Theo báo cáo về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, về mức lương hưu hằng tháng, Chính phủ thống nhất về nguyên tắc quy định một khoản trong điều quy định chuyển tiếp nhằm bảo lưu quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
|
Ảnh minh hoạ
|
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được chỉnh lý mới nhất bổ sung quy định chuyển tiếp, đối tượng theo quy định đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày dự luật này có hiệu lực thi hành, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.
Như vậy, so với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình tại Kỳ họp thứ 7 mới đây, dự luật chỉnh lý đã bổ sung thêm quy định chuyển tiếp về các trường hợp được áp dụng mức lương hưu hằng tháng thấp nhất.
Điều này cũng bảo lưu quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Theo quy định hiện nay, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu (áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) bằng mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, Chính phủ cơ bản thống nhất về nguyên tắc việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, nhằm cải thiện hơn tỷ lệ hưởng lương hưu và góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng.
Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, thiết kế phương án chỉ áp dụng với các đối tượng đang được hưởng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng (quy định tại khoản 5, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Tới đây, theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, thì lương cơ sở được bãi bỏ.
Chính vì vậy, dự thảo Luật có quy định mức tham chiếu thay thế cho mức lương cơ sở khi bị bãi bỏ để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
PV