|
Trí tuệ nhân tạo có sự ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo đảm quyền con người, nhất là quyền riêng tư, quyền lao động.
|
Bước đột phá của AI
AI đã không còn xa lạ. Trong mỗi chiếc điện thoại thông minh chúng ta sử dụng hằng ngày đều có sự xuất hiện của AI ở mức độ nào đó. Những chức năng như tự động điều chỉnh độ sáng màn hình, mức độ âm thanh theo người dùng, hay tự đọc văn bản và nhận dạng giọng nói, chuyển thành văn bản đều có thể “tự học” dựa vào dữ liệu đầu vào để ngày càng thông minh hơn, xử lý được nhiều tình huống thực tế hơn. Hệ thống bán hàng online thì phân tích thói quen người dùng bằng AI, giúp tối ưu hóa nội dung hiển thị quảng cáo cho từng khách hàng...
Tháng 11-2022 đánh dấu một bước ngoặt trong phát triển và ứng dụng AI khi OpenAI cho ra mắt hệ thống chatbot (công cụ trò chuyện bằng máy có AI hỗ trợ) có tên gọi Chat GPT. Chat GPT tập hợp một khối lượng kiến thức nhiều hơn bất kỳ một cá nhân nào. Nó có thể trò chuyện một cách thuyết phục về việc khai thác khoáng sản ở Papua New Guinea, hoặc về một công ty bán dẫn của Đài Loan... Mạng thần kinh nhân tạo GPT-4 của Chat GPT thậm chí còn dễ dàng vượt qua các bài thi khó nhằn ngành luật và y khoa ở Mỹ, viết nhạc, sáng tác thơ, viết tiểu luận, tạo ảnh kỹ thuật số, vẽ tranh và sản xuất phim hoạt hình.
Về cơ bản, GPT-4 là một dạng công nghệ AI kiến tạo nội dung với mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Nhưng không chỉ có Chat GPT của OpenAI sử dụng LLM. Những gã khổng lồ công nghệ khác như Alphabet, Amazon và Nvidia đều đã và đang phát triển và “huấn luyện” AI với mô hình LLM riêng với những cái tên như Palm, Megatron, Titan and Chinchilla. Tuy nhiên, song song với sự phấn khích trước bước phát triển vượt bậc của công nghệ AI là mối quan ngại sâu sắc rằng các mô hình AI kiến tạo nội dung đang phát triển quá nhanh, quá mạnh, có thể tác động tiêu cực đến con người nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Chính vì lẽ đó, ngày 29-3, Elon Musk và nhóm hơn 1.000 chuyên gia công nghệ hàng đầu đã khởi động quy trình ký một bức thư ngỏ cảnh báo về nguy cơ AI phát triển không kiểm soát gửi Liên hiệp quốc, đề xuất tạm ngừng phát triển công nghệ này để có thể đánh giá lại toàn bộ vấn đề.
Tác động của AI đến quyền con người
Điều 23 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Khoản 2, Điều 1 Công ước về Chính sách việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xác định rõ quyền được làm việc và được bảo vệ khỏi thất nghiệp của con người.
Mặc dù công nghệ AI đã giúp thay đổi các doanh nghiệp và cuộc sống con người thông qua cải thiện năng suất, hiệu quả của máy móc và dịch vụ, nhưng nó cũng đang gây ra làn sóng thất nghiệp do sự dịch chuyển ngành nghề lao động.
Đề cập đến vấn đề này, Giáo sư chính trị học Robert Skidelsky viết trong cuốn sách “Việc làm trong tương lai” (Work in the Future): “Sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ hết việc làm”. Một nghiên cứu của hai học giả Carl Frey và Michael Osborne thuộc Đại học Oxford cho thấy, ước tính 47% công việc tại Mỹ có nguy cơ bị AI “chiếm giữ” trong tương lai không xa.
Sự phát triển của AI giúp nâng cao khả năng tự động hóa một số công việc truyền thống, là nguyên nhân sẽ khiến hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người mất việc làm, đặc biệt là công việc lao động chân tay, ít hàm lượng tri thức. Năm 2017, nhà máy điện thoại di động Changying Precision Technology của Trung Quốc đã thay thế 90% lực lượng lao động con người bằng máy móc, giúp tăng năng suất 250% và giảm 8% lỗi vận hành và lỗi trên sản phẩm. Tương tự, Adidas đã và đang hướng tới xây dựng các nhà máy “chỉ có robot” để nâng cao hiệu quả...
Như vậy, tăng trưởng kinh doanh sẽ không còn phụ thuộc vào lực lượng lao động con người, đặc biệt đối với lao động có kỹ năng trung bình. Đáng lo ngại hơn, khi công nghệ AI tiếp tục phát triển, nhiều công việc từng được coi là không thể tự động hóa thì cuối cùng cũng có thể bị thay thế bởi AI như Chat GPT, các trợ lý ảo AI như Siri, Cortana, Alexa và Google đang dần thay thế trợ lý con người, phiên, biên dịch viên. Khi AI ngày càng được ứng dụng vào các ngành nghề, có một thực tế là người nghèo sẽ càng nghèo hơn và người giàu sẽ càng giàu hơn.
Ngoài ra, một trong những tác động lớn nhất của AI đến nhân quyền là nguy cơ vi phạm quyền riêng tư cá nhân. AI có khả năng thu thập và phân tích dữ liệu lớn (Bigdata) mà con người không thể làm được. Nó còn có thể tự động theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng, thậm chí người bị vi phạm còn không hề hay biết. Các công nghệ AI mà chúng ta sử dụng hằng ngày như nhận diện khuôn mặt, sinh trắc vân tay đều có thể được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân.
Với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu mạnh mẽ, AI còn có thể xâm nhập vào các hệ thống máy tính và cài đặt các chương trình độc hại để tự động truy cập và gửi thông tin về nguồn khai thác. Vụ hệ thống mạng của Văn phòng Quản lý nhân sự chính phủ Mỹ (OPM) bị tấn công bởi tin tặc là rất đáng lưu tâm đối với bất cứ quốc gia hay tổ chức nào khi dữ liệu cá nhân chi tiết và rất nhạy cảm của 21,5 triệu quan chức tại chức và đã nghỉ hưu của Mỹ, thông tin về vợ/chồng của họ, và những người từng nộp đơn xin việc vào cơ quan chính phủ đã lọt vào tay tin tặc. Những dữ liệu này gồm thông tin về sức khỏe, nơi cư trú, công việc, vân tay và thông tin tài chính.
Thông tin sau khi bị đánh cắp được phân loại, phân tích bằng AI trước khi đưa vào khai thác sử dụng cho các mục đích khác. Công nghệ AI đã giúp bên đánh cắp thông tin rút ngắn thời gian khai thác bởi con người không đủ khả năng xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ trong một thời gian ngắn. Khi kết hợp các dữ liệu với nhau, thông tin bị đánh cắp có thể được dùng để phục vụ hoạt động tình báo (ở cấp độ quốc gia) hoặc đơn giản là tống tiền (ở cấp độ cá nhân).
Công hệ AI cũng có thể tạo ra phân biệt đối xử và vi phạm quyền được tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân nếu dữ liệu “huấn luyện” cho AI trong quá trình “học máy” (machine learning) là không đầy đủ hoặc bị điều chỉnh theo hướng thiên vị một nhóm nào đó một cách có chủ đích. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy người da đen, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật và đặc biệt là nhóm LGBT bị phân biệt đối xử bởi các thuật toán AI.
Tháng 5-2022, một nghiên cứu của Cơ quan Quyền cơ bản của Liên minh châu Âu đã đưa ra kết luận AI có thể làm gia tăng phân biệt đối xử. Gần đây, Tuyên bố Toronto cũng kêu gọi biện pháp ngăn chặn các hệ thống học máy làm trầm trọng hơn tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội hiện đại.
Hiện tại, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được áp dụng trong các hệ thống tư pháp, cơ quan hình sự, cơ quan quản lý biên giới của 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Hồng Kông, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ... nhằm xác định nghi phạm. Thay vì giảm thiểu và kiểm soát công việc của cảnh sát, AI lại làm gia tăng phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc trong các hoạt động thực thi pháp luật. Sự thiên vị của các công cụ này hiện vẫn còn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá đúng mức.
