Thúc đẩy quyền giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Vũ Thị Ánh Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo

trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập.

Chính sách phát triển GD&ĐT vùng DTTS&MN

Vùng đồng bào DTTS&MN chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước với địa bàn, diện tích rộng, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Đồng bào DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước, dân cư phân tán, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Những khó khăn, đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội (KT - XH) có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển GD&ĐT.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT vùng đồng bào DTTS&MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17-5-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2019-2025; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030…

Những kết quả quan trọng

Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GD&ĐT. Nhờ đó, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS&MN đã có những chuyển biến đáng kể. Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển. Tỉ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt như trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường dự bị đại học ngày càng phát huy hiệu quả. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh KT-XH và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS&MN.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án đầu tư cho giáo dục vùng DTTS&MN. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục trong vùng được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT vùng đồng bào DTTS&MN.

Các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện tốt công tác huy động trẻ đến trường, bảo đảm quyền được học tập của trẻ em. Tỉ lệ huy động trẻ đến trường của các địa phương tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước. Hệ thống trường, lớp vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Các điểm trường, lớp học được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh. Tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng. Quy mô học sinh phổ thông dần đi vào ổn định. Các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản về phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên qua từng năm học.

Đối với giáo dục mầm non, năm học 2021-2022, toàn quốc hiện có tổng số trẻ em DTTS đến trường là 884.689 trẻ; có 80.643 giáo viên mầm non dạy trẻ em DTTS. Tỉ lệ giáo viên dạy trẻ em DTTS đạt trình độ chuẩn trở lên là 94,7% (trong đó 77% giáo viên  có trình độ đào tạo trên chuẩn). Đặc biệt có 58,3% giáo viên người DTTS, 55% giáo viên biết ít nhất một thứ tiếng DTTS.

Với hệ giáo dục tiểu học, năm học 2021-2022, tỉ lệ huy động học sinh tiểu học DTTS trong độ tuổi ra lớp thấp hơn tỉ lệ chung của toàn quốc 1,06%. Tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học thấp hơn tỉ lệ chung toàn quốc 0,27%. Đội ngũ giáo viên cấp tiểu học cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, cơ cấu giáo viên giữa các môn học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên Tin học và Ngoại ngữ.

Hệ giáo dục THCS, năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh THCS vùng đồng bào DTTS&MN tốt nghiệp THCS gần tương đương so với tỉ lệ chung toàn quốc (thấp hơn 0,16%). Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS cao nhất (98,58%), cao hơn tỉ lệ chung toàn quốc 0,18%; Tây Nam Bộ là vùng có tỉ lệ thấp nhất, thấp hơn tỉ lệ chung toàn quốc 0,55%. Tổng số giáo viên THCS toàn quốc là 307.488. Đối với vùng đồng bào DTTS&MN, tổng số giáo viên THCS người DTTS là 24.615 (chiếm tỉ lệ 8,63%).

Hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX đã bám sát định hướng đổi mới để chủ động tuyển dụng giáo viên, đưa giáo viên  đào tạo lại, đào tạo bổ sung, sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT theo quy định. Năm 2022, toàn quốc có 6.514 học viên chương trình GDTX cấp THCS. Trong đó, số học viên vùng DTTS&MN học chương trình GDTX cấp THCS là 2.912, chiếm tỉ lệ 44,7%. Đối với học viên học chương trình xóa mù chữ, năm học 2022-2023, các tỉnh ở vùng DTTS&MN đã huy động 43.578 người tham gia học. Tuy nhiên đội ngũ giáo viên biên chế dạy chương trình GDTX cấp THCS, THPT tại các trung tâm GDNN - GDTX còn ít, chưa đủ về số lượng và cơ cấu theo các môn học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Hệ giáo dục đại học, năm học 2021-2022, có 125.414 sinh viên DTTS. Số sinh viên DTTS tốt nghiệp là 14.722. Số học viên cao học, nghiên cứu sinh DTTS là 3.268. Số học viên cao học, nghiên cứu sinh DTTS tốt nghiệp là 560. Tổng số giáo viên trong các cơ sở giáo dục đại học toàn quốc là 79.041. Đối với vùng đồng bào DTTS&MN, tổng số giảng viên người DTTS trong các cơ sở giáo dục đại học là 1.027 (chiếm tỉ lệ 1,3%).

Năm 2022, vùng DTTS&MN có 417 trung tâm GDNN - GDTX; 78 cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, toàn quốc có 318 trường PTDTNT thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô 101.847 học sinh.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh các trường PTDTNT những năm gần đây đều tăng, một số trường PTDTNT tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp luôn giữ ở mức cao 100% như Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,.... Hằng năm, gần 60% học sinh các trường PTDTNT đỗ đại học.

Giải pháp phát triển giáo dục vùng DTTS&MN

Thời gian tới, vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế. Một số yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS vẫn còn lạc hậu; tỉ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, để đầu tư cho phát triển GD&ĐT vùng đồng bào DTTS&MN cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành; thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng DTTS&MN, trong đó quan tâm ưu tiên nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS&MN.

Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD&ĐT; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN. Đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Ba là, rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS&MN bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của từng địa phương và có lộ trình hợp lí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Bốn là, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS&MN. Tổ chức tốt việc dạy tiếng DTTS cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định.

Năm là, huy động các nguồn vốn, vận động thu hút sự hỗ trợ về vật chất và kĩ thuật của các tổ chức, cá nhân, đối tác phát triển để tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục vùng DTTS&MN.

Sáu là, triển khai thực hiện đào tạo nâng trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các cấp học theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ, bảo đảm tỉ lệ giáo viên người DTTS có vị trí ở các trường PTDTNT, PTDTBT; ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học là người DTTS tại địa phương.

Bảy là, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất