Nâng cao hiệu quả truyền thông về quyền con người tại Việt Nam
Tăng cường truyền thông chính sách về quyền con người

Tăng cường truyền thông chính sách về quyền con người, với mục tiêu lấy con người làm trung tâm. Ảnh minh họa.

Truyền thông chính sách và truyền thông quyền con người

Theo đề án 1079, truyền thông quyền con người bao gồm: (1) Hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả; (2) Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài; (3) Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.

Ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lí hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Truyền thông chính sách (TTCS) và truyền thông quyền con người (TTQCN) đều tập trung phục vụ cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển; và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.

Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Mọi chủ trương, chính sách phải hướng đến người dân, người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật - tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ - phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đích đến cuối cùng là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, .

TTVQCN bao gồm 5 nội dung xác lập tại Đề án 1079, trong đó 2 nội dung: Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người (QCN), kết quả nội luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về QCN, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập; Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm QCN trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau, những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển QCN của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Về bản chất, 2 nội dung này cũng bao gồm việc TTCS của Đảng, Nhà nước và thực tiễn thực thi chính sách.  

Đề án 1079 nêu rõ nội dung truyền thông luật pháp quốc tế về QCN, trong đó đặc biệt quan tâm tới 7 công ước quốc tế cơ bản về QCN mà Việt Nam là thành viên. Nội dung này xuất phát từ thực tiễn tính chất toàn cầu, phổ quát của QCN mà khi TTQCN cần phải soi chiếu và các chuẩn mực, pháp lí phổ quát về QCN. Về bản chất, quá trình xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay không thể thiếu giai đoạn nghiên cứu khả thi, kinh nghiệm quốc tế và các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, về bản chất nội dung của 2 công tác truyền thông này không khác nhau, trong đó, TTVQCN được qui định theo Đề án 1079 chi tiết, cụ thể hơn.

Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Nghị định 09/2017/NĐ-CP và Nghị định 72/2015/NĐ-CP là các sở cứ quan trọng, chủ yếu cho công tác TTCS và TTVQCN, được qui định rõ trong Đề án 1079 cũng như Đề án 407 về TTCS.

TTQCN cũng vậy và được nêu rõ trong Đề án 1079 ở phần quan điểm là “Công tác tuyên truyền về QCN là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về QCN là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác QCN của các cấp, các ngành. Công tác bảo đảm và thúc đẩy QCN đạt kết quả tốt là điều kiện quyết định để công tác TTVQCN đạt hiệu quả tốt”. Một trong trong 5 mục tiêu của Đề án 1079 cũng là “100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kì cho báo chí về công tác QCN theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác QCN kịp thời và tương xứng với các nỗ lực và thành tựu đảm bảo QCN của các cơ quan chức năng nói riêng và cả nước nói chung”.

Những yêu cầu mới trong kỷ nguyên số

Hiện nay, truyền thông số phát triển mạnh mẽ thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của người dân, mang theo cả các lợi ích và mặt trái, buộc các lực lượng làm công tác truyền thông phải luôn cập nhật, nâng cao kỹ năng, hạn chế tối đa tác hại. Nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông") ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh, đối ngoại… có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lí truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm TTCS chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…

Do đó, cần thống nhất trong tư duy tiếp cận về TTCS: TTCS thuộc chức năng của chính quyền, là nhiệm vụ của chính quyền. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh, là phương thức, là công cụ tuyên truyền cho chính sách mới, nhưng gốc vẫn là việc hoạch định chính sách. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Cụ thể đối với TTQCN, cần xác định rõ các bộ, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ cũng như sở, ngành thành viên các Ban Chỉ đạo Nhân quyền địa phương nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung có trách nhiệm TTQCN, truyền thông về quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách với trung tâm là phục vụ nhân dân - lấy con người làm yếu tố trung tâm.

Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về TTCS, TTQCN, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp. Hiện tại mới có 10 bộ và 24 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 1079.

Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình TTCS, TTQCN một cách hiệu quả. Công tác quản lý báo chí chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng. Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách. Phải khẳng định rằng không phải sự cố "khủng hoảng truyền thông" nào cũng có nguyên nhân từ báo chí. Do đó, cần thiết các địa phương cũng như các bộ, ngành Trung ương quan tâm đúng mức, giao nhiệm vụ tương xứng, đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ.

Công tác truyền thông có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Một số cơ quan chưa biết cách làm công tác này. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, qui định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lí cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách. Đây là các khâu yếu cần khắc phục mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền và các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục duy trì công tác tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông cho các lực lượng.

Cần khẳng định các lực lượng truyền thông như các cán bộ làm công tác QCN ở Trung ương và các địa phương, cơ sở là lực lượng nòng cốt trong triển khai công tác TTCS và TTQCN. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang giao các đơn vị chức năng thực hiện việc hướng dẫn, cầm nhịp, hỗ trợ các địa phương trong triển khai công tác truyền thông. Các đại biểu của Ban Tuyên giáo các tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, Công an các tỉnh - thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của địa phương và cơ quan báo, đài các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với các đơn vị chức năng của Bộ, Ban Chỉ đạo Nhân quyền để truyền thông thỏa đáng về chính sách và thành tựu QCN ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đại hội Đảng XIII và các văn bản pháp luật hiện hành về tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hỗ trợ đắc lực cho tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất