Giải quyết những thách thức về nhân quyền trong năm 2023
Cuộc họp Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền lần thứ 30

Cuộc họp Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền lần thứ 30 tại Hà Nội.

Nhiều yếu tố tác động đa chiều trong năm 2023

Xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng đứng trước áp lực từ gia tăng đối đầu trong quan hệ nước lớn. Chiến tranh, xung đột là mảng tối lớn nhất của nhân loại khi đặt trong phạm vi của lĩnh vực QCN vì nó tước đoạt hầu hết các quyền và lợi ích cơ bản nhất của người dân, để lại những hậu quả không thể sớm khắc phục. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres (9-2022) cho rằng, các cuộc xung đột trên thế giới đang khiến hàng triệu người phải sống trong nghèo đói, khổ đau. Trong năm 2023, các điểm nóng chiến tranh, xung đột sẽ khó suy giảm do xu hướng gia tăng căng thẳng toàn cầu với động lực đến từ những mâu thuẫn chính trị giữa các nước lớn.

Ngoài ra, vi phạm QCN liên quan mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, phân biệt chủng tộc… sẽ vẫn là những vấn đề nhức nhối của nhân loại. Nhìn rộng hơn, những điểm nóng chiến tranh vừa qua không chỉ bó gọn trong phạm vi từ mặt trận đến bàn đàm phán, từ các nước trực tiếp xung đột đến các bên liên quan, mà còn tác động sâu sắc tới những chuyển biến về trật tự thế giới. Đã có nhiều tiếng nói về một trật tự mới nhằm thay thế mô hình quản trị toàn cầu hiện hành và đây có thể là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng sang mô hình “đa cực đa trung tâm” một cách rõ ràng hơn. Lịch sử cho thấy với bất kỳ sự chuyển đổi nào ở quy mô toàn cầu như vậy, thì cái giá phải trả sẽ không hề rẻ, trong đó có vi phạm QCN.

Bên cạnh xung đột, chiến tranh, các nước còn giải quyết mâu thuẫn và tìm kiếm lợi ích bằng những nỗ lực nghịch đảo toàn cầu hóa/phi toàn cầu hóa, làm xói mòn chủ nghĩa đa phương… Điều này cũng đặt ra cho các nỗ lực toàn cầu, đa phương nhằm thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có sau nhiều thập kỷ. Những mục tiêu này, như hướng tới kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và bảo đảm tất cả mọi người ở khắp nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng… đều liên quan mật thiết tới việc bảo vệ, đảm bảo và phát huy QCN.

Nền kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ đứng trước nhiều thách thức lớn như giá cả leo thang, sức mua giảm sút, nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng tăng và hiểm họa suy thoái toàn cầu cũng ngày càng lớn hơn… Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,7%. Khoảng 1/3 các nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và 2/3 số nền kinh tế còn lại cũng sẽ chật vật trước các vấn đề gián đoạn nguồn cung, lạm phát, giá cả leo thang... Ngân hàng Phát triển châu Á cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á so với dự kiến trước đó do suy thoái toàn cầu và cuộc chiến kéo dài ở U-crai-na.

Các đầu tàu kinh tế quan trọng của thế giới đều có những vấn đề nội bộ buộc họ phải tập trung hướng nội, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau chính sách “Zero COVID” đem lại động lực quan trọng về thị trường nhưng cũng có nguy cơ lây lan đợt dịch tiếp theo với những biến chủng mới tiềm ẩn. Bên cạnh đó, trật tự kinh tế thế giới hiện hành cũng đang sự suy yếu, xói mòn bởi xu hướng bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân túy và tình trạng phân mảnh kinh tế, công nghệ ngày càng trầm trọng. Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tiến trình chuyển đổi số đang nhen nhóm hi vọng với người dân về tương lai thịnh vượng hơn thì cuộc chiến chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc mới nổ ra đang đe dọa dập tắt hi vọng đó. Nhằm thực thi chính sách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao, Mỹ đang xoay trục vào chính sách bảo hộ, đẩy mạnh chuyển ngành sản xuất chất bán dẫn tới các nước thân thiện hoặc đưa sản xuất trở lại chính quốc. Quá trình xáo trộn kinh tế ở các nền kinh tế đầu tàu sẽ tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu, mà trong đó những ngành nghề, cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu ở những vùng nông thôn, vùng sâu xa sẽ là nơi cuối cùng gánh chịu thiệt hại. Khi dòng chảy thương mại, sản xuất, việc làm chuyển dịch cũng sẽ đẩy rất nhiều người không có khả năng thích ứng kịp, nhóm dễ bị tổn thương vào cảnh thất nghiệp, nghèo khổ trong khi những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể lâm vào thế khó, chịu gánh nặng từ bối cảnh kinh tế không chắc chắn.

