|
Ảnh minh hoạ
|
Thực trạng bảo đảm quyền hụ nữ trên không gian mạng
Quyền phụ nữ phản ánh đặc thù giới tính của phụ nữ. Theo hai nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng, là giảng viên trường Đại học Illinois là Charlotte Bunch và Samntha Frost: “Quyền phụ nữ là những quyền con người của phụ nữ thông qua lăng kính giới”. Theo đó, quyền phụ nữ là các quyền con người nhưng nó phản ánh đặc thù về giới tính của phụ nữ. Điều này được nhìn nhận dựa trên đặc điểm về mặt sinh học - “lăng kính giới”.
Bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng (KGM) chính là những hoạt động cần phải làm để bảo đảm và nâng cao nhận thức của phụ nữ nói chung và toàn thể xã hội trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM, bao gồm:
(i) Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lí các hành vi xâm hại phụ nữ trên KGM: các hoạt động nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của phụ nữ; hạn chế sự tiếp cận và lan tỏa các thông tin, hình ảnh, video của phụ nữ trên các trình duyệt trang web đen, đồi trụy, hình ảnh, video mang tính khiêu dâm; ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng kẻ xấu làm quen trên mạng xã hội dẫn đến hiện tượng bắt cóc phụ nữ, chat sex; phòng và chống việc đưa tin thiếu chuẩn xác trên mạng in-tơ-net ảnh hưởng đến quyền của phụ nữ; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lí những hành vi lợi dụng, ép buộc phụ nữ sử dụng KGM để thực hiện những hành vi nguy hại cho chính bản thân phụ nữ, xâm phạm đến quyền phụ nữ (ví dụ như việc ép buộc phụ nữ, lợi dụng phụ nữ, lợi dụng hình ảnh của phụ nữ mà không có sự tự nguyện trong việc livestream bán hàng với phong cách hở hang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; ép, lợi dụng phụ nữ phát ngôn, quay các clip nguy hại cho chính bản thân mình trên KGM với mục đích câu view)...
(ii) Hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận được các thông tin hữu ích và có tính giáo dục trên KGM, như giáo dục kiến thức, hướng dẫn kĩ năng an toàn, kĩ năng sử dụng Internet, kĩ năng tiếp cận thông tin, kĩ năng kiểm soát thông tin, cảm xúc... cho phụ nữ khi tham gia môi trường mạng.
(iii) Trợ giúp những đối tượng phụ nữ có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần như phụ nữ khuyết tật; phụ nữ, trẻ em gái bị mất môi trường gia đình; phụ nữ, trẻ em gái bị bóc lột trái pháp luật; phụ nữ, trẻ em gái bị ép buộc tham gia mại dâm qua KGM… Việc ưu tiên đến nhóm đối tượng này là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo ra môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia, hòa nhập cùng với cộng đồng.
Thực trạng xâm phạm quyền phụ nữ trên KGM thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp. Xuất hiện khá nhiều loại tội phạm trên KGM mà đối tượng nhắm đến là phụ nữ với các hành vi như: xâm nhập trái phép, bất hợp pháp hoặc đánh sập mạng máy tính, ăn cắp thông tin, cướp, chiếm đoạt tài sản số hóa hoặc tài sản thực tế qua công cụ số; lừa đảo, phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy, gửi nội dung khiêu dâm, lừa đảo tình dục, tống tiền bằng nội dung riêng tư nhạy cảm, chăn dắt tình dục, mua bán người vào mục đích tình dục. Hành vi bắt nạt có thể diễn ra ở bất kì đâu và với nhiều hình thức khác nhau như xúc phạm, lăng mạ; gây rối, đeo bám; phao tin bịa đặt; giả danh; xâm phạm, xuyên tạc đời tư; lừa dối; cô lập, tẩy chay.
Tình trạng xâm hại trẻ em gái nói riêng, trẻ em nói chung vẫn diễn ra hết sức phức tạp trên KGM. Theo Báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lí phát triển bền vững năm 2022, tại Việt Nam, các em nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng in-tơ-net, đặc biệt là bị nghiện in-tơ-net (60,9%).
Theo Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF năm 2019, có 170.000 người tại 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực; 21% thiếu niên Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ hỗ trợ, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng.
Chương trình y tế số của Nhà nước chưa quy định chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số cho hỗ trợ sức khỏe sinh sản và cho đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa. Những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ sở có khả năng tài chính và kĩ thuật hạn chế thì mức độ sẵn sàng và chấp nhận ứng dụng y tế số thấp hơn.
Việc làm của phụ nữ dần bị thu hẹp khi các việc làm truyền thống có tỉ lệ tham gia của lao động nữ lớn như ngành dịch vụ dần thay thế nhân lực bằng các dịch vụ trực tuyến hiệu quả hơn.
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương năm 2022, tại Việt Nam, tính chung có tới 58% số tổ chức, doanh nghiệp có lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi số. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tỉ lệ doanh nghiệp có lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi số lên tới 83%. Lĩnh vực giáo dục và giao thông vận tải - logistics có 50 - 60% số đơn vị có lao động nữ bị ảnh hưởng. Thấp nhất là trong lĩnh vực y tế với 33% số cơ sở y tế bị giảm số lượng lao động nữ.