Công nghệ AI cũng đặt ra những câu hỏi về vấn đề đạo đức. Mặc dù có khả năng học hỏi và đưa ra quyết định thông minh, AI vẫn thiếu khả năng hiểu biết đạo đức và giá trị nhân văn. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng AI để lan truyền thông tin sai lệch, bôi nhọ cá nhân và tổ chức, tạo các nội dung độc hại... như việc đối tượng xấu sử dụng Deepfake để gắn hình ảnh người nổi tiếng vào các clip khiêu dâm thời gian gần đây. Đó là ở góc độ cá nhân. AI còn có thể trở thành mối nguy đối với an ninh quốc gia khi được thiết kế mà không có sự điều chỉnh về mặt đạo đức.
Elon Musk đã cảnh báo rằng, AI có thể trở thành một công cụ đáng sợ trong chiến tranh. Nếu một quốc gia phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo vượt trội, quốc gia đó có thể sử dụng nó để tấn công các quốc gia khác. Cảnh báo về mối hiểm họa đối với an ninh quốc gia do AI mang lại, Giáo sư khoa học máy tính Stuart Russell tại Đại học California cho rằng, hiện nay chúng ta đã có thể sản xuất vũ khí tấn công tự động (autonomous weapons - vũ khí sát thương kết hợp công nghệ AI) bằng cách tích hợp và thu nhỏ những công nghệ sẵn có.
Con người cần phải làm gì?
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, những tác động của nó đối với quyền con người ngày càng trở nên rõ hơn. Do AI là công nghệ mới, là một tiến bộ của xã hội hiện đại, việc thiếu vắng các chính sách bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân và tổ chức là không thể tránh khỏi. Điều này đã tạo cơ hội cho các công ty công nghệ có thể khai thác kho dữ liệu một cách vô tội vạ mà không phải chịu trách nhiệm gì. Các công ty này có thể tự do xâm nhập cuộc sống của người dân và ngày càng gia tăng mức độ vi phạm quyền riêng tư khi hầu như chẳng có qui định cụ thể về trách nhiệm giải trình hay chế tài nào đối với họ.
Vì thế, để giảm thiểu tác động tiêu cực của AI đối với quyền con người, về khía cạnh pháp lý, cần phải sớm xây dựng và ban hành luật cũng như các điều khoản qui định và quản lý việc thu thập, sử dụng và xử lý dữ liệu cá nhân của các hệ thống AI cũng như cơ chế bảo vệ dữ liệu đủ mạnh để ngăn chặn việc sử dụng thông tin cá nhân trái phép, vào các mục đích phi đạo đức. Trách nhiệm giải trình của nhà phát triển hệ thống AI, người dùng và các bên liên quan cần được nhấn mạnh và tăng cường giám sát, thực thi. Khuôn khổ và qui định pháp lý cần buộc người phát triển, triển khai và sử dụng các hệ thống AI phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền tiềm tàng nào từ các sản phẩm của mình.
Các nhà phát triển công nghệ phải bảo đảm các hệ thống AI do họ xây dựng được “huấn luyện” với dữ liệu đa dạng, chính xác và không thiên lệch. Các hệ thống AI cần phải được kiểm tra nghiêm ngặt và thường xuyên để bảo đảm tính công bằng và minh bạch, giảm thiểu các kết quả có khả năng tiềm ẩn gây ra thành kiến và phân biệt đối xử. Các quy trình ra quyết định của AI cần phải dễ hiểu hơn để bảo đảm người dùng có khả năng giám sát những hoạt động tự động của AI. Cần xây dựng và tuân thủ các hướng dẫn và nguyên tắc đạo đức áp dụng cho lĩnh vực công nghệ AI để bảo đảm AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các sáng kiến giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về công nghệ AI, giúp cộng đồng tìm hiểu không chỉ về các chức năng của AI mà còn về vấn đề đạo đức trong phát triển AI và tác động của nó đối với cuộc sống hằng ngày.
Có thể nhận thấy rõ tác động sâu rộng của AI đối với quyền con người đòi hỏi các quốc gia cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề nảy sinh. Chỉ khi các chính sách, biện pháp thích hợp được đồng loạt thực thi, lợi ích xã hội và quyền con người trong thời đại công nghệ AI mới có thể được bảo đảm.
HỮU DƯƠNG