Các vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, giảm phát thải, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước… cũng có tác động lớn đối với việc bảo vệ, bảo đảm và phát huy QCN.

Lễ thượng cờ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam

Lễ thượng cờ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN tại Việt Nam.

Nhìn nhận vấn đề quyền con người nổi lên của ASEAN

Với ASEAN trong năm 2023, thách thức lớn nhất đặt ra có thể kể tới là môi trường bất định, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn, nội bộ các nước lớn cũng có nhiều xáo trộn, có nhiều bất ổn dẫn tới chính sách đối ngoại có thể bị ảnh hưởng, trong khi cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ có thể lan rộng ra các lĩnh vực mới, tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến ASEAN. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng phải tập trung vào các vấn đề nội bộ bao gồm việc Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin đang ổn định chính phủ sau cuộc bầu cử năm 2022, bầu cử Căm-pu-chia, Thái Lan và Mi-an-ma năm 2023, bầu cử tại In-đô-nê-xi-a năm 2024, cho tới thách thức dài hạn từ việc duy trì sự đoàn kết, tính trung tâm của ASEAN trong một cục diện thế giới, khu vực đang thay đổi.

Nhìn nhận đúng đắn về bức tranh QCN của các nước ASEAN sẽ giúp tìm ra các giải pháp hữu hiệu để công tác bảo vệ, bảo đảm và phát huy QCN tốt hơn. Dự báo các vấn đề về QCN tại ASEAN có thể nổi lên trong năm 2023 như sau:

Thứ nhất, các quyền được bảo đảm về lương thực, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… sẽ đứng trước những thách thức do kinh tế khu vực suy thoái. Theo dự báo của ADB, các nền kinh tế hàng đầu của ASEAN đều sẽ tăng trưởng chậm lại với con số 4,8% của In-đô-nê-xi-a, 4,3% của của Ma-lai-xi-a, 6,3% của Việt Nam… Do các điều kiện bên ngoài khó khăn, áp lực lạm phát cũng như việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của các nước ASEAN còn chậm, thiếu đồng đều và thiếu bao trùm. Sự phân tách giữa các nền kinh tế lớn sẽ càng tác động tiêu cực tới môi trường phục hồi kinh tế của ASEAN sau đại dịch COVID-19. Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long nhận định lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng đe dọa tạo ra những rủi ro mới. Các vấn đề kinh tế sẽ nhanh chóng tác động làm suy giảm mức sống của người dân, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương. Phân hóa giàu nghèo sâu sắc làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, y tế cùng nhiều các khía cạnh xã hội khác… Suy thoái kinh tế cũng kéo lùi những nỗ lực xóa đói giảm nghèo gây lãng phí các nguồn lực, khiến một bộ phận người dân tái nghèo và mất đi cơ hội phát triển.

Thứ hai, vấn đề khủng hoảng nhân đạo với người Mi-an-ma hiện nay, bao gồm cả những người Rohingya sẽ tiếp tục là điểm nóng nhức nhối khó giải quyết. Tiến trình thực thi Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Mi-an-ma không có nhiều kết quả thực chất thời gian qua và được triển vọng cũng tiếp tục thiếu khả quan trong thời gian tới. Tuy nhiên, ASEAN đã xác định tham gia giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Mi-an-ma là một trong các ưu tiên của Cộng đồng, nhằm đảm bảo “không bỏ ai lại phía sau” đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Năm chủ tịch ASEAN 2023 của In-đô-nê-xi-a cũng sẽ đặt vấn đề Mi-an-ma làm trọng tâm của các chương trình nghị sự, hứa hẹn sẽ có những chuyển biến nhất định đối với cuộc khủng hoảng này.

