Những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng thời gian qua đã chứng minh những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và dành những điều tốt nhất cho trẻ em.
|
Ảnh minh họa.
|
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), có 82 % trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng in-tơ-nét. Con số này cho thấy đa số trẻ nhỏ tại Việt Nam sớm có cơ hội tiếp cận với thông tin trên không gian mạng. Điều này vừa là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng thách thức để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em trước những nội dung xấu, độc trên môi trường mạng
Năm 2019, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN, tiếp đó năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Thời gian qua, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức chiến dịch, hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng tờ rơi, tài liệu, clip hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em trên môi trường mạng. Những tài liệu này đã được gửi đến các tỉnh, thành phố và đăng tải trên website của Cục Trẻ em, Tổng đài 111.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng đồng hành xử lý các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng, có văn bản xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm. Cục Trẻ em đã chủ động thông tin, có công văn đề nghị kiểm tra, xử lý các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em ngay khi phát hiện các thông tin trên báo điện tử, mạng xã hội và từ phản ánh của người dân qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông. Phối hợp với Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em trên nền tảng.
Năm 2021, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững tổ chức Toạ đàm trực tuyến "SNET 2023 - Online chuẩn - mùa hè vui" vào ngày 10-6-2023 vừa qua nhằm trao đổi và chia sẻ các thông tin cập nhật, các kiến thức và bí kíp mới giúp các phụ huynh đồng hành với con em sử dụng in-tơ-nét an toàn trong mùa hè. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em". Đồng thời, phối hợp với Tổ chức ChildFund tại Việt Nam xây dựng đề cương bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong giai đoạn tới sẽ xây dựng, hoàn thiện bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để phù hợp với luật pháp, tình hình thực tế tại Việt Nam và tiếp cận với các quy định quốc tế; đồng thời làm cơ sở, căn cứ để đưa vào các văn bản quản lý, văn bản luật pháp, chính sách.
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chi tiết các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân về trẻ em trên mạng, đặc biệt chú ý đến việc thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hiệp quốc về quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trong phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022).
Thứ hai, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến tạo là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.
Thứ tư, bản thân trẻ em cần tăng cường kiến thức và kỹ năng để biết tự bảo vệ mình, bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ngày càng hiệu quả hơn.
Ngọc Anh