Nếu được hiểu theo nghĩa hẹp, thì nhân văn là một lối sống cao đẹp. Nhân quyền, hiểu theo cách khái lược, là các quyền của con người. Chỉ khi con người có đủ trí tuệ để tổ chức - điều hành một cộng đồng và một bộ phận người khác ý thức được thân phận bị sai khiến, lợi dụng của mình, thì từ đó, nhân quyền, hay nói rõ hơn, ý định đòi quyền sống cho mình và người khác mới xuất hiện và phát triển. Trong văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng luôn có vấn đề nhân văn và nhân quyền với các biểu hiện rất phong phú, đa dạng.
|
Ảnh minh hoạ.
|
1. Từ buổi sơ khai, văn học thiếu nhi Việt Nam đã hướng trẻ em đến với lối sống nhân văn và nhắc nhở các em tinh thần đấu tranh cho nhân quyền. Ngày nay, ai đã từng nghe/ đọc một vài lần, đều nhớ đến các câu truyện cổ tích: Cây khế, Quả dưa đỏ, Tấm và Cám, Thạch Sanh…; các câu ca như: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước hãy thương nhau cùng…
Cố nhiên, tinh thần nhân văn và nhân quyền trong văn học thiếu nhi thời cổ xưa ấy còn ở mức độ đơn giản, nhưng qua cách diễn ngôn của văn chương, chúng đã được “lót ổ” vào tâm trí trẻ thơ, và từ đây, chúng được ôm ấp, ươm nở dần mãi mãi về sau.
Vừa như là theo dòng thời cuộc, lại vừa là người đồng hành với cuộc sống muôn hình vạn trạng, văn học thiếu nhi Việt Nam càng ngày càng thấm đượm tinh thần nhân văn dân tộc và có các cách thể hiện ý thức nhân quyền tinh tế, khéo léo hơn.
Có nhà nghiên cứu cho rằng đây là một biểu hiện của sự bám sát và theo kịp thực tiễn. Nhưng cũng có ý kiến khác, khi nhiều tác phẩm văn chương thiếu nhi không chỉ khuyên răn, mà thực sự đã lãnh trách nhiệm của một người dẫn đường: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau; rằng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”. Nghĩa là: Giang sơn đất nước Nam đã có hoàng đế nước Nam trị vì/ Điều này (Sự thực này) đã được ghi rõ ở sách Trời/ Nếu bọn giặc dữ kia đến xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Từ một cái nhìn xuyên suốt lịch sử dựng nước gắn liền với lịch sử ra đời, phát triển của văn học, chúng ta có điều kiện nhận ra rằng văn học thiếu nhi nước ta đã có một tiến trình lâu dài suốt từ thời thượng cổ, qua thời phong kiến tự chủ cho đến ngày nay. Đó là hàng ngàn năm văn học cho tuổi thơ, của tuổi thơ ta. Công cuộc mưu sinh và chiến đấu ấy của cộng đồng dân Việt luôn là một môi trường nuôi dưỡng cho triệu triệu thiếu nhi dần trở thành những công dân, những người lao động, những chiến sĩ và anh hùng trên các lĩnh vực kiến quốc và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt quá trình đó, tác phẩm nào nêu cao tinh thần nhân văn, cổ vũ cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền thường được đánh giá cao.
2. Hàng trăm năm trước đây đã có hai hiện tượng đáng chú ý về văn học thiếu nhi liên quan đến nhân văn và nhân quyền.
Hiện tượng 1 - Văn học thiếu nhi phần lớn, là do người lớn trong nhà, ngoài xã sáng tạo ra, nhằm mục đích chính là truyền dạy kinh nghiệm sống, gợi dẫn cách nghĩ và cách hành động - xử lý việc trong nhà ngoài ngõ cho con cháu sao cho thuận hòa để cùng phát triển, đúng với đạo lý con người, như: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống những chung một giàn; hay: Thói thường gần mực thì đen/ Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Hay như ở truyện Sự tích Cây khế kể rằng, người em chăm chỉ, không tham lam thì được sống yên ổn, rồi cũng có của ăn của để; người anh gian tham thì chết thảm giữa biển khơi. Ở truyện Thạch Sanh, người xưa đã nêu lên một bài học rõ ràng rằng kẻ bất lương, bất nghĩa như Lý Thông (và mẹ hắn) có nhiều âm mưu tàn độc, thì rốt cuộc cũng chết, Trời hóa kiếp cho thành con bọ hung hôi hám; Thạch Sanh ngay thật và dũng cảm vượt qua được mọi hiểm nghèo mà sống cuộc đời hạnh phúc.
Hiện tượng 2 - Hình ảnh trẻ thơ, thiếu nhi - vốn là chủ nhân của văn học thiếu nhi, chủ nhân tương lai của gia đình và xã hội… lại chưa phải là nhân vật trữ tình, nhân vật trung tâm của văn học thiếu nhi. Mà nếu có, cũng chỉ sôi động trong một số khúc đồng dao, ví dụ như: Khúc 1 - Dung dăng dung dẻ/ dắt trẻ đi chơi/ đến ngõ nhà trời/ lạy cậu lạy mợ/ cho chó về quê/ cho dê đi học/ cho cóc ở nhà/ cho gà bới bếp… Khúc 2 - Cái Bống là cái bống bang/ Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm/ Mẹ Bống đi chợ đường trơn/ Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa rào.
Trong thời xa xưa ấy, có một nhân vật thiếu nhi là chú bé ở làng Gióng nọ. Đã ba năm tuổi mà chưa biết đi biết nói, vậy mà khi nghe được lời kêu gọi người tài giỏi, ra cứu nước cứu dân thì cậu bé đã bật ngồi dậy, đứng lên xin phép cha mẹ xin nhà vua cho ra trận…
Không phải tự nhiên mà dân ta cứ kể mãi với con cháu sự tích anh hùng này, thiếu nhi Việt Nam ta cháu nào cũng muốn là bạn, là em của chú bé - tráng sĩ - anh hùng làng Gióng này. Trong tâm khảm và hơi thở của người Việt chừng nào còn đau đáu và dập dồn một ý thức đập tan áp bức bất công để dựng xây một cuộc sống yên bình thì hình tượng Thánh Gióng còn hiện hữu và rực sáng.
Hướng thiện và chăm chỉ, khôn ngoan, đúng mực; khi gặp gian nguy thì tìm cách vượt qua… đó chính là phẩm tính cao đẹp của con người trong cõi nhân gian mà văn học thiếu nhi Việt Nam ta dung dưỡng và phát triển, trở thành một trong những nền tảng của tư tưởng và đạo hạnh của xã hội ta ngày nay.
3. Sang thời hiện đại, nhất là từ cuối thế kỉ XX đến đầu thế kỉ XXI, tinh thần nhân văn - nhân quyền trong văn học thiếu nhi Việt Nam được tích tụ nhiều hơn và lan tỏa sâu rộng hơn. Sự tích tụ và lan tỏa này đã tạo ra các thành quả mới vượt trội.
Văn học thiếu nhi thời hiện đại phản ánh đầy đủ và sâu sắc cuộc sống của các thế hệ trẻ trong các mối quan hệ gia đình - bè bạn - xã hội; hình ảnh thiếu nhi Việt Nam trong văn học đã là hình ảnh - hình tượng trung tâm có sức hấp dẫn và định hướng cho quá trình bồi dưỡng những nét nhân cách tốt đẹp cho con người Việt Nam đương đại.
Thơ Trần Đăng Khoa kể chuyện Mẹ ốm: Sáng nay trời đổ mưa rào/ Nắng trong trái chín ngọt ngào đưa hương/ Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi. Còn em thì: Mẹ vui, con có quản gì/ Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca/ Rồi con diễn kịch giữa nhà/ Một mình con sắm cả ba vai chèo… Con mong mẹ khỏe dần dần/ Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say/ Rồi ra đọc sách, cấy cày/ Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…
Trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và hai tập tiểu thuyết khác của Võ Quảng là Quê nội và Tảng sáng, ta thấy hình tượng các chú bé tên là An, Cục và Cù Lao hồn nhiên tham gia kháng chiến cùng các anh các chú có sức cuốn hút lâu dài, mạnh mẽ. Kể lại những ngày trong chiến khu chống Pháp của các thiếu niên này, các tác giả đã khéo léo gửi đến bạn đọc một thông điệp: Lòng yêu quê hương đất nước và hành động quyết đánh đuổi kẻ xâm lăng ở người Việt là lẽ tự nhiên như ăn và uống mỗi ngày, cũng là đạo lý, đạo nghĩa của dân tộc này.
Còn đây, hơn cả ước ao, mà đã như một lời khẳng định cũng tự nhiên mà đầy trách nhiệm của thiếu nhi ta khi đã sớm trưởng thành từ một đất nước đang phấn đấu cho tự do và nhân quyền: Trái đất này là của chúng mình/ Vàng trắng đen tuy khác màu da/ Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý/ Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm/ Màu hoa nào cũng quý cũng thơm…
Ở thời đổi mới, Việt Nam đã có hẳn một dòng văn chương, một nền văn chương thiếu nhi. Nền văn chương này được sáng lập và phát triển tự nhiên, sôi nổi từ khắp vùng miền, do chính các cháu, các em viết rồi chuyền tay nhau đọc.
Đội ngũ tác giả văn học thiếu nhi trẻ tuổi nay đã là những nhà văn nhà thơ đang làm chủ diễn đàn văn học Việt Nam. Quá trình tìm hiểu của chúng tôi cho thấy quá nửa số nhà văn, nhà thơ Việt Nam đương đại vốn là những cậu bé, cô bé ham thích thơ văn rồi tập sáng tác từ thủa nào.
Trên con đường phấn đấu dựng xây cho được một cuộc sống độc lập, tự do ấm no, hạnh phúc, người Việt Nam hôm nay đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, trong đó có thành tựu đánh khích lệ là đã tạo ra được một nền văn học thiếu nhi giàu tính nhân văn và nhân quyền. Đất mẹ đã ươm được cây, cây sung sức đã đơm hoa, kết quả.
Thủy Liên