Thứ ba, tình trạng suy giảm an ninh cả truyền thống và phi truyền thống tiếp tục tác động tiêu cực tới QCN. Nạn mua bán người, buôn bán nội tạng, lao động nô lệ, khủng bố, cướp biển, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, bất bình đẳng giới… vẫn sẽ là vấn đề nóng trong vi phạm QCN của ASEAN. Làn sóng di cư vì tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạn hán… cũng tiềm ẩn việc mất QCN trong quá trình di dời đến nơi sống mới và cần phải được chú ý.

Có thể quan sát thấy được tình trạng mất QCN trong các cuộc di cư của người Rohingya hiện nay cũng như các cuộc di cư tránh xung đột, đảo chính tại một số khu vực. Các đập thủy điện ở vùng trung và hạ lưu sông Mê-kông cũng đang đe dọa tới sinh kế của hàng trăm ngàn người, đẩy họ phải rời bỏ nhà cửa, trong khi người dân ở duyên hải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng trầm trọng hơn. Biến đổi khí hậu cũng tác động tới vấn đề quyền con người, dòng chảy di cư lớn do chiến tranh, mất kế sinh nhai…

Thứ tư, ASEAN sẽ gặp khó khăn trong việc liên kết quốc tế cho mục đích phát triển kinh tế và an ninh nhằm xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển cũng như tối đa hóa lợi ích với người dân của cộng đồng. Tình trạng phân mảnh kinh tế, phân cực chính trị trong quan hệ quốc tế hiện hành khiến các cơ chế quốc tế do ASEAN đóng vai trò trung tâm sẽ suy yếu. Một cơ chế đại diện cho lợi ích, vị thế chính trị… của cả khu vực gặp thách thức thì mọi người dân trong đó khó tránh ảnh hưởng. Có thể kể đến trên khía cạnh thương mại, vốn đóng góp vào sự thịnh vượng của ASEAN, tình trạng phân mảnh kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nhà máy đóng cửa và người dân mất việc làm phổ biến. ASEAN cũng sẽ gặp thách thức trong tiến trình “hài hòa hóa” các thỏa thuận thương mại đa phương, giải quyết các rào cản giữa các nước lớn để tối đa hóa lợi ích của Cộng đồng.

Thứ năm, ASEAN sẽ tiếp tục nhận áp lực quốc tế hoặc can dự từ các nước phương Tây về nhiều vấn đề trong lĩnh vực QCN, như phân biệt với người đồng giới, vấn đề tử hình, tự do ngôn luận, tự do báo chí... Việc sử dụng vấn đề tự do báo chí, tín ngưỡng và tôn giáo để can dự vào công việc nội bộ các nước trong khu vực có thể gia tăng. Những quan điểm cực đoan về QCN như vậy khác xa so với tinh thần nhân văn, nhân ái và nền tảng xã hội, văn hóa của các nước Đông Nam Á. Đôi lúc sự can dự phương Tây trong vấn đề QCN còn phớt lờ chính kiến, tự do ngôn luận của người dân các nước trong khu vực. Chẳng hạn, họ gây áp lực để nhiều nước Đông Nam Á phải xóa bỏ hình phạt tử hình dù chưa có sự đồng thuận cao từ người dân ở khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, năm 2023 sẽ tiếp tục là năm khó khăn trên bình diện địa chính trị và kinh tế, với những biến động cực đoan trong quan hệ giữa các nước lớn. Đó cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các vi phạm QCN. Với ASEAN, để giải quyết những thách thức nổi lên trong lĩnh vực QCN, cần củng cố đoàn kết nội khối, tạo sức mạnh tổng hợp để đứng vững trước những biến động quốc tế trong giai đoạn tới. Các nền kinh tế ASEAN cần có các biện pháp hợp tác ở cấp độ khu vực nhiều hơn, tranh thủ các cơ hội và tận dụng được các xu thế hợp tác mới. Phát huy hiệu quả “phương thức ASEAN” để duy trì hòa bình, ổn định khu vực, có chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo đảm QCN và cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng; phòng ngừa rủi ro trong tương lai cũng như hoàn thiện các cơ chế bền vững và hiệu quả trong ngăn chặn và điều chỉnh xung đột tiềm tàng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất