|
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm bảo đảm hơn nữa quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền của người DTTS. Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang.
|
Nhiều chính sách ưu tiên phát triển
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giải quyết vấn đề dân tộc nói chung, quyền của người DTTS nói riêng là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).
Để cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28-1-2022 về Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với công tác dân tộc cũng như phát triển nguồn nhân lực, KTXH, bảo đảm quyền của người DTTS và đồng bào vùng DTTS và miền núi (DTTS&MN).
Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Chương trình đã xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển là yêu cầu bức thiết và khách quan, cụ thể như giải quyết vấn đề sinh kế và thiếu đất ở, đất sản xuất tại vùng đồng bào DTTS&MN. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22-5-2022 về việc phân bổ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 CTMTQG. Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng 2 Nghị định của Chính phủ, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 Quyết định của Ban chỉ đạo Trung ương và 217 các văn bản chỉ đạo điều hành chung nhằm triển khai CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN. Bên cạnh đó, nhằm thực hiện Quy trình giám sát CTMT phát triển KTXH vùng DTTS&MN, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-UBDT quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 85/QĐ-UBDT ngày 24-2-2022 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022-2025 với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người DTTS về: xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đặc biệt, quyền của phụ nữ và trẻ em người DTTS được quan tâm, lồng ghép, thực hiện trong nhiều Chương trình, đề án. CTMTQG phát triển KTXH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 có Dự án 7: “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”, Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với mục tiêu cải thiện sức khỏe của đồng bào DTTS về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em và Dự án 9 có tiểu dự án 01 Hỗ trợ đồng bào các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, trong đó có nội dung hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản có liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ gia đình và trẻ em…
Những kết quả nổi bật
Trong năm 2022, tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS&MN cơ bản ổn định nhờ hiệu quả từ chính sách tiêm chủng vắc-xin phòng, chống COVID-19 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ. Cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường; các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS&MN phục hồi tích cực và đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III-2022. An sinh xã hội được bảo đảm, người dân không bị thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022. Văn hoá thông tin vùng đồng bào DTTS&MN được tăng cường. Các thiết chế văn hoá trong vùng DTTS được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm, chú trọng. Các chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS tiếp tục được thực hiện tốt.
Một số địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”; kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo và rà soát, phê duyệt chỉ tiêu chế độ cử tuyển; kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, đánh giá, công nhận mức độ trường đạt chuẩn quốc gia, quan tâm công tác dạy học tiếng DTTS. Các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong vùng DTTS&MN đẩy mạnh tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2022 cho học sinh, sinh viên; hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với sinh viên, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Hoạt động chăm lo hỗ trợ, tặng quà, học bổng có ý nghĩa thiết thực cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, trong đó có con em đồng bào DTTS.
Đến nay, 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS, ngày 14-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” (Đề án 498). Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” và mục tiêu cụ thể là: Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN vào năm 2025; Giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS có xu hướng giảm dần (năm 2019 là 21,9%, giảm 4,7% so với 26,6% năm 2015), tương ứng với mức giảm trung bình xấp xỉ 1%/năm). Tỷ lệ kết hôn cận huyết trong vùng DTTS có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2019 là 5,6‰, giảm 0,9‰ so với 6,5‰ năm 2015 ().
Vấn đề bình đẳng giới được quan tâm và được cụ thể hoá tại Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 28-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện Bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đã triển khai biên soạn, in ấn và phát hành cuốn cẩm nang tuyên truyền thông tin chính sách pháp luật về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS năm 2022 gửi đến cơ quan công tác dân tộc các tỉnh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Bên cạnh đó, các địa phương được hướng dẫn thực hiện hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS. Các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền như xây dựng và lắp đặt pa-nô, in ấn, cấp phát tờ rơi tuyên truyền và tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin.
Tập trung nguồn lực phát triển vùng DTTS
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học - công nghệ, thương mại và đầu tư, một số nhóm DTTS dễ bị tổn thương, có nguy cơ tụt hậu và loại khỏi quá trình phát triển; thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu cùng với nhiều loại dịch bệnh đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KTXH vùng DTTS&MN; chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một, vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu… Vì vậy, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm bảo đảm hơn nữa quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền của người DTTS&MN.
Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong phạm vi ngành và địa phương trong việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc ở cấp cơ sở.
Ba là, tăng cường đầu tư, phát triển y tế, giáo dục vùng đồng bào DTTS; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục các rào cản tập quán; đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH vùng DTTS.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trong đồng bào DTTS về bình đẳng giới và vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả; lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong các giờ ngoại khoá của trường học. Huy động các nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới tại vùng DTTS. Tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách khác tại vùng DTTS có hỗ trợ thúc đẩy mục tiêu về bình đẳng giới.
Các tỉnh, thành phố vùng DTTS tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, đặc biệt các dự án liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Trong đó, cần có cơ chế phân bổ vốn hợp lý từ CTMTQG đối với Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS”; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” và Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giữa các bộ, ngành để bảo đảm các bộ, ngành có nhiệm vụ liên quan đều có kinh phí để triển khai thực hiện góp phần mang lại hiệu quả.