Làn sóng khởi nghiệp của phụ nữ trẻ tạo nhu cầu huy động vốn lớn mà việc tiếp cận tài chính và tín dụng vẫn là một thách thức đối với phụ nữ dù đã có chính sách không phân biệt đối xử. Việc thiếu các dịch vụ tài chính có thể chi trả là một vấn đề đối với hầu hết các hộ sản xuất nhỏ, nhưng lại mang tính chất đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ vì họ thường thiếu tài sản thế chấp nhằm tiếp cận được các khoản vay. Việc tăng cường minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lập kế hoạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà cung cấp tiềm năng và gia tăng chất lượng của hồ sơ dự thầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Giải pháp bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng
Xây dựng pháp luật là phương thức vô cùng quan trọng và hiệu quả đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung và bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM nói riêng nhằm tạo ra khung pháp lí quy định rõ các chủ thể có nghĩa vụ và quyền hạn thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM.
Theo đó, Nhà nước cần phải có các quy định cụ thể về bảo vệ phụ nữ trên các phương diện: mạng in-tơ-net; cơ sở dữ liệu, mạng viễn thông…; quy định rõ các chủ thể có trách nhiệm trong việc bảo vệ, nội dung, phương thức bảo vệ.
Song hành với đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các thông tư quy định chi tiết. Ở phương diện mạng in-tơ-net, nhà nước đã và đang có nhiều văn bản quy định vấn đề này như Luật An ninh mạng… Tuy nhiên, cần phải có văn bản hướng dẫn việc sử dụng các nền tảng trên KGM, quản lí định danh tài khoản, dữ liệu và hệ thống máy chủ ở Việt Nam, kiểm soát việc đăng tải thông tin, loại bỏ thành phần xấu trong xã hội…. để từ đó có cơ sở pháp lí để bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM.
Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên KGM. Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng KGM để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của con người, trong đó có quyền phụ nữ. Bộ Quy tắc ứng xử trên KGM nói chung hay Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ quyền của phụ nữ trên KGM nói riêng ra đời đều góp phần đưa ra các chuẩn mực hành vi, ứng xử cho người dùng trên KGM để bảo vệ phụ nữ trước những nguy cơ tiềm ẩn; hướng dẫn, thúc đẩy người dân có ý thức tôn trọng quyền tự do cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người khác, nhất là phụ nữ trên KGM.
Xây dựng quy trình bảo vệ và kiểm soát thông tin trên KGM. Xuất phát từ đặc điểm của KGM chính là không giới hạn khoảng cách, xóa bỏ rào cản địa lí và cập nhật thông tin nhanh chóng, do đó chủ thể có chức năng nhiệm vụ liên quan đến an ninh mạng cần phải có quy trình kiểm soát thông tin đầy đủ và chặt chẽ. Quy trình này có thể là vấn đề đặt máy chủ, chặn IP, chặn mã độc, kiểm soát chéo giữa các cơ quan và đặc biệt thiết lập các phương án lập trình tự động phát hiện thông tin xấu để ẩn và xóa bỏ ngay từ khi chia sẻ… Việc xây dựng quy trình bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM không phải là dễ dàng nhưng nó lại là một trong những phương thức quan trọng nhất của hoạt động bảo vệ. Bởi lẽ, phần lớn các vụ xâm hại phụ nữ trên KGM đều do nguồn chia sẻ thông tin gây ra, do đó nếu kiểm duyệt nguồn thông tin ngay từ đầu sẽ giúp phát hiện nhanh chóng, kịp thời thông tin độc hại để kịp thời xóa bỏ. Nếu làm tốt phương thức này sẽ giúp vấn đề bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM có hiệu quả cao hơn.
Định danh tài khoản cá nhân trên KGM. Hầu hết các nền tảng ứng dụng trên KGM người sử dụng cần thiết lập các tài khoản để đăng nhập. Do đó, để kiểm soát người dùng ngay từ đầu cần phải có sự sàng lọc lứa tuổi, xác định được danh tính người sử dụng để qua đó thuận tiện trong việc cung cấp thông tin, cho phép nhìn thấy các hình ảnh, video, dữ liệu trên ứng dụng phù hợp với độ tuổi. Với phương thức này, các nhà sáng lập ứng dụng cần phải xây dựng quy trình kiểm soát, chế độ cho xem trên ứng dụng do mình sáng lập. Việc thiết lập lọc tài khoản như vậy sẽ góp phần rất lớn trong bảo vệ người dùng nói chung và bảo vệ quyền của phụ nữ trên KGM nói riêng.
Tuyên truyền về bảo đảm quyền của phụ nữ trên KGM. Trong bất kì vấn đề nào, phương thức tuyên truyền luôn được đề cao hàng đầu. Tuyên truyền có thể thông qua nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua sách báo và đặc biệt tuyên truyền qua chính KGM (bài đăng của cơ quan truyền thông trên cổng thông tin điện tử; sáng tạo ra video clip gần gũi với mọi lứa tuổi, giới tính,…). Chính những hoạt động đó sẽ làm tăng nhận thức của người dân trong việc quan tâm, bảo đảm quyền của phụ nữ. Phương thức này nếu thực hiện tốt sẽ đem lại tác động rất lớn đến toàn xã hội, nâng cao nhận thức, kĩ năng để phòng ngừa xâm hại đến quyền của phụ nữ trên KGM.