|
Ảnh minh họa.
|
Thực trạng và điểm nóng
Vào trung tuần tháng 9-2022, 60 người Việt Nam đã tháo chạy khỏi một sòng bạc tại thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng của Căm-pu-chia. Điều tra sau đó cho thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Nạn nhân bị người thân hoặc người quen qua mạng lừa đảo bằng cách rủ đi tìm “việc nhẹ lương cao” và cuối cùng là bị bán vào các cơ sở kinh doanh, sòng bạc ở Căm-pu-chia, gần cửa khẩu Việt Nam.
Không chỉ có thế, ngày 30-5-2023, 435 người Việt Nam bắt đầu được cơ quan chức năng Việt Nam và Phi-líp-pin đưa về nước sau khi phối hợp giải cứu khỏi một sòng bạc ở Pampanga, Phi-líp-pin. Theo phía Phi-líp-pin, các lực lượng chức năng nước này đã giải cứu được gần 1.100 người là nạn nhân từ nhiều nước châu Á bị lừa bán sang Phi-líp-pin. Những người này sau đó bị tịch thu hộ chiếu, bị giam và ép phải tham gia các hoạt động lừa đảo trên mạng. Ít nhất 12 nghi phạm đã bị bắt và bị buộc tội mua bán người.
Và gần đây, khi hàng trăm người đã thiệt mạng trong thảm kịch chìm tàu chở người tị nạn vừa xảy ra ngoài khơi biển Hy Lạp vào trung tuần tháng 6 như một tiếng chuông thức tỉnh châu Âu cần có những giải pháp toàn diện cho vấn đề người di cư. Chỉ sau 2 ngày xảy ra vụ việc, 9 kẻ tình nghi là tội phạm mua bán người đã bị bắt giữ liên quan vụ chìm tàu thảm khốc này.
Một số khu vực có hoạt động mua bán người đáng chú ý là: Đông Nam Á, nơi các nạn nhân bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động trong các ngành nông nghiệp và đánh cá. Khu vực Đông Âu gồm các quốc gia như U-crai-na, Nga, Moldova và Bulgaria là nơi phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị buôn bán và trở thành nô lệ tình dục, bị ép ăn xin. Nạn mua bán người cũng xảy ra thường xuyên ở khu vực châu Phi cận Sahara gồm các nước như Ni-giê-ri-a, Ga-na và Nam Phi, do nghèo đói, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang và năng lực thực thi pháp luật yếu kém. Các nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất lại nổi tiếng với bóc lột lao động và quỵt tiền lương của người lao động nhập cư, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Khu vực Trung Mỹ và vùng Ca-ri-bê, trong đó có Mê-xi-cô, Guatemala, Honduras, và Dominica, được coi vừa là nguồn vừa là điểm trung chuyển của các hoạt động mua bán người. Mặc dù Bắc Mỹ và Tây Âu thường được coi là điểm đến của các nạn nhân mua bán người, nhưng vẫn xảy ra các trường hợp mua bán người ngay trong nước ở hai khu vực này. Các thành phố lớn và khu vực có hoạt động du lịch cao như New York, Los Angeles, London và Amsterdam được xác định là điểm nóng và điểm đến của cả nạn mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.
Những vụ việc nêu trên chỉ là phần nổi của tảng bang chìm của vấn nạn mua bán người. Để tăng cường hoạt động ngăn chặn và nâng cao nhận thức đấu tranh phòng, chống mua bán người, từ ngày 8-5 đến 15-5-2023, một chiến dịch hành động toàn cầu trấn áp hoạt động mua bán người đã được 44 quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia. Chiến dịch Chuỗi hành động toàn cầu (Operation Global Chain) huy động nhiều cơ quan thực thi pháp luật của các nước như cảnh sát, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, lực lượng biên phòng, cảnh sát giao thông, các tổ chức xã hội và bảo vệ trẻ em, tập trung vào việc phát hiện và triệt phá các nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em, mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức ăn xin và cưỡng bức tham gia các hoạt động tội phạm.
Trong một tuần thực hiện chiến dịch, tổng cộng đã có 8.644 chuyến bay được giám sát, 3.984 trạm kiểm soát biên giới thực hiện hoạt động giám sát tích cực, khoảng 130.000 nhân sự các lực lượng liên quan trên toàn thế giới được huy động và kiểm tra 1,6 triệu người tại 25.400 địa điểm khác nhau, kiểm soát 153.300 phương tiện giao thông, thu giữ 72.850 tài liệu liên quan. Các nước đã thực hiện 212 vụ bắt giữ, xác định 138 nghi phạm và 1.426 nạn nhân tiềm năng, tiến hành 244 cuộc điều tra. Chiến dịch cũng kết luận những kẻ mua bán người thường nhắm vào 2 nhóm dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em.
Nguyên nhân và giải pháp
Đưa người đi di cư trái phép và mua bán người được xem là mối đe dọa nghiêm trọng và gây nguy hiểm tới mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm, nhất là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân chính dẫn đến nạn mua bán người là đói nghèo, xung đột, chiến tranh, bất bình đẳng giới, bất ổn chính trị và kinh tế, khủng bố và tội phạm có tổ chức. Cộng đồng quốc tế đã nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và đưa ra nhiều biện pháp đối phó, trong đó có việc thông qua các đạo luật ngăn chặn hoạt động, tăng cường truy lùng, truy cứu tội phạm và mạng lưới tội phạm mua bán người, hỗ trợ cho các nạn nhân cũng như nạn nhân tiềm năng. Các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol, Cơ quan biên giới châu Âu Frontex, Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc... cùng nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ cũng đã cùng nhau xây dựng các khung pháp lý và chương trình hợp tác nhằm ngăn chặn và giải quyết hậu quả nạn mua bán người.
