại nơi giam giữ và đặc biệt là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cán bộ thực thi pháp luật có liên quan.

Tiêu biểu trong nhóm thứ hai là các văn kiện như: Các nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu đối với phạm nhân (1955), Bộ quy tắc ứng xử cho các quan chức thực thi pháp luật (1979), Những nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu về quản lý tư pháp người chưa thành niên (các nguyên tắc Bắc Kinh, 1985), Bộ nguyên tắc của LHQ về bảo vệ tất cả mọi người dưới mọi hình thức giam giữ hoặc bỏ tù (1988), Các nguyên tắc cơ bản về đối xử với tù nhân (1990), Các nguyên tắc của LHQ về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do (1990), Các nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và súng của cán bộ thi hành pháp luật (1990), Qui tắc của LHQ về đối xử với tù nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với phạm nhân là phụ nữ (Nguyên tắc Băng Cốc, 2010), Bộ quy tắc Nelson Mandela về bảo vệ quyền của những người tự tước tự do (2015),…

Có thể nói, các văn kiện nói trên của LHQ đã góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý quốc tế minh bạch và chặt chẽ về quyền của người bị tước tự do, đồng thời là cơ sở tham chiếu quan trọng cho các quốc gia thành viên trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, qua đó thực hiện tốt các cam kết về bảo đảm quyền cho nhóm chủ thể này.

Bảo đảm quyền của người bị tước tự do ở Việt Nam

Là một thành viên có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ chủ động tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, mà còn tích cực thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền của người bị tước tự do.

Thứ nhất, khuôn khổ pháp luật về quyền của người bị tước tự do từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Trên cơ sở các quy tắc hiến định về quyền con người trong Hiến pháp 2013, nhiều văn bản qui phạm pháp luật (như Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật Thi hành án hình sự 2019) đã được ban hành nhằm ghi nhận và bảo đảm thực thi quyền của người bị tước tự do trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Trong đó, đáng chú ý là Luật Thi hành án hình sự 2019 với nhiều quy định không chỉ ghi nhận các quyền cơ bản của người đang chấp hành án với tư cách là chủ thể quyền, mà còn đặt ra những yêu cầu, nghĩa vụ đối với các cơ quan thi hành án - chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền. Những quy định cụ thể của Luật này về chế độ áp dụng đối với phạm nhân như chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế, chế độ đối với phạm nhân nữ và người chưa thành niên… không chỉ thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, mà còn cho thấy pháp luật Việt Nam ngày càng tiệm cận chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa. 

Thứ hai, công tác thực thi pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người bị tước tự do đã được thực hiện tương đối hiệu quả trên thực tế. Trong quá trình thực hiện chế độ giam giữ, các trại giam đều tổ chức phân loại và quản lý giam giữ phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Tại các trại giam do Bộ Công an quản lý, các phạm nhân không chỉ được bảo đảm an toàn về thân thể, mà còn được chăm lo đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền được học tập, quyền giải trí và được hưởng nhiều lợi ích chính đáng khác. Tính đến nay, 54 trại giam thuộc Bộ Công an đã cung cấp số lượng lớn ấn phẩm là kinh sách, kinh thánh, sách thông tin chung về tín ngưỡng tôn giáo, các quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo,… cho các phạm nhân là người theo tôn giáo (hơn 12.000 người), tạo điều kiện cho họ sử dụng các ấn phẩm này trong quá trình chấp hành án trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng trại giam cũng như đặc điểm của từng tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, các phạm nhân còn được tạo điều kiện hiện thực hóa quyền về giáo dục và quyền về văn hóa trong thời gian chấp hành án phạt tù. Một số phạm nhân còn được tham gia học nghề ngoài trại giam nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Thứ ba, việc bảo đảm tốt quyền của người bị tước tự do tại các cơ sở giam giữ đã góp phần giúp các phạm nhân nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm mà họ từng phạm phải trong quá khứ, khơi gợi lòng tự trọng và khuyến khích mỗi cá nhân hình thành ý thức pháp luật tốt hơn, từ đó nỗ lực cải tạo hơn nữa để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tế cho thấy, đối với những phạm nhân cải tạo tốt, được đặc xá và trở về địa phương ổn định cuộc sống, tỷ lệ tái phạm tội là không đáng kể. Rõ ràng, khi quyền con người của người bị tước tự do được bảo đảm tốt tại các cơ sở giam giữ, khi nhân phẩm của họ được tôn trọng đúng mức thì khả năng họ trở thành người lương thiện khi được trả tự do và tái hòa nhập cộng đồng sẽ ngày càng cao.

Bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tước tự do

Tuy hệ thống pháp luật đang từng bước hoàn thiện nhưng vẫn còn một số bất cập trong việc nội luật hóa các quy định theo các điều ước về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; mặt khác vẫn còn hiện tượng xâm phạm quyền của người bị tước tự do. Trong khi đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng chống phá, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền của người bị tước tự do nói riêng. Để khắc phục những khó khăn, thách thức, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quyền con người nói chung và quyền của người bị tước tự do nói riêng. Trên cơ sở Hiến pháp 2013, tiếp tục nghiên cứu ban hành các văn bản qui phạm pháp luật mới, bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi những qui định của pháp luật hiện hành về quyền của người bị tước tự do phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho bảo đảm quyền của người bị tước tự do. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới với việc đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật và chú trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Hai là, nâng cao nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật về vấn đề quyền con người. Đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật là những người đại diện cho cơ quan nhà nước trực tiếp tham gia bảo đảm quyền của người bị tước tự do thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Do đó, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị tước tự do cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, giúp họ có nhận thức đúng đắn về vấn đề bảo đảm quyền con người, từ đó có những hành động phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của người bị tước tự do.

Ba là, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của người bị tước tự do nói riêng ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh việc xây dựng các diễn đàn chính thống tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước, cần huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội cùng đóng góp tiếng nói chung vào việc vạch trần các thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch cũng như đưa ra những phản biện sắc bén, đạp tan những luận điệu sai trái này.

Bảo đảm quyền của người bị tước tự do là một phần quan trọng trong công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay và là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân. Làm tốt công tác bảo đảm quyền của người bị tước tự do không chỉ khẳng định năng lực của hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự trong nước, mà còn góp phần xây dựng và củng cố hình ảnh, uy tín của nước ta khi tham gia các cơ chế nhân quyền quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất