Ngày 19-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Sáng kiến tiêu điểm do Liên minh Châu Âu tài trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Chương trình Di cư an toàn và Bình đẳng (Safe and Fair) đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Áp dụng Hướng dẫn ASEAN về Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách hợp tác về lao động và phụ nữ của các nước thành viên ASEAN, các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu việc áp dụng Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm tại Việt Nam, chia sẻ về những điển hình tốt về lồng ghép giới trong hoạt động của các cơ quan chuyên ngành khác của Việt Nam, từ đó, nâng cao nhận thức và năng lực về cách thức lồng ghép giới cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công đoàn, đại diện người sử dụng lao động và các bên liên quan khác. Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững là kết quả của dự án do Việt Nam điều phối thuộc Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016-2020 với sự hỗ trợ từ Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH khẳng định Hướng dẫn góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ nhà nước phụ trách lĩnh vực lao động, bình đẳng giới và các bên liên quan khác về quan điểm về giới trong các quyền cơ bản của con người và các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy việc áp dụng Hướng dẫn này ở cấp quốc gia, các nước thành viên ASEAN đã nỗ lực rà soát những tiến bộ về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm, từ đó, tìm ra những khoảng trống trong pháp luật và chính sách lao động và việc làm nhằm chỉnh sửa để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để chia sẻ những tiến bộ về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm tại Việt Nam, đồng thời, các đại biểu sẽ được nghiên cứu và thảo luận sâu hơn về việc thúc đẩy lồng ghép giới và khả năng xây dựng những tài liệu tương tự trong các lĩnh vực chuyên ngành khác tại Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo cũng sẽ đem đến những kinh nghiệm cho nước thành viên ASEAN khác trong việc áp dụng Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động về việc làm ở cấp quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng việc giải quyết bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và việc làm đòi hỏi sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc thu hẹp khoảng cách, tiến tới hài hòa với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém là xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp và thực hiện liên ngành hiệu quả để đảm bảo các chính sách đi vào thực thi. Điều này cần được xem là nền tảng chính khi đánh giá những tiến bộ đạt được đối với việc lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về nội dung của Hướng dẫn và Kết quả rà soát việc lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm tại Việt Nam. Tiếp theo đó, đại diện các bộ, ngành cũng đã có phần chia sẻ về những điển hình tốt về lồng ghép giới trong các hoạt động chuyên ngành của mình. Thông qua đó, các đại biểu đã nghiên cứu và thảo luận sâu hơn việc áp dụng hiệu quả Hướng dẫn tại cấp quốc gia trong thời gian tới, cụ thể là sáng kiến xây dựng Bảng kiểm về lồng ghép giới trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo .
PV