Theo Giám đốc Chương trình chống nạn mua bán người và mạng lưới nô lệ hiện đại “Stop the Traffik” Ruth Dearnley, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nỗ lực chống mua bán người là sự thiếu hiểu biết. Do vậy, điều quan trọng là cần nhận thức rằng tất cả mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của nạn mua bán người và hiểu được mua bán người ảnh hưởng đến mỗi người như thế nào và mỗi người có thể làm gì để ngăn chặn điều đó. Vì thế, giải pháp khả thi là:
Một là, nâng cao nhận thức, giúp cộng đồng, người dân hiểu rõ sự phức tạp của loại hình tội phạm này và các cơ quan chức năng không thể giải quyết vấn đề phức tạp này một cách đơn lẻ. Mỗi quốc gia cần có các chương trình giáo dục và xây dựng chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ, giúp họ hiểu hơn các vấn đề liên quan, lấy cộng đồng làm trung tâm của các chiến dịch nâng cao nhận thức đó.
Hai là, cần có sự hợp tác đa ngành và giữa các quốc gia trong mọi lĩnh vực. Có một thực tế là mua bán người và những biện pháp phòng, chống nạn mua bán người luôn phải liên quan tới các lĩnh vực khác như nhập cư, tị nạn, mại dâm, ma túy, buôn bán vũ khí và các hình thức tội phạm có tổ chức khác. Sẽ là không hiệu quả nếu vấn nạn mua bán người bị đẩy ra bên lề và xem như một vấn đề có thể chấm dứt bằng một số lực lượng đặc nhiệm tăng cường hoặc một vài đơn vị chuyên trách.
Để thấy được mức độ phức tạp của vấn đề, có thể lấy ví dụ là hoạt động mua bán người quốc tế làm nảy sinh các vấn đề về nhập cư, nhưng nạn nhân của hoạt động mua bán người quốc tế không thể bị đối xử đơn giản như những người di cư bất hợp pháp và những nỗ lực giải quyết vấn đề này không thể chỉ dừng lại ở các biện pháp kiểm soát chặt đường biên và khu vực biên giới. Trong nhiều trường hợp, các nạn nhân sau khi rơi vào đường dây mua bán người lại trở thành những kẻ mua bán người. Để giải quyết hiệu quả vấn nạn, cần có sự hợp tác đa ngành và giữa các quốc gia để có được những chiến dịch, chương trình hành động và chiến thuật phòng ngừa, đối phó toàn diện và hiệu quả.
Ba là, chiến lược chống mua bán người cần phải được đưa vào các chính sách trong mọi lĩnh vực, từ việc hỗ trợ sinh kế cho người nghèo cho đến cải thiện chất lượng và phạm vi giáo dục cho phụ nữ ở các quốc gia ở khu vực có nguy cơ cao, hay việc tăng lương cho cảnh sát ở các quốc gia ở các khu vực dễ trở thành điểm đến của nạn mua bán người, khiến lực lượng này khó có thể bị mua chuộc, hối lộ bởi những kẻ mua bán người...
Bốn là, lấy nạn nhân làm trung tâm trong nỗ lực ngăn chặn mua bán người. Giải pháp này trước tiên hướng đến giải cứu nạn nhân, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Nạn nhân của mua bán người còn cần phải được trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sinh kế để đảm bảo họ không bị rơi lại vòng xoáy đói nghèo, điều kiện để mua bán người nảy sinh, thậm chí là đảm bảo để họ không từ nạn nhân trở thành những kẻ mua bán người. Một câu chuyện thực tế từ “Stop the Traffik” là về Angela, một phụ nữ người Cô-lôm-bi-a 28 tuổi, đã có 2 con và gia đình rất nghèo, thường xuyên phải vay nợ. Angela đã lên đường ra nước ngoài theo lời rủ đi làm kiếm nhiều tiền với người bạn cũ. Thế nhưng, ngay khi Angela đến nơi, cô đã bị thu hộ chiếu, đưa đến một khách sạn và bị ép bán dâm. Sau 4 tháng bị bóc lột tình dục cả ngày lẫn đêm mà không thể rời khỏi căn phòng khách sạn, Angela cuối cùng đã trốn thoát được trở về Cô-lôm-bi-a với sự giúp đỡ của cộng đồng và cảnh sát địa phương. Hiện tại, cô đã được hỗ trợ sinh kế ở quê nhà thông qua mạng lưới của “Stop the Traffik”, cuộc sống tạm ổn định. Đây là giải pháp sẽ đem lại hiệu quả về lâu dài và bền vững.
Trước vấn nạn mua bán người đang có xu hướng ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã đưa ra các giải pháp mạnh, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn đang diễn ra một cách phức tạp và nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đòi hỏi một sự phối hợp và nỗ lực liên ngành thường xuyên hơn nữa giữa các quốc gia, các tổ chức và sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong nội tại mỗi quốc gia.
Hữu Dương