Dấu ấn đối ngoại trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Đỗ Hùng Việt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền

Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế _Ảnh: Tư liệu

Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Ảnh: Tư liệu.

Nỗ lực thúc đẩy quyền con người

Năm 2022, Việt Nam chính thức được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025[1], cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực quyền con người trên thế giới, trong bối cảnh có sự cạnh tranh cao giữa các ứng viên[2]. Kết quả này không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta: coi con người là chủ thể, trung tâm, nguồn lực quan trọng nhất của công cuộc Đổi mới, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; mà còn là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối, tầm nhìn phát triển đất nước.

Đây thực sự là “trái ngọt” của những nỗ lực bền bỉ, không ngừng của Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nâng cao đời sống Nhân dân và tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người trong suốt thời gian qua. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển con người, bình đẳng giới, triển khai hiệu quả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thực hiện mục tiêu kép trong phòng, chống dịch COVID-19, coi đó là những thực tiễn tốt, kinh nghiệm điển hình cần được lan tỏa rộng rãi.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. 

Với tâm thế chủ động, trách nhiệm, Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương lớn về quyền con người như HĐNQ, Ủy ban các vấn đề Nhân quyền, Nhân đạo và Xã hội của Đại hội đồng (Ủy ban 3), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), cũng như các diễn đàn khu vực, liên khu vực như ASEAN, ASEM. Tại tất cả các diễn đàn, chúng ta luôn tích cực quảng bá, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý, năng động, đổi mới và hội nhập toàn diện. Đáng chú ý, nhân dịp Khóa họp thứ 50 của HĐNQ (tháng 7-2022) tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), chúng ta đã tổ chức thành công Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Việt Nam với chủ đề “Hòa hợp trong Đa dạng”, nhằm giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế về đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam luôn gắn bó và đoàn kết, với những nét đẹp văn hóa, di sản, tập tục đa dạng, phong phú, qua đó thể hiện nỗ lực, thành tựu xuyên suốt của Việt Nam về bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Không chỉ tích cực lồng ghép các vấn đề ưu tiên, Việt Nam còn thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Tại HĐNQ, Việt Nam cùng Băng-la-đét và Phi-líp-pin đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu, với đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.

Công tác đối ngoại về quyền con người qua các khuôn khổ song phương được triển khai một cách tích cực, hiệu quả. Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại, tham vấn về quyền con người với các đối tác, qua đó cung cấp thông tin tổng thể về các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, giải đáp các quan tâm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt và góp phần thúc đẩy đà quan hệ song phương với các đối tác.

Trong xử lý các vấn đề quyền con người, một mặt Việt Nam đề cao cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, thúc đẩy đối thoại và hợp tác; mặt khác chủ động, linh hoạt đấu tranh, bác bỏ những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, cũng như đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hoá, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia.

Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người. Nổi bật trong số đó là việc Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận. Dù chịu tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 và nhiều khó khăn, bất ổn của tình hình thế giới, song Việt Nam đã nỗ lực thực hiện 82,6% tổng số khuyến nghị[3] với nhiều kết quả, thành tựu nổi bật về xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật; bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; thực hiện nghĩa vụ theo các Công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế về quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người… Với Báo cáo này, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia gửi Báo cáo giữa kỳ tự nguyện tới HĐNQ LHQ[4], thể hiện thái độ trách nhiệm, minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR. Cũng trong năm 2022, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo thực hiện Công ước Quyền trẻ em (CRC); xây dựng và nộp Báo cáo lần thứ 9 thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); nộp và chuẩn bị bảo vệ Báo cáo Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).

Những dấu ấn đối ngoại nói trên càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 là dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 10-2022), Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thành công vào công việc của LHQ trên tất cả các trụ cột, bởi Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của LHQ, đã, đang và sẽ đồng hành hiệu quả cùng LHQ trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển bền vững trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: TTXVN.

Sẵn sàng gánh vác trọng trách vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Việc đảm nhiệm vai trò quan trọng tại HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 sẽ góp phần triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Những thành tựu to lớn của đất nước sau hơn 35 năm Đổi mới cùng với những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và kinh nghiệm tích lũy từ việc đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế, nhất là cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 2020 và thành viên HĐNQ 2014-2016 là những nền tảng quan trọng, thuận lợi để Việt Nam tự tin đảm nhiệm thành công vai trò tại HĐNQ nhiệm kỳ này. 

Lần thứ hai tham gia HĐNQ cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Với tôn chỉ “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ tiếp tục đề cao cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực trở thành cầu nối, thúc đẩy điểm đồng và hợp tác, cùng các nước thành viên đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp phù hợp với các vấn đề trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bảo đảm quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm,…

Chúng ta cũng sẽ nỗ lực hoàn thành đúng hạn các nghĩa vụ báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế về quyền con người mà ta là thành viên, trong đó có bảo vệ báo cáo thực hiện các Công ước CERD, CEDAW, xây dựng và nộp báo cáo thực hiện các Công ước về Chống tra tấn (CAT), Quyền dân sự - chính trị (ICCPR)…

Để hoàn thành được khối lượng công việc lớn, quan trọng nói trên, chúng ta cần chú trọng phát huy, tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xử lý hài hòa các vấn đề đối nội và đối ngoại, cùng với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quyền con người, góp phần nâng cao uy tín và vị thế đất nước, khẳng định Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Với quyết tâm mạnh mẽ, sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, Việt Nam sẵn sàng gánh vác những trọng trách tại HĐNQ, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình bền vững, hướng tới bảo đảm mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều được thụ hưởng bình đẳng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.


[1] Ngày 11-10-2022 tại Niu Óoc (Hoa Kỳ), Đại Hội đồng Liên hiệp quốc khoá 77 đã chính thức bầu Việt Nam cùng 13 quốc gia khác (Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Đức, Georgia, Kyrgyzstan, Maldives, Morocco, Nam Phi, Romania, Sudan) làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.

[2] Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên HĐNQ nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (01 nước rút ứng cử vào phút chót).

[3] Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.

[4] Cho đến nay, mới chỉ có 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo. Riêng với chu kỳ III, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia đầu tiên xây dựng và nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất