Những kết quả đạt được
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các chương trình, mục tiêu quốc gia hỗ trợ đảm bảo quyền phát triển của người DTTS của Đảng, Nhà nước như Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong đồng bào DTTS giai đoạn 2016-2018... đã góp phần quan trọng giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tiếp cận, thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc.
Tỉnh Cà Mau có 666 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS (trong đó Khơ-me 507 người, Hoa 85 người, Mường 43 người, Tày 11 người, Thái 11 người, Nùng 6 người, Chăm 1 người, Thổ 1 người, Giao 1 người) đang công tác ở cấp tỉnh, huyện, xã và trường học. Những năm qua, địa phương luôn quan tâm sâu sát đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS như đưa vào quy hoạch cấp ủy tỉnh, huyện, xã; cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và dự nguồn đi học các lớp từ trung cấp chính trị hoàn chỉnh đến đại học...
Địa phương đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở; bố trí đủ biên chế y, bác sỹ cho các trạm y tế xã, thị trấn; 100% các xã, phường, thị trấn đã triển khai chương trình y tế quốc gia hằng năm; 100% đồng bào DTTS có thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào DTTS.
Địa phương cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền văn hóa của người DTTS trên địa bàn tỉnh như bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, các phong tục tập quán truyền thống; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên dạy chữ Khơ-me, trung bình mỗi năm mở trên 30 lớp tiếng Khơ-me cho hơn 700 học sinh tham gia học tập; tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc với quy mô và chất lượng ngày càng nâng cao đồng thời thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh như Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Oc-om-bok, Lễ Sene Đôn Ta, Lễ dâng y, lễ dâng bông của dân tộc Khơ-me, Lễ vía Bà Thiên Hậu của dân tộc Hoa... Đồng thời, thực hiện phân bổ kinh phí nhằm bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc văn hóa của các dân tộc như Chùa Cao Dân, Chùa Rạch Giồng, miếu Bà Thiên Hậu...
Thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo tại vùng đồng bào DTTS, tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; đồng thời, rà soát thực trạng phát triển của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, các cơ sở giáo dục vùng DTTS; xây dựng và ban hành chương trình, sách giáo khoa dạy học tiếng DTTS phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành đối với giáo dục dân tộc; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cơ sở giáo dục ở vùng DTTS. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 298/508 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 58,7%.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tế về quyền của người DTTS, các chính sách đoàn kết dân tộc với nhiều hình thức đa dạng như tổ chức tập huấn, các buổi tuyên truyền, cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn; phát sóng hơn 80 chương trình tiếng Khơ-me tuyên truyền về quyền của người DTTS; phát hành ấn phẩm Báo Cà Mau song ngữ Việt - Khơ-me... tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, chính sách về dân tộc, tôn giáo, chính sách về người cao tuổi, người khuyết tật, nạn nhận chất độc da cam/dioxin, chính sách xoá đói, giảm nghèo...
Tỉnh đã tích cực thực hiện các chính sách đặc thù theo Chương trình 134, 135...; 30.000 hộ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế; 15.000 lao động được dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề; đưa khoảng 12.000 người đi lao động tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh; tỷ lệ lao động không có việc làm giảm từ 6,6% xuống còn 5,4%; nâng mức sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 70%; triển khai nhiều dự án tái định cư tại 4/8 huyện của tỉnh (Năm Căn, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh) cho đồng bào dân tộc nghèo không có đất ở, nhà ở; giúp hơn 3.000 hộ ổn định cuộc sống, tránh được tình trạng du canh, du cư, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thoát nghèo; UBND tỉnh đã cấp 11.480 triệu đồng để triển khai dự án định cư Vàm Kênh Lung Ranh ở xã Khánh Hội, huyện U Minh; 11.167 triệu đồng cho các huyện hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt; 19.440 triệu đồng thực hiện dự án xen ghép, hỗ trợ định cư cho 475 hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn tại các địa phương.
Định hướng thời gian tới
Bên cạnh, những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như: việc thực hiện chính sách giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, đời sống một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa ngang tầm với nhiệm vụ; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục, vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để khắc khục những vấn đề trên, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền của DTTS ngày một tốt hơn.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về đảm bảo và thúc đẩy quyền của người DTTS.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc và các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chính sách định canh, định cư, làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng. Thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện...
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.
Thu Uyên